Sự thật đằng sau trang phục áo giáp robot của Zendaya
Nữ diễn viên Zendaya gây ấn tượng trong bộ đồ robot khi đến buổi công chiếu phim 'Dune: Part Two' tại London. Bộ trang phục được thiết kế riêng, là một phép ẩn dụ nghệ thuật về nữ quyền và mối quan hệ phức tạp giữa phụ nữ và máy móc.
Nhiều khán giả đã khen ngợi rằng đây là trang phục ấn tượng nhất trong chuyến quảng bá phim Dune: Hành tinh cát 2 của Zendaya từ trước đến nay. Đồng thời, bộ áo giáp bạc của Mugler được tiếp sức với nguồn năng lượng mới, chính thức gia nhập đội ngũ những thiết kế thời trang huyền thoại gắn liền với điện ảnh, khi được Zendaya diện.
Tạo hình “gây bão” của cô được các tín đồ thời trang đánh giá cao về mặt ý tưởng. Bộ phim Dune: Part Two thuộc chủ đề khoa học viễn tưởng, kể câu chuyện chiến tranh vũ khí giữa các thiên hà. Diện mạo mang hơi hướng công nghệ đến từ tương lai phù hợp với vai diễn nữ chiến binh Chani của cô.
Tuy nhiên, bộ áo giáp có vẻ tương lai của Zendaya thực sự có một lịch sử lâu đời gắn liền với điện ảnh và văn hóa đại chúng. Đây là một trang phục vintage, do NTK quá cố Thierry Mugler, đến nay đã có tuổi đời gần 30 năm.
Thiết kế đến từ BST kỷ niệm 20 năm thành lập nhà mốt Mugler
Bộ áo giáp bạc mà Zendaya mặc là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của nhà thiết kế Thierry Mugler, được trưng bày trong buổi trình diễn thời trang cao cấp kỷ niệm 20 năm của ông vào năm 1995.
Trang phục Maschinenmensch được đặt tên theo nhân vật người máy trong tiểu thuyết Metropolis năm 1925 của Thea von Harbou. Tác phẩm được thực hiện trong vòng nửa năm cùng với nghệ sĩ Jean-Jacques Urcun. Đây là sáng tạo được đánh giá mang tính biểu tượng nhất của Thierry Mugler thuộc BST Haute Couture Fall 1995.
Thiết kế giao thoa giữa công nghệ và thời trang từ vài thập kỷ trước của ông được nhận xét là có tính đương thời, thể hiện tầm nhìn đột phá.
Cảm hứng từ bộ phim khoa học viễn tưởng Metropolis
Ra mắt vào năm 1927, bộ phim Metropolis theo chân Johann Fredersen, người cai trị một thành phố tương lai khổng lồ, nơi xe cộ tối tân bay vun vút bên cạnh những tòa nhà chọc trời. Những người giàu có tại đây tung tăng trong trang phục lộng lẫy, tận hưởng niềm vui của những khu vườn, sân chơi rộng thênh thang.
Thoạt nhìn, Metropolis là một thành phố hiện đại, no đủ, đáp ứng mọi nhu cầu sống của cư dân. Nhưng bên dưới vẻ bề ngoài hào nhoáng là sự vô nhân tính. Sâu bên dưới lòng đất là một thành phố toàn công nhân, nơi những người nghèo khổ bị đày xuống để lao động khổ sai, phục vụ cho mục đích sống hiện đại của những người thuộc tầng lớp cao quý.
Bộ phim kể về xung đột giữa những người cai trị và người lao động. Trong đó, hình tượng người máy tự động được nữ tính hóa đầu tiên hiện ra như một biểu tượng đáng lo ngại về nỗi ám ảnh tình dục, sự hủy diệt, đồng thời thể hiện những lo lắng về việc đối xử với con người như những cỗ máy trong thời đại sản xuất công nghiệp hàng loạt.
Không có gì ngạc nhiên khi Thierry Mugler bị Metropolis thu hút bởi chủ đề kết hợp giữa phụ nữ và máy móc. Bởi từ lâu ông đã là nhà thiết kế thời trang tiên phong trong việc thúc đẩy vẻ đẹp vị lai trong thời đại không gian.
Sản phẩm mất 6 tháng thực hiện và nặng 30kg
Bộ áo giáp kiểu robot này được làm từ kim loại và kính acrylic Plexiglas, mất 6 tháng để thực hiện. Sản phẩm là màn bắt tay giữa Thierry Mugler và nhà cộng tác lâu năm Jean-Jacques Urcun.
Trên sàn diễn, người mẫu Jo Krasevich xuất hiện với chiếc mũ lớn màu đen và áo khoác satin màu tím dày. Sau đó cô cởi lớp vải ra để lộ bộ giáp kim loại và nhựa lấp lánh bên dưới.
Bộ giáp di sản đặc biệt thể hiện sự thông minh trong sáng tạo của Mugler khi phô diễn rõ sự kết hợp giữa con người và máy móc, tất cả những bề mặt sáng bóng tương phản với lớp da thịt bên dưới. Bao bọc cơ thể một cách cứng cáp, bộ đồ vẫn mang tính gợi tình cao nhờ những đường cắt để lộ núm vú và mông của người mặc nhưng không thể chạm vào.
Những tưởng không thể mặc lần hai
Để tạo hình bộ giáp, Thierry Mugler đã mượn hình thể nàng thơ Jo Krasevich. Bộ áo giáp được uốn nắn theo cơ thể của Jo, người cao 1m79. Do đó, có lẽ không ai nghĩ rằng bộ áo giáp này có thể được mặc lại bởi một người khác.
Zendaya, với chiều cao 1m78 và vóc dáng thanh mảnh có thể hình gần giống với Jo Krasevich và do đó đã có thể mặc lại trang phục trong buổi công chiếu Dune: Hành tinh cát 2. Điểm khác biệt giữa cả hai là Zendaya đã mặc bodysuit màu da bên trong, còn Jo thì không!
Người mẫu nguyên bản đã khen ngợi nữ diễn viên 9X trên trang Instagram cá nhân: “Thiết kế này nặng đến 30kg và cần 7 người để mặc và tháo dỡ. Zendaya không một lời than vãn, nhất là khi phải đi trên nền cát nữa. Zendaya đã làm rất tuyệt".
Thiết kế gây tranh cãi về cái nhìn nữ quyền
Giống như những tác phẩm khác của Thierry Mugler, bộ áo giáp bạc này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi ngay từ khi ra mắt.
Nhiều ý kiến cực đoan cho rằng trang phục đã biến phụ nữ thành một vật thể bóng bẩy. Trong khi đó, nhà thiết kế người Pháp khẳng định, trong cuộc trò chuyện với nhà sử học nghệ thuật Linda Nochlin, rằng bộ giáp là một trò chơi nữ quyền và phụ nữ hoàn toàn làm chủ trong cuộc chơi nữ tính theo cách của riêng họ.
Giờ đây, không còn gì ấn tượng hơn khi Zendaya vốn nổi tiếng với các trang phục lấy từ kho lưu trữ của các thương hiệu tiếp tục tôn vinh một phần lịch sử thời trang qua bộ giáp di sản. Tác phẩm của Thierry Mugler lại có dịp tái xuất để tạo ra một khoảnh khắc thảm đỏ kinh điển cho ngôi sao Dune và Metropolis chắc chắn cũng sẽ tiếp tục được quay trở lại và diễn giải qua nhiều cảm hứng nghệ thuật trong tương lai.