Truyền thông Nga vừa đăng tải thông tin cho biết họ đã nhận ra một số chi tiết đáng ngờ liên quan đến việc đẩy lùi những cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Delilah do tiêm kích Israel thực hiện nhằm vào Syria.
Cụ thể trong cuộc tấn công ban đêm vừa diễn ra, một tên lửa Delilah do tiêm kích Israel phóng đi theo báo cáo đã bị hệ thống phòng không Syria bắn hạ khi vẫn đang ở trên không phận của nước láng giềng Lebanon.
Giới chuyên môn cho rằng mặc dù tầm bắn của các hệ thống phòng không Syria là khá đủ để làm điều này, tuy nhiên do sườn núi ở biên giới Syria - Lebanon tạo ra rào cản tự nhiên, cho nên rất khó để Damascus phát hiện tên lửa Delilah và bắn trúng nó ngay lập tức.
Trước thực tế trên, báo chí tại Moskva khẳng định rằng thành tích của phòng không Syria là do được radar của S-400 Triumf mà Nga triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim hoặc căn cứ hải quân ở Tartus chỉ điểm.
Được biết trong cuộc tấn công vừa diễn ra, máy bay chiến đấu của Israel không hề lộ diện, chúng chỉ bắn tên lửa vào mục tiêu trong lãnh thổ Syria từ địa điểm được che chắn.
Dĩ nhiên khả năng của radar Syria là không đủ để theo dõi tên lửa từ nơi phóng tới khu vực chịu sự quản lý của hệ thống phòng không, nhưng họ thực sự có thể nhờ sự trợ giúp của tổ hợp S-400 được Nga bố trí tại các tỉnh Tartus và Latakia.
"Hệ thống Pantsir-S có thể được tích hợp với S-400 của Nga tại căn cứ không quân Hmeimim, nhưng còn nhiều câu hỏi liên quan đến hệ thống phòng không Buk-M2E”.
“Có thể ngoài radar của Nga, đài radar do Trung Quốc sản xuất như JY-27 mà Quân đội Syria đặt mua trước đây đã được triển khai tại khu vực lối vào Thung lũng Bekaa và chúng cũng hoạt động trong trận đánh nói trên”, trang Reporter lưu ý.
Nhưng ở chiều ngược lại, có rất nhiều ý kiến nghi ngờ “chiến công” của hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga.
Đài radar cảnh giới tầm xa 96L6 của S-400 không phải là khí tài xa lạ đối với phòng không Syria, khi tổ hợp S-300PMU-2 Favorit của họ cũng được trang bị.
Ngoài ra radar của S-400 không phải là “sản phẩm của người ngoài hành tinh” khi có thể nhìn xuyên các dãy núi mà tên lửa hành trình Israel dựa vào đó để lẩn tránh phòng không đối phương.
Vì vậy một khả năng khác cũng được nhắc tới, đó là tên lửa hành trình Delilah của Israel đã gặp trục trặc kỹ thuật và rơi trên đất Lebanon chứ không phải bị hệ thống phòng không đối phương bắn hạ.
Bên cạnh đó, ngoài tuyên bố của phía Nga, chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy thực sự tên lửa Delilah do tiêm kích Israel phóng đi đã rơi trên đất Lebanon.
Báo chí khu vực cũng nhắc lại “chiến công” bắn hạ bom dẫn đường Spice 1000 của Israel mới đây mà Moskva khẳng định là “nhờ sự trợ giúp của radar phòng không Nga”, nhưng thực chất hình ảnh lại là một quả bom bị bắn hạ từ năm 2019.
Cần nói thêm đó là trong cuộc tấn công mới nhất của Israel, số liệu từ Nga cho biết các hệ thống phòng không Buk-M2E và Pantsir-S1 của Syria đã bắn hạ 92% tên lửa hành trình Delilah của Israel, dĩ nhiên cũng chưa có hình ảnh nhằm chứng minh.
Việt Dũng