Sự trở lại của đồ chơi truyền thống
Di sản đồ chơi của Ấn Độ có từ gần 5.000 năm trước. Các nhà khảo cổ học đã khai quật được những chiếc xe đẩy nhỏ bằng đất nung, tượng động vật, còi, mê cung và xúc xắc từ các địa điểm ở Thung lũng Indus. Nhưng với những mặt hàng đồ chơi nhập khẩu tràn lan trên thị trường hiện nay, đồ chơi truyền thống ngày càng vắng bóng.
Cú hích từ đại dịch
Nhớ lại 10 năm trước, cô Swapna Wagh muốn mua một bộ đồ chơi gỗ lagori hoặc board game (trò chơi trên bàn) truyền thống của Ấn Độ, thứ mà cô thường chơi khi còn nhỏ, cho đứa cháu nhỏ của mình. Cô ngạc nhiên vì sự vắng mặt của hầu hết những mặt hàng cũ. “Đó là khi tôi nghĩ rằng có một khoảng trống trên thị trường”, cô nói. Ý tưởng thành lập một công ty đồ chơi truyền thống dần hình thành, và khi tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ cô nhận thấy các bậc cha mẹ rất thích ý tưởng này. Công ty đồ chơi Desi Toys của cô được thành lập vào năm 2012 ở Mumbai, chuyên bán đồ chơi truyền thống do các nghệ nhân làm. Trang web của Desi Toys có một số món đồ chơi thú vị: một chiếc tàu hơi nước bằng thiếc mầu xanh và vàng, một bộ nhà bếp bằng gỗ với các đồ gia dụng thường thấy trong căn bếp Ấn Độ, từ cối và chày đến một bình ga mầu đỏ thẫm, bộ lagori nhiều mầu và con quay. Cô Wagh nói: “Chúng tôi đặc biệt tập trung vào những món đồ chơi khiến người lớn hoài cổ”.
Niềm khao khát về một quá khứ giản dị càng nhân lên bởi những cú sốc và mất mát của đại dịch, đã tạo ra cú hích cho những món đồ chơi và trò chơi truyền thống. Cô Ajay Aggarwal, Chủ tịch Hiệp hội Đồ chơi Ấn Độ nói rằng nhu cầu đối với đồ chơi đã thực sự tăng lên ở Ấn Độ kể từ khi đại dịch. “Chắc chắn sẽ tăng 5-10% do việc nhập khẩu đồ chơi từ Trung Quốc giảm và trẻ em được ở nhà”. Bản thân cô Wagh cũng chứng kiến nhu cầu tăng vọt gần 80% trong năm rưỡi qua. Một doanh nhân khác, cô Nisha Ramasamy, người đồng sáng lập Công ty Ariro Toys có trụ sở tại Chennai, hợp tác với các nghệ nhân ở miền nam Ấn Độ để tạo ra các đồ chơi gỗ lấy cảm hứng từ phương pháp giáo dục Montessori cho biết, doanh nghiệp của cô đã tăng trưởng 10-15% mỗi tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Sự gia tăng nhu cầu có thể trấn an các nhà sản xuất đồ chơi truyền thống, hầu hết trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động với tỷ suất lợi nhuận ít ỏi. Đặc biệt là khi có nhiều yếu tố hiện đang tạo thuận lợi cho họ: một hệ sinh thái đang thay đổi được định hình bởi những lời hứa hỗ trợ cho ngành công nghiệp đồ chơi của chính phủ, sự gia tăng mua sắm trực tuyến và vô số các công ty khởi nghiệp đang cố gắng đưa hàng thủ công lâu đời trở lại thị trường.
Thủ tướng N.Modi trong Hội chợ Đồ chơi Ấn Độ năm 2021 cũng chỉ ra sự gia tăng nhu cầu đối với đồ chơi thủ công và cho rằng mọi người muốn có những trải nghiệm gắn liền với đồ chơi. “Nhu cầu về hàng Made in India ngày nay gia tăng, thì nhu cầu về đồ chơi handmade ở Ấn Độ cũng tăng lên không kém. Mọi người không chỉ mua đồ chơi như một sản phẩm mà còn muốn kết nối những trải nghiệm gắn với món đồ chơi đó”. Ông thông báo rằng Ấn Độ hiện đã xếp ngành công nghiệp đồ chơi là một trong 24 lĩnh vực chính và Kế hoạch hành động đồ chơi Quốc gia cũng đã được chuẩn bị, bao gồm 15 bộ và ban, ngành nhằm mục đích làm cho ngành này trở nên cạnh tranh và tự chủ vì mục đích đưa đồ chơi của Ấn Độ ra thế giới.
Những trở ngại lớn
Mỗi vùng đất ở Ấn Độ lại có những đồ chơi đặc trưng. Uttar Pradesh nổi tiếng với những đồ chơi bằng gỗ ở Varanasi có niên đại hơn 200 năm. Có xấp xỉ 500 loại đồ chơi bằng gỗ nhưng phổ biến nhất là búp bê gỗ. Đồ chơi đất sét của Rajasthan đã là một nghề thủ công lâu đời, đặc biệt là bộ nhà bếp bao gồm một chulha (lò) bằng đất, chakki (cối xay), búp bê, tượng động vật và người. Gujarat được nhớ đến với đồ chơi vải dhinglas và dhinglis (búp bê). Đồ chơi Punjabi truyền thống bao gồm chankana (đồ chơi có còi), ghuggu (hộp lục lạc cho trẻ sơ sinh), lattoo (con quay), handai (bộ nhà bếp), gudda guddi và charkha (phụ nữ quay sợi ở bánh xe). Theo truyền thống, chúng được làm bằng bùn hiện đã thay thế bằng gỗ…
Nhưng đồ chơi do Ấn Độ sản xuất, cả truyền thống và hiện đại, hiện chỉ đóng góp khoảng 1,5 tỷ USD cho ngành công nghiệp đồ chơi toàn cầu trị giá tới 100 tỷ USD. Ông Sharad Kapoor, Tổng Thư ký Hiệp hội Đồ chơi Ấn Độ, một cơ quan có trụ sở chính tại Delhi, được thành lập vào năm 1995 cho biết: “Hiện ở Ấn Độ, gần 80% đồ chơi là được nhập khẩu”.
Các nghệ nhân đang phải vật lộn để tồn tại. Manoharan K.V, một nghệ nhân từ Arangottukara, Kerala, là một thợ mộc có tay nghề đã tạo ra edakoodam, một trò giải đố địa phương tương tự như trò rubik, giúp cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ. Đại dịch đã buộc anh phải làm thợ xây toàn thời gian. Cô Gita Ram, Chủ tịch Hội đồng thủ công Ấn Độ cho biết, mức lương trung bình của một thợ làm đồ chơi chỉ khoảng 4.000-5.000 ruppe một tháng. Không có gì ngạc nhiên khi con cái của những người thợ thủ công không thích theo bước chân của cha mẹ.
Trong hai năm qua, chính phủ đã có nhiều giải pháp để phát triển ngành sản xuất đồ chơi địa phương. Thuế nhập khẩu đã tăng lên để ngăn chặn hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Từ tháng 1, chính phủ đã bắt buộc các nhà nhập khẩu và thương nhân phải xin giấy phép của Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) trước khi sản xuất hoặc bán. Ông Kapoor nói: “bằng cách này, sẽ kiểm tra các hàng nhập khẩu giá rẻ đã gây hại cho các nhà sản xuất Ấn Độ trong nhiều năm qua”.
Trong khi chính phủ tập trung vào ngành sản xuất đồ chơi ở Ấn Độ, bao gồm đồ chơi nhồi bông và đồ chơi chạy bằng điện, một số mối quan tâm đang chuyển sang ngành đồ chơi truyền thống, vốn bị bỏ quên lâu nay. Do vậy, việc tìm kiếm dữ liệu đáng tin cậy cho ngành này là một thách thức. Cô Ram nói: “Không có cơ sở dữ liệu về các nghệ nhân Ấn Độ. Một ước tính trong cuộc điều tra dân số kinh tế lần thứ sáu, được thực hiện từ năm 2013-2014, cho thấy tổng số cơ sở thủ công/dệt thủ công là 1,87 triệu và sử dụng 4,20 triệu người”.
Ông Kapoor tin chắc rằng những chuyển biến tích cực trong ngành đồ chơi sẽ thay đổi mọi thứ đáng kể: “Nhiều người chơi trưởng thành đang bàn bạc với các nghệ nhân và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy nhiều đồ chơi truyền thống hơn trên các nền tảng trực tuyến”. Năm ngoái, Amazon Ấn Độ đã bắt đầu mở cửa hàng đồ chơi Made in India, nơi người bán từ 15 bang trưng bày đồ chơi địa phương của mình. Người phát ngôn của Amazon cho biết: “Sự ra mắt này cho phép hàng nghìn nhà sản xuất và người bán đồ chơi được thiết kế và sản xuất tại địa phương lấy cảm hứng từ văn hóa Ấn Độ”.
Phải thừa nhận rằng đồ chơi truyền thống đang gặp phải một số vấn đề cơ bản: chất lượng không ổn định và thiếu tiêu chuẩn hóa sản phẩm, chiến lược tiếp thị kém, cơ sở hạ tầng sản xuất không đầy đủ, thiếu đa dạng và mẫu mã lạc hậu, cùng một số vấn đề khác. “Đồ chơi Ấn Độ thường rất tĩnh,” cô Vinita Sidhartha, người sáng lập Kreeda Games, tập trung vào các trò chơi truyền thống của Ấn Độ nhấn mạnh. Những gì có thể thu hút sự chú ý của một đứa trẻ cách đây ba thập niên ngày nay có thể sẽ không giống như vậy. Chẳng hạn Marapachi bommai, loại búp bê truyền thống làm bằng gỗ đàn hương đỏ, từng được trẻ em ở miền Nam ưa chuộng. “Trẻ em ngày xưa đã từng mặc quần áo cho chúng và chơi với chúng. Nay không còn bé gái nào chọn đồ chơi này thay vì một con búp bê Barbie”, cô nói.
Búp bê gỗ truyền thống có thể khó cạnh tranh nổi với búp bê Barbie mảnh mai hoặc búp bê Winky mềm mại nhưng một số đồ chơi khác vẫn rất được yêu thích. Chẳng hạn như đồ chơi nôi, bộ nhà bếp, con quay và trò chơi trên bàn khá phổ biến.
Thuận lợi là sự gia nhập của các doanh nhân trẻ, những người đang làm việc với các nghệ nhân để sáng tạo lại đồ chơi truyền thống. Cô Kavea D. Guptaa, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Đồ chơi Bombay, chuyên bán đồ chơi Waldorf bằng gỗ là một trong số đó. Khi bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình vào năm 2020, cô đã làm việc với nhiều nghệ nhân. Một trong số đó là nghệ nhân Kaushiki Agrawal của thương hiệu Lattu Crafting Grandeur (Uttar Pradesh). Cô Guptaa và Agrawal cùng nhau tạo ra một trong những “sản phẩm bán chạy nhất”: một bộ đồ chơi gồm bảy thanh gỗ tinh xảo với nhiều hình dáng, mầu sắc và kích cỡ khác nhau. Agrawal nói: “Tôi nhận ra rằng thay đổi thiết kế là một việc rất lớn, và nó có thể làm cho đồ chơi truyền thống trở nên phù hợp với ngày nay”. Ngoài ra, hãy công bằng với những người làm ra những đồ chơi này. “Nếu bạn cho các nghệ nhân đủ thời gian và tiền bạc, bạn sẽ có được những sản phẩm chất lượng hàng đầu”, cô nói.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quoc-te-hangthang/su-tro-lai-cua-do-choi-truyen-thong-683576/