Sự sụp đổ của thời đại đồ đồng
Nhiều nền văn minh lớn đã biến mất một cách bí ẩn trong thời đại đồ đồng cách đây 3.200 năm do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như cuộc xâm lược của các Dân tộc Biển, biến đổi khí hậu và sự sụp đổ không thể tránh khỏi của các hệ thống xã hội.
Trong thế kỷ 13 và 12 trước Công nguyên, các nền văn minh trong thời cổ đại đã sụp đổ như quân cờ domino. Những thành phố lớn một thời xung quanh khu vực phía Đông Địa Trung Hải, Bắc Phi và Cận Đông đã trở thành đống đổ nát, nhiều hệ thống chữ viết biến mất, các cuộc nổi dậy và chiến tranh nổ ra, nhiều nền văn hóa bị xóa sổ.
Cuối thời đại đồ đồng được mô tả là bước tiến đầu tiên của nhân loại để tạo ra quá trình toàn cầu hóa, trong đó nhiều nền văn minh cổ đại phụ thuộc vào nhau để có nguyên liệu thô, đặc biệt là đồng và thiếc. Họ cũng buôn bán các loại hàng hóa làm từ gốm sứ, ngà voi và vàng. Nhưng tất cả những điều này đã kết thúc một cách đột ngột và vô cùng bí ẩn.
Một số nền văn minh phát triển mạnh và nổi bật nhất trong thời đại đồ đồng bao gồm Đế quốc Assyria ở Lưỡng Hà, Ai Cập thời kỳ Tân Vương quốc, Babylon, Đế quốc Hittite ở bán đảo Tiểu Á, nền văn minh Mycenaean ở Hy Lạp và Minoan trên đảo Crete. Tất cả những cường quốc này nằm rải rác xung quanh khu vực Địa Trung Hải.
Các nhà sử học vẫn đang tranh luận gay gắt về nguyên nhân chính xác của cái gọi là “sự sụp đổ của thời đại đồ đồng”, nhưng rõ ràng đó không phải là khoảng thời gian dễ chịu của con người. Nhưng trước khi sụp đổ, thời đại đồ đồng là một giai đoạn lịch sử tương đối tốt đẹp.
Thời đại đồ đồng là thời kỳ chuyển tiếp giữa thời đại đồ đá và đồ sắt. Đúng như tên gọi, các nền văn minh thời đại đồ đồng sở hữu kỹ năng nấu chảy và luyện đồng điêu luyện. Họ cũng biết pha trộn đồng với các nguyên tố khác như thiếc, asen để tạo ra hợp kim có độ cứng cao hơn.
Các nhà khảo cổ phát hiện bằng chứng sớm nhất về quá trình nấu chảy đồng tại khu vực Lưỡi liềm Màu mỡ (Fertile Crescent) – một vùng đất có hình dạng giống lưỡi liềm ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phát sinh nền văn minh Lưỡng Hà nổi tiếng. Những dấu vết sớm nhất của quá trình luyện kim nói chung cũng có thể được tìm thấy ở đây, đặc biệt là tại địa điểm Yarim Tepe thuộc Iraq ngày nay.
Đồng là kim loại dễ uốn, nhưng nó cứng và linh hoạt hơn nhiều so với đá. Các nền văn minh đã khai thác đặc tính của kim loại đồng để chế tạo vũ khí, công cụ, đồ dùng hằng ngày và đồ trang sức.
Sự xuất hiện của một loại vật liệu mới đã tạo ra nhiều thay đổi trong đời sống xã hội của con người thời cổ đại. Họ bắt đầu chuyển sang lối sống định canh, định cư, thay vì săn bắn hái lượm theo hình thức du mục trong thời kỳ đồ đá. Các nền văn minh bắt đầu xây dựng những khu đô thị lớn, phát triển những tầng lớp xã hội phức tạp, và tạo ra hàng loạt hệ thống chữ viết mới.
Theo thời gian, nhu cầu sử dụng đồng tăng lên đã dẫn đến sự phát triển của các hoạt động khai thác mỏ, luyện kim và tinh chế quặng đồng. Các mạng lưới thương mại cũng dần hình thành nhằm giúp người dân trao đổi những công cụ và đồ dùng làm từ đồng dễ dàng hơn.
“Chúng ta đang nói về một khu vực mà ngày nay sẽ trải dài từ Ý ở phía Tây đến Afghanistan ở phía Đông, và từ Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc đến Ai Cập ở phía Nam. Toàn bộ khu vực đó hoàn toàn được kết nối với nhau”, Eric Cline, giáo sư về nhân chủng học tại Đại học George Washington (Mỹ), cho biết.
Tuy nhiên, vào khoảng năm 1177 trước Công nguyên, mạng lưới thịnh vượng này đã sụp đổ.
Một trong những lời giải thích phổ biến nhất đằng sau sự sụp đổ là sự xuất hiện của các Dân tộc Biển (Sea Peoples) xâm lược tàn bạo – một liên minh hải tặc xuất hiện vào cuối thời đại đồ đồng. Thuật ngữ “Dân tộc Biển” do nhà Ai Cập học Emmanuel de Rougé sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ 19. Do bằng chứng khảo cổ và những ghi chép lịch sử về các Dân tộc Biển là rất ít, vì vậy danh tính của họ vẫn chưa rõ ràng và gây ra nhiều tranh cãi. Các nhà sử học tin rằng họ đến từ nhiều nền văn hóa đi biển khác nhau, sống chủ yếu ở xung quanh khu vực Địa Trung Hải.
Cho dù các Dân tộc Biển là ai, họ đã để lại dấu ấn của mình, tạo ra “địa ngục trần gian” trên khắp các vùng đất mà họ xâm chiếm ở bán đảo Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Canaan, Síp và Ai Cập vào cuối thời đại đồ đồng giữa thế kỷ 13 và 12 trước Công nguyên. Trong suốt khoảng thời gian này, các bằng chứng khảo cổ cho thấy có vô số thành phố ở phía Đông Địa Trung Hải và vùng Cận Đông đã bị phá hủy hoặc bỏ hoang.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của những người đi biển bí ẩn không phải là toàn bộ câu chuyện. Một số người cho rằng các nền văn minh thời đại đồ đồng đã mục nát từ bên trong và sụp đổ một cách có hệ thống. Cụ thể, nhiều vương quốc đều có cấu trúc chính trị “tập trung, phức tạp và cồng kềnh” vào cuối thời đại đồ đồng, khiến họ dễ bị tổn thương trước sự thay đổi liên tục và bất ổn của xã hội.
Một khả năng khác là sự xuất hiện của sắt và những vũ khí chiến tranh mới đã khiến các trận chiến giữa các nền văn minh trở nên tàn khốc hơn. Cuối cùng, họ tự xóa sổ lẫn nhau.
Một lời giải thích cũng không kém phần thú vị, đó là sự sụp đổ của thời đại đồ đồng liên quan đến những thay đổi của môi trường. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One vào năm 2013, các nhà khoa học tại Đại học Paul Sabatier-Toulouse III (Pháp) đã xem xét các hạt phấn hoa từ trầm tích của một hồ cổ trong khu vực và họ tìm thấy bằng chứng về sự thay đổi khí hậu trong khoảng thời gian này. Các tác giả nghiên cứu lập luận, biến đổi khí hậu đã dẫn đến hạn hán, thiếu lương thực và nạn đói trên diện rộng. Tình trạng trên đã kéo theo hiện tượng di cư ồ ạt, biến động xã hội, và những nền văn minh hùng mạnh một thời trở nên suy yếu và dễ bị xâm lược [bởi các Dân tộc Biển].
Câu chuyện về sự sụp đổ của thời đại đồ đồng sẽ không bao giờ được làm sáng tỏ bằng bất kỳ lời giải thích đơn lẻ nào. Trên thực tế, nó có thể là tổng hợp của tất cả các yếu tố liệt kê ở trên, với một số yếu tố đóng vai trò lớn hơn tùy thuộc vào từng khu vực và nền văn minh cụ thể.
Dù lý do là gì đi nữa, sự kết thúc của thời đại đồ đồng như một lời nhắc nhở chúng ta rằng, không một nền văn minh nào từng tồn tại trên thế giới có thể tự tin khẳng định họ sẽ tồn tại vĩnh viễn. Với sự kết hợp của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, chiến tranh, dịch bệnh và sử dụng các tiến bộ công nghệ vào mục đích xấu, ngay cả những xã hội hùng mạnh nhất cũng có thể sụp đổ.