Sự trở lại của gia tộc Shinawatra
Việc bà Paetongtarn giành kết quả tích cực trong cuộc bầu cử được coi là dấu hiệu cho việc gia tộc Shinawatra chưa hết hy vọng với chính trị.
Pheu Thai vừa là một trong hai đảng đối lập giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan, đưa đảng này và gia tộc Shinawatra trở lại tâm điểm chính trường.
Theo kết quả đã được xác nhận trong cuộc bỏ phiếu hôm 14/5, đảng Move Forward (Tiến lên) của chính trị gia trẻ tuổi Pita Limjaroenrat giành chiến thắng cao nhất với 151 ghế trong Hạ viện. Xếp thứ hai chính là đảng Pheu Thai với gương mặt lãnh đạo trẻ khác là bà Paetongtarn Shinawatra giành được 141 ghế.
Đáng chú ý là bà Paetongtarn không phải là gương mặt xa lạ vì nữ chính trị gia sinh năm 1986 này chính là con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và cháu cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Chủ tịch đảng chiến thắng Move Forward đã họp bàn với Pheu Thai và các đảng khác về việc lập chính phủ liên minh sắp tới. Vị trí của Thủ tướng Thái Lan sẽ được chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tổng hợp của 500 Hạ nghị sĩ được bầu và 250 thành viên của Thượng viện do quân đội chỉ định.
Do không có đảng nào dành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vừa qua nên cuộc bỏ phiếu chọn Thủ tướng sắp tới được dự đoán sẽ diễn ra vô cùng gay gắt. Nguyên nhân là do Thủ tướng Thái Lan tương lai phải nhận được sự chấp thuận của hơn một nửa trong tổng số 750 nghị sĩ Quốc hội (gồm Thượng viện và Hạ viện).
Do vậy, một đảng chính trị cần thu được ít nhất 376 phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu chung từ cả hai viện, hoặc chỉ từ 500 phiếu bầu của Hạ viện, để ứng viên của đảng đó trở thành thủ tướng và thành lập chính phủ.
Dù cũng được coi là một trong những ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Thủ tướng Thái Lan, nhưng cơ hội bà Paetongtarn Shinawatra giành chiến thắng được cho là không nhiều vì đảng của bà chỉ về thứ hai trong cuộc bầu cử.
Với các chính sách dân túy bao gồm tăng mức lương tối thiểu 70% vào cuối nhiệm kỳ 4 năm và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên mức trung bình 5% hàng năm, đảng Pheu Thai của gia tộc Shinawatra đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ tầng lớp lao động ở nông thôn và thành thị Thái Lan.
Những thành tựu trước đây của hai cựu thủ tướng Thái Lan là thành viên trong gia tộc Shinawatra bao gồm ông Thaksin và em gái là bà Yingluck cũng góp phần tạo giúp Pheu Thai giành được sự ủng hộ của cử tri vừa qua.
Gia tộc danh giá này bắt đầu xây dựng tầm ảnh hưởng từ ông Chiang Sae Khu - ông nội của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã phất lên nhờ nghề buôn bán tơ lụa.
Sau khi chuyển tới Chiang Mai, đổi sang họ Shinawatra và tăng cường liên kết với các thương gia địa phương khác, công việc kinh doanh của gia tộc được mở rộng sang các ngành nghề vận tải và bán lẻ, đồng thời tham gia vào chính trường.
Sự nghiệp chính trị nổi bật nhất của gia tộc này thuộc về ông Thaksin và em gái là bà Yingluck. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của gia tộc này luôn có kết cục không tốt đẹp.
Ông Thaksin Shinawatra từng giữ chức Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 nhưng bị lật đổ sau cuộc đảo chính của quân đội vào năm 2006. Tới năm 2011, bà Yingluck Shinawatra trúng cử trở thành Thủ tướng Thái Lan nhưng tiếp tục bị quân đội đảo chính và lật đổ vào năm 2014.
Tuy nhiên, việc bà Paetongtarn giành kết quả tích cực trong cuộc bầu cử được coi như một dấu hiệu thể hiện cho việc gia tộc Shinawatra chưa hết hy vọng với chính trị. Cơ hội để bà nối tiếp truyền thống gia đình trở thành Thủ tướng Thái Lan là chưa rõ ràng nhưng cũng đủ để đưa gia tộc Shinawatra một lần nữa trở lại chính trường.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/su-tro-lai-cua-gia-toc-shinawatra-post638998.html