Sự trở lại của danh trà Hùng An
Công ty Cổ phần chè Hùng An (Bắc Quang) được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ XX. Đến đầu những năm 80, sản phẩm chè Hùng An đã trở thành thương hiệu nổi danh cả nước. Thế nhưng, sự chậm đổi mới đã làm cho danh trà mất dần tiếng vang trên thị trường. Còn hiện tại, Công ty Cổ phần chè Hùng An mỗi năm đang cung cấp cho tiêu dùng, xuất khẩu trên 1.800 tấn sản phẩm được chế biến từ cây chè. Danh trà đã, đang vững vàng trở lại...
Đầu tư trọng điểm
Sau mùa dịch Covid – 19, tôi trở lại Công ty Cổ phần chè Hùng An trong một sớm đẹp trời. Một vùng đồi bát úp xanh mướt màu xanh non tơ của hàng trăm ha chè trồng mới đang vào vụ thu hái. Giám đốc Công ty, Nguyễn Văn Hà, cho biết: Sau Cổ phần hóa (CPH), Công ty bắt tay vào cải tạo các vườn chè già cỗi, trồng mới các giống chè có chất lượng tốt phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã trồng mới trên 120 ha, chiếm gần ½ tổng diện tích chè của doanh nghiệp. Các giống chè được trồng mới chủ yếu là dòng PH, PH8. Kèm theo đó là các giống chè nhập nội được người tiêu dùng ưa chuộng, như: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên. Mới đây nhất, Công ty đang đưa vào trồng thử nghiệm giống chè mới được Viện chè công bố là giống chè 5.0. Tuy vậy, sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp được người tiêu dùng biết đến xưa nay vẫn là chè Shan tuyết chiếm khoảng 50% sản lượng chè của doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng năm. Để có năng suất, chất lượng chè búp đảm bảo an toàn cho tiêu dùng, Công ty đã sử dụng 100% các loại phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Nhật Bản, phân NPK Việt – Nhật, thuốc trừ sâu sinh học nhập khẩu để chăm sóc vườn chè. Đến nay, Công ty vẫn là doanh nghiệp đi đầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp bài bản nhất trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Giang. Ở đó, doanh nghiệp đã tạo vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, có đội ngũ công nhân, có hợp đồng lao động đóng bảo hiểm, có quỹ phúc lợi, có nhà máy chế biến, có dây chuyền, công nghệ sản xuất ổn định, bền vững.
Nhà máy chế biến chè của Công ty Cổ phần chè Hùng An hiện nay đã làm tôi thấy ngợp. Nhà xưởng, máy móc, công nghệ đều được đầu tư cải tạo, làm mới khang trang, sạch, xanh và tuyệt đối an toàn. Giám đốc Hà, cho biết: Công ty đã đầu tư khoảng 18 tỷ đồng để trồng mới 120 ha chè. Đối với nhà xưởng, đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng lại nhà máy, xưởng chế biến. Đầu tư trên 20 tỷ đồng để đổi mới toàn bộ công nghệ chế biến chè. Thực tế, công việc chế biến chè tại các xưởng hiện nay gần như được tự động hóa giảm tới 30 – 38% sức lao động chân tay. Ngược lại, năng suất lao động tăng từ 35 – 40%/ca sản xuất. Năng lực chế biến sản phảm chè hiện tại của doanh nghiệp đạt trên 18 tấn chè búp tươi nguyên liệu/ca, tăng ít nhất trên 3,5 tấn/ca. Kèm theo đó, chất lượng chè sau chế biến cũng đồng đều hơn, chất lượng hơn và được khách hàng kể cả khách hàng khó tính cũng dần dần quay lại sử dụng sản phẩm chè của doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù dịch Covid- 19 hoành hành khắp nơi, Công ty chè Hùng An vẫn chế biến đạt trên 500 tấn sản phẩm. Duy trì ổn định công ăn, việc làm cho người lao động; chưa cần đến sựu hỗ trợ của Nhà nước.
Đa dạng hóa các sản phẩm để hướng tới tiêu dùng an toàn được xem là chìa khóa thành công của Công ty Cổ phần chè Hùng An hiện nay. Sản phẩm chè sau chế biến của Công ty hiện có tới hơn 20 loại sản phẩm. Chè xanh phục vụ nội tiêu truyền thống, chè đen xuất khẩu sang thị trường Âu, Mỹ, chè Mát tra sang Nhật làm thực phẩm, mỹ phẩm. Ngoài ra, Công ty còn chè ướp nhài giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, chè nhân trần mát gan, giải độc, chè ổi xuất khẩu châu Âu dành cho người béo phì, bệnh tiểu đường... Sự bắt nhịp cùng thị hiếu tiêu dùng, bắt nhịp với thị trường tiêu thụ sản phẩm toàn cầu theo xu thế hội nhập hiện nay đã đưa danh trà Hùng An trở lại với người tiêu dùng. Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Công ty Cổ phần chè Hùng An đã sản xuất, chế biến, tiêu thụ trên 1.800 tấn chè thành phẩm, các sản phẩm được chế biến từ chè. Tạo công ăn, việc làm ổn định cho 70 lao động (đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế); nộp ngân sách nhà nước năm 2018 trên 3 tỷ đồng. Cuối năm 2019, dịch Covid 19 xuất hiện làm giảm xuất khẩu nhưng Công ty vẫn nộp gần 1,5 tỷ đồng.
Cần cơ chế hỗ trợ
Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiện đang là ưu tiên phát triển của Chính phủ. Nhìn về thực tiễn, Hà Giang hay Bắc Quang là tỉnh, huyện có nền kinh tế thuần nông chiếm tỷ lệ rất cao. Phát triển nông nghiệp vẫn là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Hà Giang vẫn rất khiêm tốn đối với số doanh nghiệp đầu tư có chiều sâu vào sản xuất nông nghiệp. Một số doanh nghiệp hiện đang đầu tư vào ngành chè thì chủ yếu là thu mua, sơ chế, xuất khẩu. Doanh nghiệp đầu tư chiều sau hiện nay duy nhất chỉ có Công ty Cổ phần chè Hùng An. Công ty có vùng nguyên liệu riêng rộng trên 245 ha, có vườn ươm, có nhà máy, có dây chuyền sản xuất hiện đại, có đội ngũ công nhân lành nghề. Toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp làm ra được định hình từ vườn ươm, đến bàn ăn làm theo quy trình khép kín.
Trở lại câu chuyện của nền sản xuất nông nghiệp nói chung và với câu chuyện cây chè nói riêng tại Hà Giang hiện có trên 28.000 ha chè, chủ yếu là giống chè Shan tuyết nổi tiếng cả nước. Tại Bắc Quang, hiện có trên 5.700 ha chè đang cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi dành cho chế biến, tiêu thụ mỗi năm là rất lớn. Ở Bắc Quang hiện nay cũng có vài doanh nghiệp, một số các HTX chuyên thu mua, sơ chế, xuất bán các sản phẩm từ cây chè nhưng đều không có vùng nguyên liệu cho riêng mình. Dẫn đến, tình trạng ép cấp, ép giá đối với người trồng chè và tranh mua, tranh bán theo cơ chế thị trường nổi trôi. Thực tiễn trên đã, đang là lỗ hổng để ổn định và từng bước nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tại Bắc Quang nói riêng và của cả tỉnh nói chung.
Hơn lúc nào hết, Công ty mong muốn được UBND tỉnh, huyện Bắc Quang cùng các sở, ban, ngành của tỉnh xem xét có cơ chế đặc thù ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển. Trước mắt, có ưu đãi về vốn vay, về lãi suất ngân hàng, các chính sách về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid – 19. Dịch bệnh đã làm cho các loại sản phẩm của doanh nghiệp làm ra không tiêu thụ được vì các nước đóng cửa biên giới. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải duy trì chăm sóc vườn chè, thu hái, chế biến sản phẩm và duy trì ổn định đời sống người lao động... Hỗ trợ doanh nghiệp, chính là hỗ trợ người lao động vượt khó và là hỗ trợ ngành chè của tỉnh, huyện vươn lên.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202007/su-tro-lai-cua-danh-tra-hung-an-762602/