Sự thật bất ngờ về thiết bị tiết kiệm điện bán đầy chợ mạng
Trái với những lời quảng cáo có cánh, các chuyên gia trong ngành cho rằng các sản phẩm tiết kiệm điện bán tràn lan chợ mạng không có tác dụng tiết kiệm lượng điện tiêu thụ.
Những ngày qua, thời tiết nắng nóng diễn ra khắp các tỉnh, thành miền Bắc và một số tỉnh khắp cả nước, khiến cho nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng cao. Điều này kéo theo lượng điện tiêu thụ tại nhiều gia đình cũng tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn cung ứng điện hạn chế, việc tiết kiệm điện với mỗi gia đình càng quan trọng hơn.
Đánh vào tâm lý này, trên các trang thương mại điện tử xuất hiện nhiều thông tin rao bán thiết bị tiết kiệm điện.
Chỉ cần gõ từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện” tại phần tìm kiếm trên các trang mạng xã hội hay trang mua sắm, người dùng dễ dàng tìm thấy các sản phẩm, thiết bị với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, kèm với đó là những lời quảng cáo uy tín, tạo sự tin tưởng cho sản phẩm này.
Những lời quảng cáo "có cánh" như giảm lượng tiêu thụ điện tới 40% hóa đơn tiền điện, bảo hành uy tín 1 đổi 1 và bảo hành đổi mới 24 tháng... khiến người tiêu dùng như lạc vào "ma trận" các sản phẩm tiết kiệm điện.
Theo hình ảnh quảng cáo, các thiết bị tiết kiệm điện đều có dạng khối hộp, kích thước tương đương chuột máy tính, có đèn báo. Người bán cho biết chỉ cần cắm thiết bị này vào nguồn điện là lượng điện tiêu thụ của gia đình sẽ giảm từ 30 - 40%/tháng hóa đơn tiền điện.
Chia sẻ về vấn đề này trên Vietnamplus, Tiến sỹ Nguyễn Khánh Quang - Trưởng bộ môn Điện thuộc Khoa Điện - Điện tử, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cho rằng không thể có một thiết bị tiết kiệm được 40-50% điện năng. Các sản phẩm tiết kiệm điện, nếu có, chỉ giúp giảm khoảng 1-2% điện năng tiêu thụ.
Theo tiến sỹ Quang, các sản phẩm giá rẻ chỉ có bảng mạch cơ bản, khả năng tiết kiệm điện là không thể, thậm chí còn tiêu thụ thêm điện năng để thắp sáng cho bóng đèn LED. Không những vậy, với giá rẻ các sản phẩm này có thể sử dụng nguyên vật liệu chất lượng kém, tiềm ẩn nguy cơ độc hại khi tiếp xúc, thậm chí có thể cháy nổ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn (nhân viên kỹ thuật điện tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, không có thiết bị nào có thể làm giảm lượng tiêu thụ điện năng. Về kĩ thuật, tất cả thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ lượng điện năng nhất định. Thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện phần nào hệ số công suất thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn. Rất khó có một thiết bị nào khi đấu nối sau công tơ mà giảm tới 30 - 40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo. Người dân không nên tin vào quảng cáo một chiều mà "tiền mất tật mang", thậm chí còn dễ gặp phải nguy cơ cháy nổ thiết bị.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đưa ra cảnh báo về việc quảng cáo sai sự thật của những thiết bị tiết kiệm điện. Các thiết bị này hoàn toàn không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.
Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng trước các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, công dụng và chưa được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn. Cách tiết kiệm điện hiệu quả nhất là quản lý thói quen sử dụng một cách hợp lý các thiết bị điện trong gia đình.