Sự thật về sản phẩm ngân hàng sinh lời linh hoạt: Tiết kiệm, đầu tư 'đội lốt' tài khoản?

Được quảng bá như chiếc 'tài khoản linh hoạt' vừa tiêu vừa sinh lãi, sản phẩm sinh lời linh hoạt đang được hàng loạt ngân hàng tung ra như một chiêu giữ chân dòng tiền rẻ. Thế nhưng, đằng sau lời hứa sinh lãi dễ dàng là những điều khoản ràng buộc không phải ai cũng hiểu rõ: tài khoản hay hợp đồng trá hình? Khách hàng thật sự hưởng lợi hay đang bị đánh tráo khái niệm?

"Sinh lời tự động": Lợi ích phô ra, rủi ro đậy kín?

Từ năm 2023 đến nay, thị trường ngân hàng Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các sản phẩm được giới thiệu bằng những cái tên đầy hấp dẫn như “Tích lũy linh hoạt”, “Super sinh lời”,… Những cái tên này đi kèm lời quảng bá rằng, khách hàng chỉ cần kích hoạt một lần, tiền trong tài khoản sẽ tự động sinh lời mỗi ngày, giúp tối ưu hóa dòng tiền một cách linh hoạt mà không cần thực hiện bất kỳ thao tác phức tạp nào. Tuy nhiên, đằng sau lớp vỏ tiếp thị mượt mà đó, thực chất sản phẩm này là gì? Có đúng là “tài khoản linh hoạt” như quảng cáo, hay chỉ là một dạng hợp đồng có kỳ hạn được đóng gói khéo léo dưới trải nghiệm số?

Trên giao diện các ứng dụng ngân hàng số, những sản phẩm “sinh lời linh hoạt” thường được giới thiệu như một loại tài khoản linh hoạt. Tiền vẫn có thể sử dụng cho các chi tiêu hằng ngày, đồng thời hưởng lãi suất cao hơn so với tài khoản thanh toán thông thường. Tuy nhiên, bản chất của tính năng này là tự động chuyển phần tiền dư từ tài khoản thanh toán (CASA) sang một dạng tiết kiệm có kỳ hạn ngắn, thường từ 1 đến 7 ngày hoặc thậm chí dưới dạng hợp đồng ủy thác đầu tư.

Tại một ngân hàng, sản phẩm sinh lời linh hoạt, khi khách hàng khi kích hoạt tính năng sẽ mặc nhiên phải đồng ý với một hợp đồng ủy quyền, cho phép tự động hóa các giao dịch tài chính và tư vấn phân bổ tài sản. Tuy nhiên, trong phần mô tả trên ứng dụng, không hề có thông tin rõ ràng về việc nếu rút tiền trước kỳ hạn, toàn bộ lãi có thể bị mất hay không, khiến người dùng dễ hiểu lầm đây là tài khoản thanh khoản cao.

VPBank cũng triển khai một sản phẩm tương tự mang tên “Super sinh lời”, quảng bá là công cụ tối ưu lợi nhuận với lãi suất cố định 3,5%/năm, cho phép “tiền nhàn rỗi trong tài khoản tự động sinh lời mỗi ngày”. Theo giới thiệu, khách hàng có thể kích hoạt chỉ trong một phút và vẫn có thể chi tiêu khi cần. Tuy nhiên, như nhiều sản phẩm khác trên thị trường, tính linh hoạt này chỉ mang tính tương đối. Tiền vẫn bị cố định trong một khoảng thời gian nhất định, và nếu rút sớm, khách hàng có thể không nhận được mức lãi suất như đã quảng cáo.

Điều đáng chú ý là mức độ minh bạch của các ngân hàng đối với sản phẩm này không thực sự đồng đều. Nếu như VPBank trình bày khá rõ ràng các điều kiện đi kèm, thì ở nhiều đơn vị khác, thông tin về điều khoản, đặc biệt là về rủi ro khi rút trước hạn thường bị ẩn sâu trong phần “điều khoản và điều kiện”, thậm chí không xuất hiện.

Tại MBBank, sản phẩm được gọi là “Tiết kiệm và đầu tư tự động” và mô tả bằng những cụm từ mượt mà như “đầu tư an toàn”, “sinh lời ổn định”, “tùy chỉnh linh hoạt”, nhưng lại không công bố đầy đủ các ràng buộc cụ thể liên quan đến kỳ hạn và hậu quả tài chính khi rút sớm.

Dù mỗi ngân hàng có thiết kế sản phẩm theo cách riêng, nhưng đều có điểm chung là tiền của khách hàng thực chất bị chuyển sang một dạng tiết kiệm ngắn hạn hoặc đầu tư có kỳ hạn, tức là không còn tính thanh khoản tức thì như một tài khoản thanh toán. Lúc này, nếu người dùng rút tiền trước thời hạn, lãi suất tích lũy có thể bị hủy hoàn toàn hoặc chỉ còn ở mức rất thấp, thậm chí ngang với lãi suất không kỳ hạn. Việc các ngân hàng sử dụng những cụm từ như “tài khoản linh hoạt”, “tài khoản sinh lời mỗi ngày” khiến nhiều người lầm tưởng rằng họ đang sử dụng một loại tài khoản thanh toán cao cấp có thêm lợi ích, trong khi thực chất họ đang ký kết một hợp đồng tiết kiệm hoặc đầu tư có kỳ hạn.

Sweep account kiểu Việt: Đẹp phần tên, mờ phần rủi ro

Ở các quốc gia có hệ thống tài chính phát triển như Mỹ hay Singapore, mô hình này không phải mới. Các ngân hàng tại đây cũng áp dụng hình thức sweep account (tự động chuyển tiền dư sang tài khoản phụ để sinh lời). Tuy nhiên, điểm khác biệt là các sản phẩm này luôn được định danh đúng bản chất. Giao diện người dùng và tài liệu giới thiệu đều nêu rõ đây là khoản tiết kiệm có điều kiện hoặc sản phẩm đầu tư ngắn hạn, không có sự nhập nhèm giữa “tài khoản thanh toán” và “hợp đồng kỳ hạn” như ở một số ngân hàng tại Việt Nam.

Sinh lời tự động hay tiết kiệm có kỳ hạn?

Sinh lời tự động hay tiết kiệm có kỳ hạn?

Các chuyên gia tài chính đánh giá, bản chất đây là một sản phẩm tốt về mặt kỹ thuật, có thể giúp người dùng tối ưu hóa lợi nhuận từ dòng tiền nhàn rỗi ngắn hạn mà không cần thao tác nhiều. Tuy nhiên, lợi ích này chỉ phát huy hiệu quả khi người dùng được cung cấp đầy đủ thông tin, có quyền kiểm soát việc kích hoạt và hiểu rõ các điều kiện đi kèm, nhất là rủi ro khi rút trước hạn. Việc đơn giản hóa hoặc ẩn đi các điều khoản bất lợi sẽ khiến người dùng không thể đưa ra quyết định tài chính chính xác, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phát sinh khiếu nại.

Với tốc độ cạnh tranh huy động vốn ngày càng gay gắt, sự xuất hiện của những sản phẩm tích hợp như “sinh lời tự động” là bước đi dễ hiểu từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sự đổi mới không nên đánh đổi bằng sự nhập nhèm. Các ngân hàng nên gọi đúng tên sản phẩm. Nếu là tiết kiệm ngắn hạn thì nên công khai rõ ràng là “tiết kiệm linh hoạt”, nếu là đầu tư thì cần công bố mức độ rủi ro và tính chất ủy thác.

Với người dùng, các chuyên gia tài chính cảnh báo, không nên thấy những cụm từ như “sinh lời mỗi ngày”, “linh hoạt tự động” mà vội vàng nhấn đồng ý. Mỗi cú chạm vào nút “kích hoạt” là một cam kết tài chính mà không dễ dàng đảo ngược. Trước khi sử dụng bất kỳ tính năng nào mang tính đầu tư, cần đọc kỹ điều khoản, kiểm tra phần cài đặt tài khoản, hiểu rõ cách thức hoạt động và các ràng buộc đi kèm. Không có sản phẩm tài chính nào vừa sinh lời cao, vừa linh hoạt tuyệt đối, lại không có rủi ro. Và điều quan trọng nhất là, tài chính minh bạch không đến từ lớp vỏ tiếp thị bóng bẩy, mà phải bắt đầu từ cách gọi đúng tên sản phẩm.

Lưu Ly

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/su-that-ve-san-pham-ngan-hang-sinh-loi-linh-hoat-tiet-kiem-dau-tu-doi-lot-tai-khoan-145823.html