Một con rùa trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Trong văn hóa dân gian của người Việt, rùa là con vật có thật được linh thiêng hóa và đưa vào Tứ linh – hệ thống thờ phụng 4 loài linh vật cao quý nhất, gồm Long (rồng), Li (lân hay kỳ lân), Quy (rùa), Phụng (chim phượng).
Hình tượng rùa khổng lồ ở tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, chùa Cổ Lễ, Nam Định. Trong Tứ linh, con rùa biểu trưng cho sự bền vững, trường tồn. Điều này xuất phát từ thực tế rùa là loài vật có mai cứng, rất khó "làm thịt", lại có tuổi thọ rất cao, đến hơn 100 năm.
Rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Do mang ý nghĩa về sự trường tồn, rùa thường được tạc trong hình thức đội bia đá, tháp Phật, với mong muốn các công trình này tồn tại đời đời.
Tượng rùa trên ấn "Quốc mẫu chi bảo" làm bằng bạc và vàng, thời Nguyễn. Với ý nghĩa đã đề cập, rùa cũng được trang trí trên các đồ vật tượng trưng cho sự trường thọ của chủ nhân sử dụng.
Hình tượng rùa ở bia Vĩnh Lăng, Cố đô Lam Kinh, Thanh Hóa. Không dừng lại ở Tứ linh, với người Việt, rùa còn là loài vật bảo hộ cho đất nước, gắn với truyền thuyết thần Kim Quy dạy vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, trao móng cho vua làm lẫy nỏ thần chống quân xâm lược.
Tranh đắp nổi Thần Quy chở Lạc thư và kiếm báu ở cổng Đắc Nguyệt Lâu, đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Truyền thuyết cổ được nối tiếp qua chuyện vua Lê trả gươm cho thần Kim Quy. Hồ Hoàn Kiếm – địa điểm nhuốm màu huyền tích này đã trở thành trái tim của kinh thành Thăng Long suốt nhiều thế kỷ.
Khay gốm hoa lam vẽ hình Thần quy chở Lạc thư thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802 – 1820). Từ cuối thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 - 18), rùa thường xuất hiện trong đề tài về Hà đồ - Lạc thư, biểu tượng khởi nguyên của Kinh Dịch, tư tưởng Á Đông về quy luật của sự biến đổi.
Tiêu bản rùa Hồ Gươm (mất năm 1967) ở đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Đến thời hiện đại, hình tượng con rùa vẫn được người Việt coi trọng. Nhiều người tin rằng, loài rùa khổng lồ sống trong hồ Gươm chính là hậu duệ của thần Kim Quy huyền thoại.
Tiêu bản rùa Hồ Gươm (mất năm 2016) ở đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Việc người Việt "yêu rùa" có thể coi là một hình thức của tín ngưỡng thờ vật tổ được lưu truyền từ đời này qua đời khác, chỉ có thể tiệm cận dưới góc độ tín ngưỡng chứ không thể lý giải bằng sự lạnh lùng của khoa học...
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
Quốc Lê