Sự thật bất ngờ về thủy quái nặng hàng trăm tấn ở Peru
Một nhóm khoa học gia Mỹ đã phân tích chi tiết về loài thủy quái 39 triệu tuổi từng gây sốc cho giới cổ sinh vật học vào năm 2023.
Loài thủy quái vừa được "đặt lên bàn cân" một lần nữa là Perucetus colossus, từng được mô tả với thân hình khổng lồ và chiếc đầu nhỏ một cách không cân đối, chi trước còn khá to nhưng chi sau đã teo tóp đến vô dụng.
Được mô tả lần đầu tiên vào năm 2023, Perucetus colossus được phân loại là một basilosaurid, một họ cá voi đã tuyệt chủng sống trong thế Thủy Tân của kỷ Cổ Cận, theo tờSci-News.
Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng nó là sinh vật lớn nhất mọi thời đại và to hơn rất nhiều so với thời hiện đại, có thể nặng tối đa 340 tấn, cho dù chỉ dài 17 m.
"Những ước tính này khiến cơ thể Perucetus colossus dày đặc đến mức không thể tin được" - GS Ryosuke Motani từ Đại học California (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu mới, cho biết.
Trong công trình đồng chủ trì với TS Nicholas Pyenson từ Viện Smithsonian (Mỹ), GS Motani cho rằng xương của thủy quái này đúng là nặng bất thường, dày đặc hơn các động vật có vú khác bởi phần trung tâm rắn thay vì xốp.
Tuy nhiên, để con cá voi kỳ dị này có thể bơi được, xương nặng cần được bù đắp sức nổi từ mỡ, một "vật liệu nhẹ" trong cơ thể động vật. Nhất là khi nó cần thỉnh thoảng trồi hẳn lên mặt nước để thở.
Vì vậy, ước tính ban đầu có thể sai khi dựa trên bộ xương nặng để tính toán cân nặng của con vật theo kiểu các động vật có vú bình thường.
Cá voi là động vật có vú, nhưng nó sống dưới biển. Trong đó, thủy quái 39 triệu tuổi này thuộc về những con đang ở giai đoạn chuyển tiếp, với các chi chưa biến đổi hẳn.
Với tính toán mới của các nhà khoa học Mỹ, những con to nhất trong loài Perucetus colossus có thể dài khoảng 20 m và nặng hơn 110 tấn. Như vậy, nó vẫn thua xa các con cá voi xanh lớn nhất, vốn nặng khoảng 270 tấn.
Trong khi đó, cá thể hóa thạch dài 17 m khai quật được ở Peru sẽ chỉ nặng khoảng 60-70 tấn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PeerJ.