Sự sụp đổ của đế chế tiền mã hóa FTX

Đã có thời điểm Sam Bankman-Fried tuyên bố sẽ mua lại Goldman Sachs. Tuy nhiên, hiện cựu CEO của FTX đã trở thành tội phạm lừa đảo với số chủ nợ lên tới 1 triệu người.

 Sụ sụp đổ của FTX đã khiến cả thị trường tiền mã hóa chao đảo. Ảnh: WSJ.

Sụ sụp đổ của FTX đã khiến cả thị trường tiền mã hóa chao đảo. Ảnh: WSJ.

Theo CNBC, sàn giao dịch FTX của Sam Bankman-Fried đã nộp đơn xin phá sản. Trước đó, đây là một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới với mức định giá lên tới 32 tỷ USD và là đối thủ đáng gờm của ông lớn Binance.

30 tuổi và từng có trong tay 16 tỷ USD, Sam Bankman-Fried, cựu CEO của FTX, đã trắng tay và đang phải đối mặt với hàng loạt bản án dân sự và hình sự về tội danh lừa đảo.

Xuất hiện như một ngôi sao

Vào năm 2017, Sam Bankman-Fried đã phát hiện một sự thật thú vị trên trang CoinMarketCap, nơi liệt kê giá Bitcoin của các sàn giao dịch trên khắp thế giới. Tại thời điểm đó, giá của tiền mã hóa tại các sàn giao dịch có thể chênh lệch lên tới 60%.

Nhận thấy khả năng kiếm tiền từ việc khai thác sự chênh lệch về giá, Sam Bankman-Fried đã lập tức tham gia vào hoạt động kinh doanh này bằng việc thành lập công ty Alameda Research. Theo cựu CEO của FTX, doanh nghiệp của anh có thể kiếm được hơn 1 triệu USD/ngày.

Thành công của Alameda đã thúc đẩy sự ra mắt của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX vào năm 2019. Sam Bankman-Fried đã tạo ra một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 2 tỷ USD để tạo cơ hội chào sân cho các công ty tiền mã hóa khác. Tài sản cá nhân của anh đã tăng lên hơn 16 tỷ USD vào thời điểm tháng 3 năm nay.

Cái tên Sam Bankman-Fried cùng logo của FTX xuất hiện ở mọi nơi, từ những chiếc xe đua F1 cho đến các sân thi đấu bóng rổ ở Miami. Vị doanh nhân 30 tuổi này liên tục xuất hiện trên báo chí và nói về việc mình sẽ mua lại Goldman Sachs trong tương lai. Thậm chí, Sam Bankman-Fried còn hứa hẹn sẽ tài trợ 1 tỷ USD cho đảng Dân chủ trong các cuộc chạy đua chính trị trước khi rút lui sau đó.

Lụi tàn cùng những khoản nợ

Khi giá tiền mã hóa giảm mạnh trong năm nay, Bankman-Fried đã khẳng định rằng bản thân và doanh nghiệp của mình hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, FTX đã bị tác động khá nặng nề sau các biến động của thị trường.

Công ty Alameda đã vay tiền để đầu tư vào các công ty tài sản kỹ thuật số đứng trước bờ vực phá sản để giữ thị trường tiền mã hóa tiếp tục phát triển.

Theo Changpeng Zhao (CZ), CEO của sàn giao dịch Binance, Bankman-Fried đã bòn rút tiền gửi của khách hàng tại FTX để ngăn chặn các giao dịch ký quỹ và trả nợ ngay lập tức.

Giữa làn sóng phá sản, nhiều chủ nợ của Alameda đã yêu cầu công ty trả lại tiền của họ. Tuy nhiên, số tiền mà công ty vay được đã bị vị CEO sử dụng để đầu tư mạo hiểm.

Để đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ của mình, FTX đã vay hàng tỷ USD tiền gửi của khách hàng trong công ty để âm thầm bảo lãnh cho Alameda. Khi thực hiện giao dịch đòn bẩy này, quỹ Alameda đã sử dụng FTT, một loại tiền mã hóa được tạo ra bởi sàn giao dịch FTX, làm tài sản thế chấp.

Chủ sở hữu của FTT được hứa hẹn sẽ giảm chi phí giao dịch trên FTX cùng khả năng kiếm được tiền lãi và nhận thêm phần thưởng. Tuy nhiên, đồng tiền mã hóa này không được kiểm soát chặt chẽ và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái thị trường.

 Chân dung Sam Bankman-Fried, vị CEO của FTX. Ảnh: Coindesk.

Chân dung Sam Bankman-Fried, vị CEO của FTX. Ảnh: Coindesk.

Vào năm 2019, Binance đã công bố một khoản đầu tư chiến lược vào FTX. Tuy nhiên, tới mùa hè năm 2022, Bankman-Fried bỗng thúc ép các cơ quan quản lý xem xét, điều tra về Binance và chỉ trích sàn giao dịch này một cách công khai.

Ngay lập tức, CEO Binance đã tuyên bố công ty sẽ bán ra lượng lớn FTT khiến giá trị đồng tiền mã hóa này sụt giảm. Các nhà đầu tư đua nhau rút tiền khỏi FTX. Vào ngày 6/11, sàn giao dịch này đã bị rút khoảng 5 tỷ USD.

Vào ngày 11/11, Alameda, FTX và một loạt công ty con do Bankman-Fried thành lập đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Delaware.

Vị tỷ phú một thời đã từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình và mất 94% tài sản cá nhân chỉ trong một ngày. Hiện không ai biết Bankman-Fried ở đâu.

Các luật sư của sàn giao dịch cho biết FTX đã liên hệ với “hàng chục” cơ quan quản lý ở Mỹ và trên toàn thế giới, bao gồm Văn phòng Luật sư Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).

SEC và Bộ Tư pháp được cho là đang điều tra FTX về các vi phạm dân sự và hình sự đối với luật chứng khoán. Các cơ quan quản lý tài chính ở Bahamas cũng đang xem xét khả năng xảy ra những vi phạm hình sự đối với công ty này.

Thanh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/qua-trinh-sup-do-cua-de-che-tien-ma-hoa-ftx-post1375780.html