Sử thi- báu vật của buôn làng
Sử thi ra đời và tồn tại trong đời sống các dân tộc anh em không chỉ với vị trí một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một pho lịch sử, cuốn bách khoa toàn thư về dân tộc đó. Có thể khẳng định rằng, cùng với cồng chiêng, sử thi là di sản đặc trưng của văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên cũng như các địa bàn miền núi phía Tây Phú Yên.
Lễ hội lên rẫy của người Ê Đê. Ảnh: CTV
Năm 2022 đánh dấu 95 năm kể từ khi công sứ Pháp Sabachie phát hiện, sưu tầm và công bố bộ sử thi đầu tiên của người Ê Đê Bài ca chàng Dam San - Klei khan Dam San vào năm 1927. Sau sử thi này, hàng loạt sử thi khác của các dân tộc thiểu số nơi đây được tìm thấy, xuất bản.
Sức hút lạ lùng của sử thi
Sử thi thường mang yếu tố kỳ ảo, nhân vật trung tâm của sử thi là những người anh hùng mang vẻ đẹp gắn liền với núi rừng, sông suối, cây cối, chim muông... Họ đại diện tiêu biểu cho lòng dũng cảm, trí tuệ, tài năng của cộng đồng. Ngoài ra, sử thi còn mô tả sự hình thành của các buôn làng, cuộc chiến oanh liệt giữa các bộ tộc để bảo vệ cộng đồng, tình yêu đôi lứa. Chẳng thế mà người Ấn Độđã từng tự hào nói rằng “Cái gì không có trong sử thi Mahabharata thì cũng không thể tìm ở đâu trên đất nước Ấn Độ”.
Khó ai có thể lý giải hết sức hút ma mị của việc kể sử thi (kể khan). Có những bộ sử thi chỉ hát trong một ngày, một đêm nhưng cũng có những tác phẩm sử thi, nghệ nhân phải trình diễn tận 7 ngày đêm. Khi trong nhà có người kể khan, đàn bà thôi kêu la, trẻ con ngừng khóc, không ai có thểngủ, không ai nói chuyện, tất cả đều lắng nghe. Có khi họ đốt một đống lửa nhỏ để sưởi và lấy lửa hút thuốc. Họ ngồi lặng lẽ như gỗ, tựa như đã câm. Có thể nói, nghệ nhân kể khan chính là những pho sử thi sống.
Giọng của họ đều đều, trầm buồn, có lúc tha thiết, lúc hào hùng, sảng khoái. Ngoài đoạn dẫn chuyện, người kể bắt vào giọng nhân vật. Họ hát kể có sự nhấn nhá, từ tốn, không vội vàng diễn kể hết tác phẩm, đi đến đích cuối cùng của sự kiện và chiến công của những người anh hùng. Họ muốn tạo ra khoảng thời gian ngừng nghỉ giữa các sự kiện để có thể mô tả phong tục, nghi lễ, đời sống của cộng đồng. Người nghe kể khan càng thích thú, say mê nội dung câu chuyện thì họ càng có khát vọng, ước mơ vươn tới cuộc sống tốt đẹp, hoàn thiện hơn.
Là một nghệ nhân kể khan và cũng là người đi điền dã, ghi chép, sưu tầm sử thi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng nhớ lại: “Ðêm hôm đó, nhà bên (buôn Khăm, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) có đám cúng rất to, có đánh cồng đánh chiêng nhảy múa nhưng khi ông Kpă Y Méo cất tiếng hát sử thi Chi Lơ Kok thì như có nam châm hút mọi người vây quanh, lớp trong, lớp ngoài chung quanh ông. Người dân xã Krông Pa yêu quý Kpă Y Méo như thế nào thì người dân các xã Phú Mỡ, Xuân Lãnh yêu quýnghệnhân Ma Phửi cũng y như vậy”.
“Ông sử thi” của Phú Yên
Mắt đen hơn rắn than/Mặt đỏ như hoa vông/Miệng tròn như ống tên/Môi đỏ như trái tơ - neng/Mũi giống miệng con rắn mây/Ngón chân, ngón tay như cá bống Krông Ana/Nó đẹp như đúc bằng khuôn, như đổ bằng ống/Như dát bằng bạc, như trải bằng vàng/Xing Chi Ngă đẹp/Bởi mẹ nó ăn trái knia, cha nó ăn trái hơ - đăng/Giàng trời cho nó đẹp...
Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng nói về sử thi với các em học sinh. Ảnh: MINH NGUYỆT
Trong tiết trời giao mùa, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng hứng khởi thể hiện đoạn mô tả vẻđẹp của Xing Chi Ngă trong sử thi Chi Lơ Kok mà ông tâm đắc. Đã tám mươi mấy mùa rẫy song ông vẫn còn dáng vóc khỏe khoắn và giọng nói trầm hùng - hình mẫu của một già làng Tây Nguyên.
Ông Ka Sô Liễng chia sẻ, giai đoạn huy hoàng nhất mà ông toàn tâm, toàn trí, toàn hồn cho sử thi là khi về nghỉ hưu ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa). Thấy các nghệ nhân dân gian còn nhớ và kể sử thi cứ lần lượt về phía bên kia núi, ông lặn lội đi tìm người già để nghe kể lại, thu âm và ghi chép. Càng làm ông càng say. Có buôn, ông đến nhiều lần mà vẫn chưa ghi chép xong một bài trường ca. Có khi quay lại thì nghệ nhân đã qua đời. Ông còn lưu giữ nhiều cuốn sổ tay đã ngả vàng với những ghi chép còn chưa đến đoạn kết. Từ năm 1995 đến nay, ông đã có nhiều công trình khảo cứu đoạt giải thưởng từ tỉnh đến trung ương. Những bản trường ca nổi tiếng mà ông sưu tầm được đã khơi dậy tình yêu đồng bào, con suối, ngọn núi, cái rẫy, nhà sàn như: Chi Lơ Kok; Trường ca Chi-Liêu; Chi Bri, Chi Brit…
TS Nguyễn Định, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Phú Yên, người có nhiều năm dày công nghiên cứu về sử thi đánh giá, vùng đất phía Tây Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên có trữ lượng sử thi tương đối lớn. Trong hơn 10 năm, với tinh thần làm việc say mê, tâm huyết, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng đã công bố đến 6 sử thi: Chi Lơ Kok, Xinh Chi Ôn (tập I), Xinh Chi Ôn (tập II), Hơbia Tulúi Kalipu, Trường ca Chi blơng, Tiếng cồng ông bà Hbia Lơđă… Sử thi ông sưu tầm hầu hết là sử thi anh hùng với đề tài chiến tranh, trong đó phổ biến và tiêu biểu hơn cả là sử thi Chi Lơ Kok. Chi Lơ Kok phản ánh nhiều mặt về vùng đất, con người và xã hội của các tộc người Ê Đê, Ba Na từ bao đời nay.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng, hiện nay, do ảnh hưởng của lối sống hiện đại nên không còn nhiều người có nhu cầu nghe kể sử thi như trước đây. Các nghệ nhân biết hát, kể sử thi đã già yếu, nhiều người đã mang theo “kho báu” về với ông bà tổ tiên mà chưa kịp truyền dạy lại cho thế hệ sau. Đội ngũ trí thức tâm huyết với công việc sưu tầm, nghiên cứu sử thi của các dân tộc có sử thi cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng.
“Mong muốn lớn nhất của tôi là các cộng đồng dân tộc, nhất là lớp trẻ thấy được cái hay, cái đẹp của dân tộc mình chứa đựng trong các bộ sử thi. Để thấy rằng tự bao đời, dân tộc mình cũng có mơ ước chinh phục thiên nhiên, phát triển xã hội, làm ăn giàu có, sống cuộc sống văn minh”, nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng tâm sự.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292529/su-thi-bau-vat-cua-buon-lang.html