Sự thật về ngành Tâm lý học - Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân
Nhiều bạn trẻ chọn ngành Tâm lý học với mong muốn trở thành 'bác sĩ tâm lý', hay kỳ vọng vào 'siêu năng lực' đọc vị và thao túng người khác. Nhưng sự thật có phải vậy?
Học Tâm lý học để trở thành bác sĩ tâm lý?

Không một ngành học nào đào tạo bác sĩ tâm lý! Vì “bác sĩ tâm lý” là cách chuyển ngữ không chính xác, nhưng đã trở thành cách diễn đạt quen thuộc trên nhiều phương tiện truyền thông.
Ngành Tâm lý học đào tạo “psychologist”, có thể được gọi là nhà tâm lý, tâm lý gia, chuyên viên tâm lý, chuyên gia tâm lý. Còn “psychiatrist” – bác sĩ tâm thần được đào tạo từ trường Y khoa.
Bên cạnh đó, nếu bạn đang nghĩ đến biểu tượng trên truyền thông về một nhà chuyên môn lắng nghe, phân tích, hỗ trợ tâm lý đến người khác, thì đó là công việc của nhà tâm lý lâm sàng hoặc nhà tham vấn tâm lý. Trên thực tế, vị trí làm việc của nhà tâm lý rộng hơn thế, như nghiên cứu viên, người giảng dạy và đào tạo tâm lý, nhà tâm lý trong lĩnh vực tổ chức – công nghiệp...
Học Tâm lý học sẽ đọc vị và thao túng được người khác?
Học Tâm lý học giúp hình thành năng lực quan sát, phân tích hành vi, từ đó đặt ra giả thuyết về niềm tin và suy nghĩ của người khác. Giả thuyết đó có thể chính xác hoặc... trật lất, tùy theo năng lực của người học tâm lý. Nghĩa là, Tâm lý học không cung cấp các kỹ thuật máy móc mà chỉ cần cứ làm theo là sẽ “đọc vị” được ai đó. Cách người học hiểu các lý thuyết, rèn luyện quan sát, vốn sống, khả năng tương tác để tạo mối quan hệ tin tưởng và thu thập thông tin... mới tạo nên năng lực phân tích, luận giải hành vi và suy nghĩ.
Đặc biệt quan trọng là việc hiểu hành vi, suy nghĩ của người khác nên được đặt trong khuôn khổ trợ giúp tâm lý hoặc góp phần thực hiện một quy trình của các hệ thống như nghiên cứu xã hội, pháp lý, cải thiện y tế... Việc người mới học tò mò “đọc suy nghĩ” của những người xung quanh có thể là trải nghiệm cá nhân, có phần thú vị, nhưng hãy nhận biết rằng, việc “đọc vị” chỉ là giả thuyết, có thể chính xác hoặc không. Bên cạnh đó, hãy cẩn trọng rằng mong muốn “đọc vị” người khác, không trong bối cảnh trợ giúp, có thể gây cảm nhận xâm lấn, vượt ranh giới, khó chịu cho người khác.
Sau cùng, thao túng là một quyết định hành vi mang tính đạo đức. Nếu chỉ học để thao túng người khác, mang lợi về cho bản thân thì thật lãng phí và đáng tiếc cho động cơ học tập như vậy.
Cần có sự hoạt ngôn, hướng ngoại mới học được ngành này?
Năng lực sử dụng ngôn ngữ rất quan trọng khi học ngành Tâm lý, vì bạn sẽ cần nhận ra và diễn đạt cụ thể về những quá trình tinh tế trong tâm lý con người. Năng lực này không đồng nghĩa với sự hoạt ngôn – thường được hiểu là diễn đạt trôi chảy, sôi nổi, kết nối và ứng biến tốt với người khác. Bạn có thể không thoải mái lắm khi giao tiếp xã giao, cực kỳ hướng nội và cần khoảng thời gian ở một mình để sạc năng lượng, nhưng nếu bạn có thể diễn đạt tương đối thuyết phục về các chủ đề khi học Tâm lý học thì bạn hoàn toàn học được ngành này.

TS. Đặng Hoàng Ngân là chuyên gia Tâm lý học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên, cô là thủ khoa tốt nghiệp ngành Tâm lý học của trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội. TS. Đặng Hoàng Ngân cũng là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như: Cắt nghĩa muộn phiền theo Tâm lý học, Một mình tìm một nửa: Tâm lý học về Tình yêu và Độc thân, Phía trước của trưởng thành, Từng bước nhập môn hành nghề Tâm Lý…
Không cần đến khoa học tự nhiên khi học Tâm lý học?
Những kiến thức sinh học về não bộ là một nội dung cần thiết để học ngành này. Thường ở các trường đại học Việt Nam, bạn sẽ học từ 1 đến 3 môn học như vậy. Sẽ rất lý thú khi được biết nhiều biểu hiện sinh lý thần kinh của các quá trình cảm xúc, sang chấn, thư giãn... Và càng khơi gợi khao khát khám phá hơn khi tính phức tạp của tâm lý con người còn rất nhiều điều cần lĩnh vực khoa học thần kinh tiếp tục tìm hiểu..
Cực kỳ quan trọng, bạn sẽ học một vài môn về thiết kế nghiên cứu. Khoa học là cần thực nghiệm được. Nếu không có nội dung này, bạn sẽ vẫn tin rằng Tâm lý học chỉ cần nói lời chạm trái tim là được. Không! Hiểu biết để giúp con người tìm ra sự thật về trái tim trong Tâm lý học đã được thực nghiệm rất nhiều. Bạn sẽ học về nghiên cứu, không hẳn để trở thành nhà nghiên cứu về Tâm lý học, mà trở thành một người có cách tư duy theo hệ thống, nhận định có căn cứ và tránh được nhiều nhận định vội vã.
Nếu đã từng được chẩn đoán gặp rối nhiễu tâm lý thì không nên học ngành này?
Tâm lý học không hề có rào cản nào, đối với bất kỳ ai, không giống như việc bạn bị cận nặng thì sẽ không thể trở thành phi công quân sự. Tuy nhiên, người học tâm lý cần được chuẩn bị trước rằng, một số hiểu biết sẽ làm bạn suy nghĩ, vận vào bản thân và có thể gợi lên một số cảm xúc hoặc trải nghiệm tiêu cực. Trong trường hợp đó, bạn cần nhận được sự trợ giúp tâm lý – tâm thần chuyên nghiệp để cân bằng lại trong đời sống tinh thần và việc học tập.
Rất nhiều sinh viên, đặc biệt là các chuyên ngành tham vấn, lâm sàng gặp vấn đề tâm lý
Như vừa bày tỏ, một số hiểu biết (đặc biệt là của chuyên ngành tham vấn, lâm sàng) sẽ khiến bạn suy nghĩ. Đó là một phần của việc học và làm chủ hiểu biết. Vì thế, đôi khi bạn trở nên nhạy cảm hơn và có vẻ ít vô tư hoặc dường như thích ứng theo cách khác so với người khác. Điều đó không có nghĩa là bạn bất thường. Vấn đề tâm lý ghé thăm tất cả chúng ta vào một lúc nào đó trong cuộc sống. Bạn nhận ra và nỗ lực đối diện với vấn đề của bản thân, đó cũng là một chất liệu của việc làm nghề sau này. Ngoài ra, các bạn học, thầy cô, người đi trước trong nghề của bạn đều học tâm lý, nên có thể nhạy cảm và dễ nhận ra vấn đề hơn.
Trong mọi trường hợp, vấn đề tâm lý cần được nhìn nhận là một phần trong cuộc sống con người, chứ không phải sự bất thường, đáng bị kỳ thị.
Có tư chất tốt, tài liệu tốt thì tự học còn hiệu quả hơn học ở trường đại học?
Đúng vậy, bạn sẽ học hiệu quả hơn những sinh viên chính quy ngành Tâm lý học lười học. Nhưng có nhiều sinh viên khác tư chất tốt, tiếp cận được với tài liệu tốt, lại lợi thế hơn bạn vì được dẫn dắt bởi chương trình học hệ thống; thường xuyên được thảo luận cùng bạn bè, thầy cô; được tự phản tư và có môi trường lành mạnh khuyến khích việc tự làm việc với bản thân; có mạng lưới nghề nghiệp và nhiều cơ hội thực tập, thực tế, tham gia hội thảo. So với những sinh viên như vậy thì việc tự học của bạn gặp thiệt thòi nhiều hơn.
Học các khóa ngắn hạn hoặc các chứng chỉ không chính quy cũng có thể hành nghề tâm lý?
Chính xác thì hoàn thành các khóa học ngắn hạn, chứng chỉ không chính quy, cộng thêm năng lực của bản thân tốt thì có thể thực hiện một số hoạt động hỗ trợ tâm lý. Chúng ta có quyền được lao động miễn là không vi phạm Pháp luật. Tuy nhiên, quyền lợi của khách hàng cần trợ giúp tâm lý sẽ được tôn trọng, đảm bảo khi họ được hiểu rõ về giới hạn chuyên môn của những người cung cấp dịch vụ khác nhau. Chẳng hạn như chỉ nhà tâm lý được đào tạo chính quy, có thời gian hành nghề được giám sát chuyên môn mới đủ trách nhiệm để đánh giá và can thiệp rối nhiễu tâm lý. Để bảo vệ quyền lợi của người cần dịch vụ tâm lý, nên các tiêu chuẩn chuyên môn hóa công việc đang được thiết lập, tiến tới cấp giấy phép hành nghề cho trước hết là nhà tâm lý lâm sàng.
Hoàn thành bậc tiến sĩ là chứng minh được năng lực hành nghề trợ giúp?
Phụ thuộc vào chương trình học và nghiên cứu ở bậc tiến sĩ có module thực hành hay không. Ở Việt Nam thì tuyệt đại đa số chương trình tiến sĩ tâm lý học không thực hành mà thuần túy nghiên cứu. Do đó, thường việc trau dồi năng lực trợ giúp sẽ phụ thuộc vào chương trình thạc sĩ, hoặc tối thiểu là cử nhân mà người học đã hoàn thành. Hơn nữa, bằng cấp, các chương trình, khóa học là điều kiện cần. Còn năng lực thực tế vẫn thuộc về chính cá nhân nhà tâm lý.
Theo học các chương trình vừa học vừa làm, chính quy không tập trung, đại học từ xa thì không thể chất lượng bằng học cử nhân chính quy tập trung?
Không có khảo sát so sánh chung, dựa trên việc các chương trình này đạt bao nhiêu điểm trên các bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo. Do đó, chỉ có thể xem xét hiểu lầm này trên khía cạnh cá nhân. Thời lượng học ngắn hơn, phương thức học online của một số chương trình, thiếu kiểm soát chất lượng dạy – học hơn so với chính quy tập trung... là những yếu tố ít thuận lợi cho việc học tập và thực hành nghiêm túc. Vì thế, cá nhân người học sẽ phải chủ động để tối ưu hóa cơ hội học tập cho mình. Sau khi hoàn thành các chương trình này, một số bạn đang học tập và nghiên cứu ở bậc học cao hơn, trong và ngoài nước. Sự nỗ lực của bản thân làm nên chất lượng, thậm chí vượt trội.
Nhà tâm lý làm công việc trợ giúp phải là người khỏe mạnh về tinh thần, sống hạnh phúc?
Một cách vội vàng và áp lực nào đó, nhiều sinh viên và nhà tâm lý trẻ tin vào điều này. Không! Đó là lời kết cho một hành trình đầy cung bậc cảm xúc, ở trong khổ đau, hiểu khổ đau, làm bạn với khổ đau, tự làm lành, được chữa lành, yêu đời, hạnh phúc, không buộc mình vào ảo ảnh hạnh phúc và khỏe mạnh mãi mãi. Chúng ta đang trên hành trình ấy thôi, hành trình hiểu về sự khỏe mạnh tinh thần và sống hạnh phúc, không phải là “phải” như thế. Vì vậy, cũng đừng vì niềm tin mang tính Siêu Tôi này mà sợ rằng, mình còn buồn, còn chưa khỏe thì không xứng đáng học và trở thành một nhà tâm lý làm công việc trợ giúp.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân.