Sự thật việc 'quét QR khiến điện thoại bị treo và mất tiền'

Vừa qua hàng loạt người dùng chia sẻ về cảnh báo quét mã QR hay sao chép số tài khoản có thể khiến điện thoại bị treo, tài khoản bị mất tiền... gây hoang mang dư luận.

Tin đồn gây hoang mang

Vừa qua hàng loạt người dùng chia sẻ về cảnh báo quét mã QR hay sao chép số tài khoản có thể khiến điện thoại bị treo, tài khoản bị mất tiền... Đây là tin giả.

Quét QR khiến điện thoại bị treo và mất tiền là không chính xác.

Quét QR khiến điện thoại bị treo và mất tiền là không chính xác.

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết, tin giả cũng gây hoang mang không kém gì các thủ đoạn lừa đảo. Nếu cứ lạm dụng không gian mạng cảnh báo bừa bãi như hiện nay thì sẽ có lúc: Không ai dám làm gì nữa, Không công ty nào bán được hàng, các kế hoạch chuyển đổi số sẽ bị ảnh hưởng.

Quét mã QR hay sao chép số tài khoản, đường link không làm bạn bị mất tiền hay chiếm tài khoản. Đây là các tin đồn thất thiệt. Các tin đồn này thường được tung ra để gây hoang mang dư luận hoặc tạo ra sự sợ hãi không cần thiết, có thể dẫn đến hành vi tự vệ thái quá hoặc mất cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo thực sự.

"Tin đồn dạng này thường đột ngột nổi lên do tính chất dễ lan truyền trên mạng xã hội, nhất là khi dư luận đang chú ý đến 1 sự kiện hay một hiện tượng nào đó. Thường thì xuất phát từ 1 người muốn tạo ra một trào lưu, hoặc đôi khi là câu view, câu like, sẽ đưa ra 1 nội dung rất giật gân, không có thật, pha lẫn yếu tố dọa dẫm về một nguy cơ không có thật. Người nhận thông tin theo tâm lý sợ hãi sẽ tiếp tục lan truyền tới bạn bè, người thân", chuyên gia Vũ Ngọc Sơn nói.

Trong thời gian qua, các thông tin về lừa đảo và cảnh báo lừa đảo được nhiều người tìm hiểu, đọc và chia sẻ. Lợi dụng điều này, có một số đối tượng đã phát triển các nội dung mang tính giật gân, câu view liên quan đến cảnh báo lừa đảo, nói về 1 vấn đề không có thật, nhưng lại đánh vào tâm lý muốn giúp đỡ người khác của cư dân mạng, khiến cho thông tin lan truyền không có kiểm soát.

Hiểu đúng bản chất của mã QR

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cho biết, về bản chất, cần phải hiểu mã QR là một cách thức để "nén" một hoặc nhiều nội dung dữ liệu về một dạng ảnh giúp cho máy móc có cảm biến hình ảnh (như máy quét, camera điện thoại) có thể ánh xạ ngược từ ảnh sang nội dung ban đầu. QR Code có nhiều ứng dụng, nhưng phổ biến nhất hiện nay là để chứa các đường link hoặc số tài khoản ngân hàng trong các giao dịch chuyển khoản.

Lợi dụng việc phổ biến của QR Code, các đối tượng lừa đảo có thể mã hóa các được link lừa đảo hoặc các số tài khoản giả mạo thành các mã QR Code để lừa người dùng. Tùy nhiên, bản chất QR Code không phải mã độc tấn công trực tiếp mà chỉ là trung gian để chuyển tải nội dung. Vì vậy, người dùng có bị tấn công hay không phụ thuộc vào cách xử lý nội dung sau khi máy quét ánh xạ từ QR code ra nội dung ban đầu.

Cụ thể hơn là nếu sau khi quét mã QR ra đường link hay số tài khoản thì người dùng chưa bị mất tiền hay bị tấn công, chiếm quyền điều khiển. Nhưng nếu người dùng bấm vào link, cài đặt phần mềm hay chuyển khoản theo số tài khoản quét ra từ mã QR thì lúc này mới bị mất tiền và bị tấn công", chuyên gia Vũ Ngọc Sơn nói.

Mặc dù hiện nay tình trạng lừa đảo trên không gian mạng rất phổ biến, tuy nhiên không phải cảnh báo lừa đảo nào cũng là thật, thậm chí các đối tượng lừa đảo có thể dùng cảnh báo lừa đảo để dẫn dụ người dùng vào kịch bản lừa đảo. Vì vậy, nếu nhận được các thông tin, bất kể nội dung là gì, bạn luôn cần kiểm chứng lại.

Người dùng có thể kiểm tra thông tin qua các kênh chính thống như trang web của cơ quan công an, ngân hàng, báo chí, truyền hình chính thống. Theo dõi các cảnh báo từ hiệp hội an ninh mạng hoặc các công ty an ninh mạng uy tín. Không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng để hạn chế phát tán các tin đồn gây hoang mang mà không có cơ sở.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-that-viec-quet-qr-khien-dien-thoai-bi-treo-va-mat-tien-169250115111253226.htm