Sự tác động của biến đổi khí hậu đến quyền được chăm sóc sức khỏe của con người

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những hiện tượng toàn cầu, đã và đang gây ra những thách thức to lớn tới đời sống của nhân loại trên nhiều phương diện khác nhau, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe. Ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực của BĐKH được xem là giải pháp căn cốt cả ở cấp độ quốc tế và quốc gia nhằm bảo đảm tốt hơn quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tác động của BĐKH đối với quyền được chăm sóc sức khỏe

Nhận thức được tầm quan trọng của BĐKH và ứng phó với những ảnh hưởng bất lợi của BĐKH, Liên hiệp quốc (LHQ) đã đưa ra cam kết của cộng đồng quốc tế về những cân nhắc và hành động mang tính thích ứng và giảm nhẹ nhằm làm giảm những tác động tiêu cực của BĐKH lên sức khỏe của người dân cũng như chất lượng của môi trường sống tại Điều 4 Khoản 1.f Công ước khung về BĐKH của LHQ năm 1992. Tiếp nối tinh thần đó, Lời nói đầu của Công ước chung Paris về BĐKH năm 2015 cũng khẳng định: “Các nước thành viên, khi hành động nhằm giải quyết BĐKH, phải tôn trọng, thúc đẩy và coi trọng các nghĩa vụ tương ứng của mình đối với quyền được chăm sóc sức khỏe”.

Báo cáo Đánh giá tác động của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) lần thứ 5 (năm 2014) cho thấy, BĐKH gây ra những rủi ro lớn về thương tật, thiên tai và tử vong do nhiệt độ tăng, đồng thời gây ra rủi ro cao về tình trạng suy dinh dưỡng do nguồn lương thực và khả năng tiếp cận lương thực bị giảm sút[1]. Báo cáo lần 6 của IPCC (năm 2021) còn cho biết, các rủi ro về khí hậu đang xuất hiện với tốc độ ngày càng nhanh hơn và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn so với dự báo trước đây.

BĐKH cũng làm giảm năng suất lao động và gây ra rủi ro về những dịch bệnh gắn với lương thực, thực phẩm, nguồn nước và ký sinh trùng. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong giai đoạn 2030-2050, dự báo có khoảng 250 ngàn người chết mỗi năm do các tác động của BĐKH (trong đó chủ yếu là do các dịch bệnh)[2]. Nghiên cứu của WHO cũng cho thấy, 3,6 tỷ người đang sống trong những khu vực chịu tác động lớn bởi BĐKH. Đến năm 2030, những chi phí trực tiếp để giải quyết các vấn đề về sức khỏe ước tính vào khoảng 2-4 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm.

BĐKH đã và đang gây khó khăn cho việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân ở nhiều nơi trên thế giới, tác động trực tiếp tới quyền được chăm sóc sức khỏe ở nhiều mức độ khác nhau. BĐKH không chỉ ảnh hưởng đến sự vận hành của các hệ thống y tế và chất lượng hạ tầng của các cơ sở y tế nói chung, mà còn đặt ra thách thức cho lực lượng y tế (như phải làm việc tăng ca, quá tải do thiếu nhân lực).

Điều này khiến cho năng lực bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân bị suy giảm, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân bị cản trở (nhất là trong điều kiện xảy ra thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh lan rộng) ảnh hưởng trực tiếp tới quyền được chăm sóc sức khỏe. Ở quy mô toàn cầu, những thách thức và tác động tiêu cực mà BĐKH gây ra có thể kéo lùi hàng thập kỷ những thành tựu và tiến bộ về y tế mà nhân loại đã đạt được từ trước đến nay.

Bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh BĐKH ở Việt Nam

Do những đặc thù về mặt địa lý tự nhiên, Việt Nam hiện là một trong những nước chịu nhiều tác động nhất của BĐKH trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, những hệ lụy của BĐKH đã ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống y tế của Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Trước thách thức do BĐKH gây ra, Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu hậu quả của BĐKH, thích ứng với BĐKH và bảo đảm tốt nhất các quyền con người (QCN), trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe. Những nỗ lực đó của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện trên các phương diện sau:

Một là, xây dựng và thực thi chính sách về bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe trước thách thức của BĐKH. Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương đã đặt dấu mốc quan trọng cho những nỗ lực về mặt chính sách của Việt Nam trong việc đối phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, bảo đảm chất lượng môi trường sống. Nghị quyết 24 là cơ sở quan trọng cho việc Nhà nước ban hành một loạt các chính sách ứng phó với BĐKH, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe toàn dân, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương do BĐKH.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản triển khai thực thi các chính sách cụ thể về ứng phó, giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, cải thiện môi trường sống, nâng cao điều kiện sống và sức khỏe của người dân đã được ban hành ở các cấp, các ngành trên toàn quốc.

Chẳng hạn, năm 2018, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2019 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH của ngành Y tế nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, BĐKH ảnh hưởng tới hệ thống y tế và sức khỏe, qua đó góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

 Cán bộ quận Tây Hồ (Hà Nội) thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe người dân ngoài bãi sông Hồng di dời vào nơi an toàn do chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi).

Cán bộ quận Tây Hồ (Hà Nội) thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe người dân ngoài bãi sông Hồng di dời vào nơi an toàn do chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi).

Hai là, thực hiện các hành động cụ thể nhằm giảm nhẹ BĐKH và bảo đảm tốt hơn quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân. Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương và chính quyền các địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp để ứng phó và thích ứng với BĐKH thông qua các chương trình, hoạt động cụ thể.

Nhiều mô hình ứng phó và giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của BĐKH tới sức khỏe tại các vùng miền, cộng đồng khác nhau đã được triển khai như mô hình truyền thông để cung cấp các nội dung, giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với BĐKH cho cán bộ y tế và cộng đồng, mô hình tổ chức y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng trong điều kiện BĐKH,…

Các cơ quan ở trung ương cũng phối hợp với chính quyền các địa phương trong những nỗ lực bảo đảm sức khỏe toàn dân. Điển hình như Bộ Y tế đã tích cực hỗ trợ các địa phương triển khai các hành động ứng phó với BĐKH, đặc biệt trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch, xây dựng cơ sở y tế xanh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình dự báo nguy cơ bùng phát và lan truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có liên quan đến BĐKH, dựa trên các dự báo thời tiết và dự báo khí hậu;…

Ba là, thúc đẩy giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về tác động của BĐKH đối với sức khỏe con người. Các cơ quan ở trung ương và chính quyền các địa phương đã tiến hành các chương trình, kế hoạch nâng cao nhận thức công chúng về BĐKH, tăng cường năng lực về ứng phó với BĐKH cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong các lĩnh vực như qui hoạch đô thị, y tế,…

Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục QCN cũng được tiến hành để nâng cao nhận thức xã hội, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về QCN nói chung, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành và quyền được chăm sóc sức khỏe.

Bốn là, hợp tác quốc tế trong ứng phó với BĐKH, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân. Các kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu và thích ứng với BĐKH của ngành y tế đều có sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế như WHO, Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) và chính phủ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Các chương trình hợp tác quốc tế này đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy hành động ưu tiên về y tế trong BĐKH, cải thiện khả năng tiếp cận y tế ở các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi khí hậu và thời tiết cực đoan, phòng ngừa và kiểm soát các dịch bệnh lây lan, chuyển đổi số trong mua sắm y tế và mua sắm xanh,….

Định hướng phía trước

Tuy đã có những chính sách và chương trình hành động ứng phó với những tác động tiêu cực của BĐKH đối với quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân ở nhiều địa phương bị ảnh hưởng, nhưng trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của BĐKH, cần nghiên cứu và thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Giải pháp về mặt chính sách. Cần tiếp tục xây dựng, hoạch định và thực thi các chính sách vĩ mô và vi mô, trong đó đưa ra các biện pháp, kế hoạch hành động cụ thể nhằm ứng phó và thích ứng với BĐKH, tăng cường bảo vệ và nâng cao sức khỏe toàn dân, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách hiệu quả.

Giải pháp về nâng cao nhận thức. Tăng cường truyền thông giáo dục về sức khỏe; tổ chức các cuộc diễn tập của ngành y tế thích ứng với tác động của BĐKH; đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, phát hiện, dự phòng và điều trị các bệnh tật do BĐKH gây ra. Tiếp tục các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến tới các hộ gia đình các biện pháp tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các bệnh dịch,…

Giải pháp về cơ sở vật chất, kỹ thuật. Đối với ngành y tế, cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Do vậy, cần triển khai các dự án đầu tư, phát triển hạ tầng y tế và sức khỏe cộng đồng, tiếp tục phát triển mạng lưới y tế, đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch, bệnh và các bệnh mới nổi phát sinh do tác động của BĐKH. Việc xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng y tế công cộng được xem là một trong những chiến lược quan trọng nhất, hiệu quả về chi phí và cần thiết nhất cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe để thích ứng với BĐKH.

Giải pháp về hành động thực tế. Nỗ lực giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua cải thiện tình trạng giao thông và sử dụng năng lượng xanh nhằm mang lại những lợi ích lớn cho sức khỏe con người. Ngoài ra, cần hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là những nhóm người dễ bị tổn thương và ở những nơi có nhiều bất lợi, thiệt thòi. Các hệ thống y tế có khả năng ứng phó với khí hậu là một yêu cầu cốt lõi để đạt được sự công bằng và có ý nghĩa với sức khỏe, cần tập trung nâng cao chất lượng của các hệ thống này nhằm giúp người dân thực thi quyền được chăm sóc sức khỏe một cách tối ưu. Bên cạnh đó, cần tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo sớm các tác động của BĐKH đến sức khỏe con người.

Giải pháp về hợp tác quốc tế. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn, tài chính, kỹ thuật của các đối tác quốc tế, qua đó nâng cao năng lực quốc gia trong việc bảo đảm tốt hơn quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân trong bối cảnh BĐKH.

Quyền được chăm sóc sức khỏe là một trong những tiêu chuẩn quốc tế về QCN, được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế của Liên hiệp quốc. Ngay trong Tuyên ngôn phổ quát về QCN năm 1948, quyền về sức khỏe đã được ghi nhận như một phần của quyền được hưởng mức sống thích đáng (Điều 25). Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 khẳng định rõ quyền được hưởng tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần như là một QCN cơ bản (Điều 12). Ngoài ra, quyền được chăm sóc sức khỏe còn được ghi nhận trong nhiều công ước quốc tế cốt lõi khác về QCN.

[1] IPCC (2014), AR5 Synthesis Report: Climate Change 2014 - IPCC

[2] World Health Organisation (2023), Climate Change, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/climate-change-and-health#:~:text=Research%20shows%20that%203.6%20billion,diarrhoea%20and%20heat%20stress%20alone .

TS. Lê Xuân Tùng, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/su-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-den-quyen-duoc-cham-soc-suc-khoe-cua-con-nguoi-21694