Sự thực bài thuốc xuân dược của Từ Hy thái hậu và mối hiểm họa từ món 'chuột bao tử' thời nay
Từ Hy thái hậu là một trong số những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Trung Hoa. Cũng giống như cuộc đời chính trị đầy sóng gió, chuyện tình cảm - quan hệ nam nữ của bà có nhiều điều vô cùng dị biệt và làm hao tốn không ít giấy mực của sử sách.
Một trong số đó là bài thuốc dược chế từ Sâm Thủ (chuột bao tử nuôi bằng sâm) nổi tiếng. Hiện nay, một số nơi vẫn phục vụ món chuột bao tử với những quảng cáo sẽ giúp "tráng dương". Tuy nhiên, lật lại sử sách về cách chế biến Sâm Thử của Từ Hi thái hậu với món "chuột bao tử" hiện nay có thể thấy hoàn toàn khác biệt. Và theo các chuyên gia, nếu lạm dụng món "chuột bao tử" ngày nay vì "học đòi" Từ Hy thái hậu rất dễ rước họa vào thân.
Công dụng thần hiệu của Sâm Thử
Đặc biệt, trong cuốn tự truyện của Edmund Backhouse (một nam tước người Anh) mới được công bố còn tiết lộ một câu chuyện bất ngờ liên quan đến tình sử của nữ hoàng không ngai này. Đó là chuyện vị nam tước này-khi còn là một thanh niên trai tráng đã vướng vào chuyện tình mê muội với Từ Hy Thái hậu khi đã ở tuổi 68. Mối tình chênh lệch tuổi tác ấy kéo dài suốt 6 năm trời. Đặc biệt, mỗi cuộc mây mưa của Từ Hy thái hậu đều được người tình ngoại quốc ghi chép lại rất tỉ mỉ và tái hiện trong cuốn tự truyện. Ngay hoàn cảnh gặp và quen người thanh niên này cũng đủ để nói lên sự hoang dâm vô độ của Từ Hy thái hậu.
Edmund vốn là một kẻ đồng tính nam. Trong một lần ông đang ở phòng tắm công cộng Tân Tịnh - chốn làm ăn của bọn "điếm đực" thì Từ Hy cải trang thành nam giới đột ngột xuất hiện. Vị Thái hậu quyền uy được người đương thời xưng tụng là "Lão Phật gia" tìm đến đây để xem tận mắt "bọn đàn ông làm thế nào để "mây mưa" với nhau". Trong buổi hôm ấy, vị Thái hậu quyền lực của triều đình Đại Thanh đã để ý chàng trai "mắt xanh, mũi lõ" khỏe mạnh, khôi ngô đến từ nước Anh, Edmund Backhouse. Ngay trong buổi tối hôm đó, ông đã nhận được "mật lệnh" của Thái hậu vào cung để "phục vụ" bà. Cũng từ đó, Edmund bắt đầu mối quan hệ đặc biệt với Thái hậu Từ Hy, trở thành người tình "xuyên biên giới" duy nhất trong cuộc đời vị Thái hậu tai tiếng này.
Edmund kể lại rằng, mỗi lần được đưa vào cung phục vụ Thái hậu, Lý Liên Anh, thái giám thân cận nhất của Thái hậu lại đưa cho ông uống một loại "xuân dược" đặc biệt được điều chế trong cung giúp ông khỏe mạnh và phấn chấn hơn. Mối quan hệ của "Lão Phật bà" với bạn tình Tây phương nở rộ khi bà đang ở ngưỡng "thất thập cổ lai hy" trong khi người tình còn chưa đến 30 nên Từ Hy thái hậu cũng luôn tìm mọi cách để dưỡng sinh và chăm sóc cho nhan sắc của mình. Sử sách chép rằng, Từ Hy Thái hậu dù đã ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy" song vẫn giữ được làn da trắng mịn và mềm mại như thiếu nữ. Theo các nhà sử học Trung Quốc đánh giá: "Đôi mắt đó như nước hồ mùa thu xanh biếc và trong mát. Ai nhìn vào đó cũng bị hút hồn mà khó có thể thoát ra được".
Edmund còn tiết lộ, mặc dù tuổi đã cao nhưng chuyện chăn gối của Từ Hy thái hậu vẫn sung mãn vô cùng. Khi cao hứng, thậm chí bà còn bắt người tình thực hiện vô vàn những tư thế khó khiến người tình trẻ cũng bơ phờ. Bí mật để giữ gìn nhan sắc và duy trì sự dẻo dai, thỏa mãn các cuộc mây mưa của bà cũng được Edmund ghi lại. Theo đó, Từ Hy đặc biệt coi trọng việc thưởng ngoạn các món ăn được coi là tinh hoa của trời đất để cải lão hoàn đồng, bộ thận tráng dương, tăng cường sức khỏe cho mỗi cuộc mây mưa. Một trong những món ăn được Từ Hy thái hậu đặc biệt ưa chuộng là Sâm Thử, chuột bao tử sống.
Dễ rước họa vì đua đòi… Từ Hy thái hậu
Theo đó, vùng Dương Châu có một loại gạo ngon nhất lục địa Trung Hoa. Chuột đồng ở đây ăn lúa ngon nên da thịt ngon lành, sạch sẽ hơn chuột ở các nơi khác. Từ Hy Thái hậu truyền bắt hàng trăm con đem về nuôi bằng ngũ cốc trộn với sâm, nhung và nhiều vị thuốc tráng dương khác. Đến lúc đám chuột này đẻ con, người ta giết sạch, chỉ để lại bầy chuột con và nuôi tiếp với chế độ ăn uống tương tự. Những con chuột con được tuyển chọn sẽ được nuôi trong lồng kính, được ăn toàn gạo trộn trứng gà cùng các vị thuốc bổ, uống nước sâm và nước lê ép. Mỗi ngày, chuột được tắm rửa hai lần bằng nước trầm thơm và các dược liệu hảo hạng. Tuy nhiên, phải chờ đời chuột thứ ba ra đời thì mới được làm nguyên liệu để chế thành món ăn cho Từ Hy thái hậu.
Bởi qua ba đời được nuôi bằng sâm, nhung và các loại dược liệu quý, chuột đã tích tụ đầy đủ tất cả mọi chất bổ dưỡng, tinh khiết. Lúc này, chuột con mới vừa sinh ra trông đỏ hỏn như một củ hồng sâm biết bò. Theo Từ Hy, ăn chuột vào lúc nào cũng giống như thưởng thức tinh hoa của những củ hồng sâm hảo hạng. Người nuôi Sâm Thử phải tính toán thế nào cho đúng lúc chuột vừa sinh là vừa tới giờ dùng món ăn này theo thực đơn của Thái hậu, sớm hơn không tốt mà trễ thì không xong.
Trong cuốn tự truyện của Edmund cũng như một số sách Trung Hoa có chép lại, một số sứ giả nước khác đã từng được mời thưởng thức món Sâm Thử của Từ Hy thái hậu mà không khỏi kinh hãi. Trước khi đưa ra bàn tiệc, đầu bếp nhúng từng con chuột vào trong một cái bát đựng đầy mật ong nguyên chất trộn với sâm, nhung, thuốc bổ thận. Chuột bao tử uống mật đến căng to bụng nhưng không chết. Sau đó, đầu bếp dùng một chiếc đũa đầu dẹp gạt đuôi chuột vắt trên miệng chén. Thân chuột lúc bấy giờ chìm dưới lớp mật, bụng vẫn còn thoi thóp thở để chờ… thưởng thức. Thực khách khi ăn, vừa cắn vào áo bột vẫn nghe tiếng… chuột kêu chi chít, cảm thấy được chuột con đang nhúc nhích trong miệng mình!. Thịt chuột mềm thơm như sữa, thậm chí chưa có xương, thực khách khi đang ăn nhìn qua miệng người khác còn thấy được… đuôi chuột đang ngọ nguậy! Sâm Thử là món ăn cực kỳ vương giả, bồi bổ cho lục phũ ngũ tạng, giúp sáng mắt, bổ tì, vị.
Ngày nay, lời giải về công năng kỳ diệu của món thịt chuột bao tử vẫn còn là một ẩn số. Tuy vậy, nhiều người vẫn tin vào công dụng bổ thận, tráng dương mà thường xuyên sử dụng món ăn này. Liên quan đến thông tin cho rằng ăn chuột bao tử có khả năng giúp tăng cường sinh lực phòng the, trao đổi với PV, bác sỹ - thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam cho biết: "Theo y dược cổ truyền, thịt chuột đồng có vị ngọt chát, tính hơi ấm, không độc, tác dụng hàn thương, liền xương. Nó được dùng chữa trị cơ thể suy nhược, trẻ em cam tích, các vết thương, vết bỏng, gãy xương, đau lưng, nhức mỏi. Tôi cũng từng nghe thông tin về việc ăn chuột bao tử giúp cường dương, tăng cường sinh lực đàn ông. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng thực điều đó. Có thể dựa vào những công dụng của thịt chuột mà nhiều người suy đoán ra rằng nó có lợi cho chuyện chăn gối của phái mạnh".
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, thịt chuột có nhiều công dụng tốt. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo đó là chuột sạch và không mang mầm bệnh. Ngày nay, nhiều người khi ăn chuột bao tử chỉ chần qua nước nóng sẽ rất nguy hiểm vì các bệnh mà chuột mang trong cơ thể chúng sẽ đi trực tiếp vào cơ thể người qua đường tiêu hóa. Đặc biệt, người tiêu dùng không biết rõ con chuột mẹ đó được bắt từ đâu, nếu là chuột bẩn, chuột mang mầm bệnh thì rất có thể chúng đã truyền bệnh cho con của nó.
Hoang dâm vô độ
Từ Hy Thái hậu vốn nổi danh dâm đãng và ăn chơi vô độ. Khi bà còn trẻ, vua Hàm Phong mắc bệnh phong tình (vì trốn ra ngoài thành gặp gái giang hồ nên mắc bệnh lậu - PV) đã không có cơ hội "phục vụ" bà. Để thỏa mãn dục vọng, Từ Hy đã "cặp" với người hầu đẹp trai, trẻ trung họ Sử làm tại "Kim Hoa phạm điểm" - nơi cung cấp một món ăn bà yêu thích. Khi vua chết, Từ Hy thậm chí cho vời "người yêu cũ" là Vinh Lộc vào cung, thăng quan tiến chức và nối lại tình xưa. Cuối đời, Từ Hy Thái hậu còn mê đạo sĩ Đồng Nguyên, nhiều đêm giữ lại phòng riêng để hướng dẫn bà cách "tu tiên" và thăng hoa trong niềm hoan lạc. Ngoài ra, theo dân gian truyền lại, bà còn có mối quan hệ đặc biệt với thái giám Lý Liên Anh và thường ngủ chung giường với thái giám này bởi hắn có tài "mát xa". Hai người còn thân mật như hình với bóng, ngày ba bữa cơm quấn quýt không rời.