Tử Cấm Thành là nơi ở của 24 hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh dưới thời phong kiến. Đây là một trong những cung điện hoàng gia được bảo tồn nguyên vẹn nhất thế giới.
Bên trong Tử Cấm Thành lưu giữ nhiều bí mật thu hút sự quan tâm của công chúng. Trong số này, khi tìm hiểu về cung điện tráng lệ, xa hoa nổi tiếng của Trung Quốc này, nhiều người tò mò về 3 nơi được xem là "cấm địa".
Địa điểm đầu tiên là Diên Hi cung. Được xây dựng vào năm 1420, nơi này ban đầu được gọi là cung Trường Thọ. Tên Diên Hi cung được đổi vào năm 1535.
Trải qua nhiều triều đại của các bậc đế vương, Diên Hi cung là nơi sinh sống của không ít phi tần bị thất sủng. Thậm chí, nơi đây còn là lãnh cung - nơi các phi tần phạm tội bị nhốt vào để sám hối, ăn năn suốt phần đời còn lại.
Thêm nữa, Diên Hi cung là nơi xảy ra vài trận hỏa hoạn lớn nhỏ. Theo đó, cung này bị hư hại và xuống cấp theo thời gian. Xuất phát từ những điều này, không có phi tần nào muốn vào ở Diên Hi cung.
Một "cấm địa" rùng rợn khác ở trong Tử Cấm Thành là Khôn Ninh Cung. Đây là nơi ở của các hoàng hậu thời nhà Minh. Thế nhưng, phần lớn các hoàng hậu sống ở cung điện này đều không có kết thúc tốt đẹp.
Hầu hết các hoàng hậu có kết cục bi kịch như bị bệnh tật dẫn đến chết trẻ, bị nhà vua phế bỏ, thậm chí có bà hoàng tự sát tại đây.
Lâu ngày, Khôn Ninh Cung bị đồn là nơi có âm khí nặng và là nơi xảy ra nhiều chuyện ma quái khó giải. Vì vậy, đến thời nhà Thanh, cung điện này không còn là nơi ở của hoàng hậu. Thay vào đó, Khôn Ninh Cung trở thành nơi chuyên thực hiện các lễ cúng tế quan trọng.
"Cấm địa" thứ ba trong Tử Cấm Thành là giếng Trân Phi. Giếng nước này là nơi sủng phi của vua Quang Tự chết thảm. Theo các ghi chép, trong số các phi tần, Trân Phi được hoàng đế Quang Tự vô cùng yêu thương, chiều chuộng.
Trân Phi không chỉ thông minh, xinh đẹp mà còn thẳng thắn, bộc trực. Thậm chí, sủng phi của vua Quang Tự nhiều lần đối đầu với Từ Hy Thái hậu. Do được nhà vua che chở nên Từ Hy Thái hậu không thể trừng trị Trân Phi.
Thế nhưng, vào năm 1900, liên quân 8 nước đánh vào Bắc Kinh nên vua Quang Tự cùng Từ Hy Thái hậu nhanh chóng rời hoàng cung. Trong tình thế hỗn loạn, nhà vua không kịp đưa Trân Phi theo cùng.
Nhân cơ hội đó, Từ Hy Thái hậu sai người đẩy Trân Phi xuống giếng khiến mỹ nhân này chết đuối. Một năm sau, thi hài Trân Phi mới được đưa lên mai táng. Từ đó, giếng nước này được đặt tên là giếng Trân Phi. Dân gian lưu truyền những câu chuyện rùng rợn về việc nghe thấy tiếng phụ nữ khóc khi đi qua giếng này vào ban đêm.
Mời độc giả xem video: Trung Quốc yêu cầu Ban giám hiệu ăn cùng học sinh. Nguồn: THDT.
Tâm Anh (TH)