Sự trở lại của trà sữa trân châu ở Trung Quốc
Trà sữa trân châu - xu hướng đồ uống đã quá quen thuộc với người dân châu Á - được dự báo sẽ có một sự bùng nổ ngoạn mục ở Trung Quốc trong năm 2021.
Trà - loại thức uống vốn gắn liền với bề dày lịch sử của Trung Quốc - trong nhiều năm trở lại đây đã bị thay thế bởi sự thống trị của cà phê trong thị phần nước giải khát lẫn thị hiếu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng giới đầu tư sẽ đổ xô rót vốn vào loại thức uống này do sự bùng nổ trở lại của cơn sốt trà sữa trân châu.
Về phía cà phê, bất chấp sự sụt giảm lượng tiêu thụ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Starbucks cùng với mô hình thưởng thức cà phê của mình vốn đã tạo được tiếng vang lớn ở Thượng Hải và khắp thị trường Trung Quốc.
Vào 12/2017, Starbucks Reserve Roastery được khai trương ở Thượng Hải với diện tích gần 3000 m2 - chi nhánh lớn nhất thế giới của hãng, cho đến khi bị Starbucks Tokyo qua mặt vào 2019.
Sự thành công của thương hiệu ngoại nhập này đã mời gọi nhiều đối thủ nội địa tới cạnh tranh và cùng xâu xé thị trường cà phê, nước giải khát.
Trong đó, Luckin Coffee là thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất bởi nó đã “bùng nổ” khắp Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Những mảnh thị phần còn lại được chia nhau bởi McDonald’s, KFC và một số thương hiệu địa phương khác.
Khi mà thị phần cà phê đang dần bão hòa, thì những viên trân châu dẻo tròn bắt đầu quay trở lại thị trường Trung Quốc như một làn sóng mới mạnh mẽ hơn.
Kể từ khi việc thêm những viên bột dẻo vào trà sữa được giới thiệu ở Đài Loan vào năm 1997, sức tiêu thụ đồ uống này ở Trung Quốc đã đạt gấp năm lần cà phê.
Theo ước tính của China Merchants Securities, số lượng cửa hàng đăng ký kinh doanh sản phẩm trà sữa trân châu đã tăng 74% trong năm 2018.
Đến cuối tháng 6/2020, dù bị ảnh hướng bởi đại dịch Covid-19, số lượng cửa hàng trà sữa ở Trung Quốc cũng chỉ giảm nhẹ và trà sữa trân châu vẫn là món bán chạy nhất ở hầu hết mọi nơi.
Muốn tạo một thương hiệu trà sữa ở Trung Quốc là không khó, tuy nhiên để có thể trụ vững và thực sự gây tiếng vang là điều không hề dễ dàng.
Một số cái tên nổi tiếng với thức uống chính là trà sữa trân châu có thể kể tới như: Heytea, Nayuki, Guming.
Gần đây, Heytea được định giá 2.5 tỉ USD sau khi huy động được thêm 95 triệu USD từ các nhà đầu tư như Hillhouse Capital và Coetue Management.
Được sáng lập bởi Nie Yunchen 8 năm về trước, Heytea hiện có gần 600 cửa hàng khắp Trung Quốc.
Nayuki, một đối thủ cạnh tranh trẻ tuổi hơn với 350 cửa hàng, cũng đã có được thêm 100 triệu USD trong đợt huy động vốn gần đây.
Còn Guming Milktea được xem là một thương hiệu mới nổi khác đang được yêu thích tại quốc gia này.
Những con số này cho thấy các nhà đầu tư đang nhìn ra được sự trở lại mạnh mẽ của trà sữa trân châu vào năm 2021.
Không giống cà phê - thứ vốn đã trở thành biểu tượng cho giới văn phòng ở Trung Quốc, trà sữa trân châu thu hút đối tượng khách hàng trẻ tuổi hơn.
Những người trẻ này sẵn sàng trả từ 20-40 nhân dân tệ (3-6 USD) cho một cốc trà sữa trân châu thêm kem phô mai hoặc mứt trái cây.
Sức hút đối với Thế hệ Z này cũng khiến các thương hiệu trà sữa trân châu trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư độc lập vốn đang thống trị dòng vốn.
Ngoài ra, các thương hiệu nhà hàng, quán ăn khác vốn nhắm vào cùng đối tượng khách hàng cũng có được kết quả kinh doanh thuận lợi.
Một ví dụ điển hình là giá cổ phiếu của chuỗi cửa hàng lẩu Haidilao International đã tăng gấp ba lần tính đến giữa tháng 12, kể từ khi phát cổ phiếu công chúng lần đầu (IPO) vào năm 2018.
Đó là một dấu hiệu tích cực cho Heytea và các thương hiệu trà sữa cùng ngành, được dự đoán sẽ có thể dễ dàng được định mức giá cổ phiếu ngang với Starbucks.
Trên thực tế, làn sóng trà sữa trân châu đang trở lại mạnh mẽ tới mức các chủ đầu tư cũng đang có những biện pháp phòng hờ như nhắm vào thị trường espresso và cappuccino.
Theo dự đoán, cà phê sẽ có thể “phản công” lại vào cuối năm 2021, khi mà bong bóng trà sữa trân châu đã được thổi phồng hoàn toàn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-tro-lai-cua-tra-sua-tran-chau-o-trung-quoc-post1166366.html