Sự thật khẩu súng trường tự động đầu tiên trên thế giới

Nhiều người từng coi khẩu súng StG 44 của Đức là súng trường tự động đầu tiên được sản xuất trên thế giới, nhưng trên thực tế không phải vậy.

Súng trường tự động tấn công đầu tiên trên thế giới là sản phẩm của người Nga. Khẩu Fyodorov Avtomat là một trong các loại súng trường tự động được phát triển sớm nhất, và cũng là mẫu đầu tiên của dòng vũ khí này được mang ra thực chiến. Thiết kế bộ phận trích khí lắp đặt bên trong khẩu Avtomat chính là tiền đề giúp người Đức phát triển súng StG 44.

Khẩu Fyodorov Avtomat khi được tháo rời. Ảnh: yandex.ru

Khẩu Fyodorov Avtomat khi được tháo rời. Ảnh: yandex.ru

Người chế tạo khẩu súng này là Trung tướng ngành kỹ thuật chế tạo vũ khí kiêm Anh hùng lao động Liên Xô Vladimir Grigoryevich Fyodorov (1874-1966).

Thiếu tướng Vladimir Grigoryevich Fyodorov năm 1916. Ảnh: yandex.ru

Thiếu tướng Vladimir Grigoryevich Fyodorov năm 1916. Ảnh: yandex.ru

Ban đầu, ông Fyodorov đã chế tạo mẫu súng trường bán tự động, tiền thân của khẩu Fyodorov Avtomat vào năm 1906. Tới năm 1913, ông đã giới thiệu với chính quyền Sa hoàng Nga một mẫu súng tự động sử dụng đạn 6,5mm do ông chế tạo, gọi là đạn 6.5mm Fyodorov với kích cỡ nhỏ hơn đạn tiêu chuẩn, nhằm phù hợp với các loại vũ khí tự động hơn.

Tuy nhiên, do việc chế tạo loại đạn 6,5mm Fyodorov không khả thi nên chính quyền Nga đã quyết định đổi sang dùng loại đạn 6,5x50mm Arisaka của Nhật Bản. Lý do loại đạn 6.5x50mm Arisaka được chọn là vì nó có cùng kích thước với loại đạn thử nghiệm, cũng như dễ dàng mua được với số lượng lớn.

Khẩu Fyodorov Avtomat khi được tháo rời. Ảnh: yandex.ru

Khẩu Fyodorov Avtomat khi được tháo rời. Ảnh: yandex.ru

Khẩu Fyodorov Avtomat sử dụng hệ thống nạp đạn bằng độ giật lùi nòng. Tức là khi bắn, khóa nòng sẽ được đẩy ra phía sau nhằm tống vỏ đạn rỗng ra ngoài. Sau đó, hệ thống trích khí sẽ nạp viên đạn mới vào khoang chứa đạn khi khóa nòng trở về vị trí cũ. Thiết kế này có một nhược điểm là dễ khiến các bộ phận bị ăn mòn, hiệu quả tác chiến giảm khi dính bụi đất.

Ủy ban vũ khí của quân đội Sa hoàng Nga năm 1916 đã từng yêu cầu sản xuất không dưới 25.000 khẩu Fyodorov Avtomat. Nhưng do các sự kiện diễn ra vào năm 1918, nên chỉ có 3.200 khẩu được sản xuất.

Binh sĩ Liên Xô và khẩu Fyodorov Avtomat năm 1940. Ảnh: yandex.ru

Binh sĩ Liên Xô và khẩu Fyodorov Avtomat năm 1940. Ảnh: yandex.ru

Tới năm 1925 thì Fyodorov Avtomat bị loại khỏi trang bị khí tài của binh sĩ Liên Xô. Tuy nhiên vào năm 1940 khi cuộc chiến Liên Xô-Phần Lan nổ ra, khẩu súng này được tái trang bị cho Hồng quân. Sau Thế chiến 2, phần lớn những khẩu Fyodorov Avtomat đều bị mang đi tiêu hủy.

Video: Cơ chế hoạt động của súng Fyodorov Avtomat. Nguồn: World of guns

Tuấn Trần

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/su-that-khau-sung-truong-tu-dong-dau-tien-tren-the-gioi-696530.html