Chiếm phần lớn diện tích khu vực Bắc Phi, sa mạc Sahara là sa mạc lớn nhất trên Trái đất, và là hoang mạc lớn thứ ba, chi sau châu Nam Cực và Bắc Cực, hai khu vực băng giá nhất hành tinh chúng ta.
Với diện tích hơn 9 triệu km², kéo dài 5.600 km từ Đông sang Tây, sa mạc này rộng hơn lục địa Australia, rộng ngang với Mỹ và Trung Quốc và bằng khoảng 90% diện tích châu Âu.
Dù vậy, chỉ có khoảng 2,5 triệu người sinh sống trong vùng, chủ yếu ở các thị trấn phía rìa sa mạc thuộc các quốc gia Ai Cập, Mauritanie, Morocco và Algeria.
Những cồn cát vàng óng ánh trải dài bất tận là cảnh quan đặc trưng ở sa mạc Sahara. Ngoài cát, nơi đây còn sở hữu một diện tích lớn những bãi nham thạch lộ thiên, các bãi đá cuội và sỏi, cùng một số ốc đảo nằm rải rác.
Thời tiết ở sa mạc Sahara rất khắc nghiệt, với sự chênh lệch rất lớn giữa ngày và đên. Vào ban ngày, nhiệt độ trung bình ở sa mạc là 38-40 độ C, với ánh mặt trời như thiêu đốt xuyên qua bầu trời không một gợn mây. Đây là sa mạc nóng nhất thế giới.
Khi mặt trời lặn, nhiệt độ giảm đột ngột, và những cơn gió lạnh buốt nhanh chóng tràn tới. Theo đo đạc, nhiệt độ trung bình vào ban đêm ở sa mạc Sahara dao động từ 13 đến 20 độ C.
Nghe rất khó tin, nhưng băng tuyết đôi khi xuất hiện ở sa mạc Sahara. Tình trạng biến đổi khí hậu đã góp phần thúc đẩy hiện tượng này. Điển hình là vào tháng 1/2021, tuyết đã phủ trắng nhiều vùng của sa mạc Sahara ở lãnh thổ Algeria khi nhiệt độ giảm xuống tới -3 độ C.
Những trận bão cát lớn thường xuyên quét qua sa mạc, chôn vùi mọi thứ hiện diện trên đường đi và đôi khi đưa bụi cát sang tận lục địa châu Âu.
Các ốc đảo hoặc một số khu vực có lượng mưa cao của sa mạc Sahara sở hữu quần thể động thực vật phong phú. Nhưng nhìn chung phần lớn diện tích sa mạc này ít sự hiện diện của sự sống.
Về mặt địa chất, sa mạc Sahara có tuổi đời khá “trẻ”, khi được hình thành cách đây khoảng 2,5 triệu năm. Kể từ đó đến nay, khí hậu ở khu vực này đã rất nhiều lần biến đổi.
Sau kỷ băng hà cuối cùng (khoảng 10.000 năm trước), Sahara đã từng có khí hậu ẩm ướt với lượng mưa dồi dào. Phải tới khoảng năm 2500 TCN, vùng đất này mới trở nên khô hạn và trở thành một bức tường chắn không thể vượt qua đối với con người.
Bất chấp điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, vào thế kỷ thứ 2 SCN, một nền văn minh đô thị đã phát triển ở trung tâm Sahara, được biết đến với tên gọi Garamantes. Nền văn minh này đã sụp đổ vào thế kỷ 5 khi nguồn nước ngầm nuôi sống cư dân bị cạn kiệt.
Sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử Sahara đến cùng cuộc chinh phục của người Ả Rập, bắt đầu từ thế kỷ 7. Người Ả Rập đã đưa lạc đà vào Sahara và thiết lập thành công một mạng lưới thương mại hiệu quả xuyên qua sa mạc khổng lồ.
Quá trình giao thương xuyên Sahara bằng những đoàn lữ hành quy mô lớn đã biến các cộng đồng ốc đảo rải rác trong sa mạc trở thành các trung tâm thương mại nằm dưới quyền kiểm soát của các đế quốc trên bờ sa mạc.
Sau nhiều thế kỷ thịnh vượng, biến động lớn lại xảy ra với sa mạc Sahara, lần này đến từ sự phát triển kỹ thuật hàng hải châu Âu. Các hải trình dọc bờ biển châu Phi đã thay thế mạng lưới giao thương xuyên Sahara, khiến sa mạc này trở nên vắng vẻ.
Vào thời hiện đại, sự quan tâm đến sa mạc Sahara được khơi lại, khi các nguồn tài nguyên lớn được phát hiện. Đó là khối lượng lớn khoáng sản dầu mỏ và khí tự nhiên ở Algeria và Libya, cũng như một lượng lớn khoáng sản phosphate tại Morocco và Tây Sahara.
Trên bản đồ du lịch, sa mạc Sahara là một “kỳ quan” mà nhiều người muốn ghé thăm trong đời. Các tour du lịch bằng lạc đà hoặc xe dã chiến đã được mở ở nhiều nơi, mang lại trải nghiệm khó quên cho du khách ở sa mạc lớn nhất thế giới.
Mời quý độc giả xem video: Ai Cập phát hiện thêm kho báu cổ đại với hơn 100 quan tài chứa xác ướp 2.500 năm | VTV24.
T.B (tổng hợp)