SỰ TÍCH HỒ BA BỂ
Tác phẩm đạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác, sưu tầm các câu chuyện hay gắn liền với di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Kạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức.
Ngày xưa, xứ này gọi là Nam Môn. Làng mạc trù phú, những cánh đồng màu mỡ chạy dài theo ven sông, những vườn cây trái cây trái tốt tươi và những đồng cỏ xanh tươi, hàng đàn trâu, bò béo như những quả sim chín nhởn nhơ gặm cỏ. Những tưởng ở đó sẽ là cuộc sống bình yên, no đủ nhưng, trái lại vẫn có kẻ giàu, người nghèo, người lương thiện và kẻ gian tham...
Khi đó, Tam giới, là Thủy cung của Long Vương, Ngọc Hoàng trên trời cao và trần gian của loài người đều có thể giao tiếp với được nhau... Vào các dịp hội làng, người của Thủy cung có thể lên thăm thú, tham gia vui chơi cùng loài người. Đông vui, sôi nổi nhất là những trận chọi bò. Luật chơi là bên thắng được hưởng số tiền cá cược cộng với con bò thua cuộc. Do có ưu thế về đồng cỏ, có giống bò to khỏe được chọn lọc từ đời trước, lại có gã Lý Bạch một kẻ thông thái, lắm mưu mẹo mách nước, chúa làng Nam Môn đã cho vực những con bò to khỏe, hung dữ nhất để thi chọi nên năm nào Nam Môn cũng được cuộc. Thế là bằng tiền thưởng và thịt của các con bò thua cuộc nên cả làng đều hả hê say sưa trong tiệc tùng, hội hè...Phần còn lại chia nhau... Tất nhiên, Chúa làng và những kẻ có máu mặt phải được phần hơn cả. Quen ăn, khi thiếu, chúng thường bày cách ăn trộm trâu, bò làng khác, để tạo hiện trường giả, chúng kéo con vật đi giật lùi khiến gia chủ không căn cứ dấu vết mà truy tìm...
Việc đến tai Long Vương.
Hội xuân năm ấy, trong hội thi xuất hiện một tốp người lạ dắt theo một con bò, xin được tham gia cuộc thi. Con bò của họ trông cũng giống những con bò khác, chỉ có chiếc đuôi là khác lạ, nó nhỏ và xoăn lại như vặn thừng. Với số tiền đặt cược gấp đôi, vả lại nhìn con bò lạ có phần nhỏ và yếu hơn bò của hội mình nên Chúa làng vui vẻ nhận lời. Hai con bò lao vào nhau, giữa tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của mọi người; chúng càng đánh càng hăng; chúng xoắn vào nhau quay tròn trên bãi cát, bụi tung mù mịt. Bỗng con bò đuôi xoăn yếu thế, bị đẩy lùi dần xuống phía bờ sông. Phía dân làng Nam Môn, tiếng hò reo tưởng vỡ chợ. Đúng lúc ấy, khi chân con bò lạ vừa chạm vào mặt nước, như được tiếp một sức mạnh thần kỳ nào đó, nó gồng mình, các bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, đúng lúc ấy đối thủ vừa lao đến như một khối đá lăn. Rầm! một tiếng nổ lớn, con bò của hội Nam Môn bị hất ngược trở lại, bay lên không trung, rơi uỳnh xuống, kêu to mấy tiếng rồi chết. Cả hội Nam Môn há hốc mồm kinh hoàng. Tiếng hò reo của các hội bạn nổi lên không ngớt, họ hả hê từ nay bọn chức dịch Nam Môn hết khoe khoang sức mạnh của mình.
Bẵng đi một thời gian. Một hôm, lũ trẻ chăn trâu về báo, có con bò lạ lạc vào làng. Sẵn thói gian tham, Chúa làng cho người ra bắt để giết thịt, nhưng đuổi mãi chưa bắt được, thấy lạ, Chúa làng và mấy vị chức dịch kéo ra xem mới phát hiện ra chính là con bò đuôi xoăn đã đánh chết bò chọi của làng mình hôm trước. Vừa thù hận, vừa tham ăn nên chúng hò nhau quyết tâm bắt bằng được. Gã lý Bạch phán:
- Phải đuổi lên núi, càng cao càng tốt
Con bò lạ bỗng ngơ ngác trước khung cảnh lạ lùng của núi non trùng điệp, nên đã chui vào một hốc đá không có đường ra. Cả bọn hả hê xẻ thịt con bò chia nhau. Chia xong mới sực nhớ còn bà góa ở cuối làng chưa có phần, họ bèn gom cái đuôi và mấy miếng da còn lại, gọi là ai, ai cũng có phần.
Mấy hôm sau, dưới Long Vương nháo nhác tìm con bò bị lạc. Lần theo dấu chân, đến bãi cát trên đường dẫn lên cạn thì mất hút. Đích thị là nó lạc lên bãi soi rồi, có đứa bảo.:
- Chắc bọn người đã ăn thịt rồi. Long Vương tức giận:
- Nếu quả thật như vậy, hãy trị chúng cho biết tay!
Có cụ già góp ý:
- Phải phân biệt ai là thủ phạm, không nên trả thù tràn lan. Rồi đưa ra mật kế.
Long Vương phán:
- Vậy cứ thế mà làm!
Mấy hôm sau, có một vị khách lạ, ông ta đi từ đầu đến cuối làng, lân la hỏi già, hỏi trẻ:
- Có ai thấy con bò nào lạc vào làng không?
Đến đâu, đâu cũng được trả lời là không thấy. Ông ta đến cuối làng, vào nhà người góa phụ. Bà thấy khách cũng người lam lũ, hiền lành, tiếc của nên phải lặn lội đi tìm nên không nỡ nói dối:
- Mấy hôm trước, làng có thịt một con bò lạc, có chia phần cho tôi, còn treo trên cọc ngoài sàn phơi đó!
Ông khách bỗng tái mặt khi cầm cái đuôi bò trên tay. Sau khi hỏi han gia cảnh, ông ta dặn:
- Đêm nay sẽ có chuyện khác thường xảy ra, đất nhà chị đến đâu, hãy lấy tro bếp rắc xung quanh đến đó", - Rồi đưa ra nắm thóc:
- Chị giữ nắm thóc này, lúc cần kíp hãy tung nó ra, chị nhớ kỹ người ở lành sẽ gặp lành, kẻ ác sẽ gặp ác.
Chủ nhà vừa định hỏi lại cụ thể chuyện gì sẽ xảy ra, ông khách đã vụt biến mất. Đêm hôm đó, tự nhiên trời trở gió, mây đen kéo đến che kín cả bầu trời, rồi sấm ran chớp giật, mưa to như trút nước. Đến nửa đêm nổi lên những tiếng nổ ầm ầm trong lòng đất cộng với tiếng sét xé tai, chị khiếp đảm thu mình trong túp nhà, chỉ còn biết cầu trời khấn phật... Sáng ra, một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt, chỉ còn lại thổ đất nhà chị, còn bốn bên là nước ngập mênh mông, tiếng kêu khóc, gào thét vang khắp vùng. Sực nhớ lời ông khách dặn, bèn tung nắm thóc ra. Lạ thay, những hạt thóc bỗng tách đôi, mỗi nửa vỏ trấu biến thành một chiếc thuyền độc mộc; mới hiểu ra lời nhắn của người khách lạ. Bất chấp hiểm nguy, chị chèo thuyền ra giữa dòng nước sâu, giao thuyền cho những người khỏe; còn lại, một mình một thuyền hối hả chèo đi cứu nạn... Đến chiều tối, nỗi sợ hãi, hoảng loạn tột độ cộng với cái đói và mệt đã làm cho một số người lả đi... Bỗng nhiên, mặt nước hồ lăn tăn sủi bọt, rồi có những quả tròn tròn, trăng trắng to bằng đầu ngón tay, nổi lên từng đám, trôi lập lờ trên mặt sóng; một số người bèn liều nếm thử... Thì lạ thay!quả gì lạ vậy, nó bùi như vị bột chín, có nhân ngọt như đường, ăn mấy quả đã thấy ấm lòng. Nhưng, ai đã làm những quả, lại nhiều như thế này? Chắc chỉ có trời mới làm được như vậy! Bèn hú to, gọi cho mọi người cùng biết:
- Hú! kia là những chiếc bánh của trời cho đấy, hãy ăn đi! Đừng sợ gì cả, trời cứu chúng ta rồi! - Tiếng hú truyền nhau vang xa, lan khắp mặt hồ, đã đẩy lùi được cái đói, xua bớt sự hoảng loạn của mọi người. Lần lượt những người còn nổi trên mặt nước đều được cứu sống. Từ đó về sau, cứ đến ngày hội, dân làng lại lấy gạo nếp cái giã thành bột, nặn thành những chiếc bánh tròn tròn to bằng ngón tay, qua nhiều công đoạn khá cầu kỳ đã tạo ra một thứ bánh có mùi và vị như thứ quả lạ đã cứu tổ tiên họ, để làm mâm cúng đất trời, để nhắc con cháu đời đời ghi ơn trời đã cứu mạng những người dân lành, lương thiện.
Đó là Pẻng Phạ (Bánh Trời) ngày nay.
Vùng đất bỗng chốc biến mất. Nhà mất người, nhà mất hết ruộng vườn, hết phương tiện sinh nhai. Họ bàn nhau, phải ra đi tìm vùng đất mới. Cứ ngược dòng con sông mà đi, càng xa, càng cao càng tốt. Cuối cùng, sau quãng đường dài dằng dặc bằng chín ngày đi bộ gian nan, vất vả họ đã đến được nơi ưng ý.
Nam Ty ni Nam Mậu
Pây khẩu cẩu vằn tàng.
(Nam Ty chạy Nam Mẫu
Đi hết chín ngày đường)
Đất đó, nay thuộc xã Nam Ty huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng. Cho đến ngày nay, hậu duệ của những cư dân đó vẫn còn lưu truyền câu chuyện về cuộc di cư đầy bi kịch của tổ tiên họ.
Lại nói, ngoài số cư dân sống sót di tản tìm vùng đất mới, có một người vẫn còn ở lại, đó là bà góa. Nói với mọi người:
- Trời còn để cho ta căn nhà và chuồng trâu, chuồng lợn, tất còn cho ta con đường sống. Vả lại nhà ta ngay giữa hồ cần phải có người trông coi, phòng khi bà con qua hồ gặp nạn còn cứu họ.
- Thế là bà vẫn ở lại chiếc gò giữa hồ, ngày ngày xúc tôm, bắt cá nuôi thân. Có ai hú gọi lại chèo con thuyền độc mộc đưa người qua sông. Hễ nghe tiếng người kêu cứu, không quản hiểm nguy lại chèo thuyền vượt sóng ra cứu người...
Năm tháng trôi đi, số người ở lại đã thích nghi với hoàn cảnh sống mới, một số cư dân nơi khác đến, trong các mái ấm gia đình xuất hiện tiếng bi bô của những đứa trẻ. Cuộc sống dần hồi sinh. Riêng bà đã trở thành một bà già tóc bạc, lưng còng. Bà con qua lại trên hồ vẫn thường dừng thuyền ghé thăm; khi tấm bánh, khi mấy quả chuối, quả cam. Bẵng đi mấy hôm, không thấy làn khói xanh bốc lên trên căn bếp nhà bà nữa, thấy lạ, họ rủ nhau lên thăm, mọi thứ vẫn còn nguyên, nhưng tìm quanh quất mãi không thấy bà đâu. Cuối cùng, thấy một hiện tượng khác lạ, một khối đá mọc lên ngay chính giữa gian nhà, khối đá hình người, với dáng đứng nghiêng nghiêng, ngóng về phương trời xa. Mấy bà, mấy chị chợt cám cảnh thốt lên:
- Có phải bà đây không? Tự nhiên, từ trên mỏm đá, hai vệt nước chảy xuống như hai dòng lệ. Họ thốt lên trong nước mắt:
- Bà đấy ư...? - Rồi bảo nhau, bày mấy thứ quà lên phiến đá cạnh đó, thắp mấy nén hương, thành tâm vái lạy Người. Từ bấy đến nay, đã trải qua bao đời, dẫu là người đến từ thượng nguồn nơi con suối cạn hay người đến từ vùng hạ lưu nước cả, khi qua lại nơi đây, họ đều dừng chân lên thắp cho bà một nén hương, để tỏ lòng thành kính, nhớ đến công ơn bà đã dành cho đời bằng những việc làm đầy ân nghĩa.
Đó là Pò Giả Mải (Đảo Bà Góa) ngày nay. /.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/su-tich-ho-ba-be-post59278.html