Sự trở lại của 'vó ngựa' Bình Định

Sau chiến thắng trước Phố Hiến trên sân nhà Quy Nhơn, Bình Định đã có cú nước rút ngoạn mục để đăng quang ngôi vô địch hạng nhất 2020 và chính thức trở lại V.League mùa tới, sau 12 năm đằng đẵng ngụp lặn ở giải hạng Nhất, hạng Nhì.

Sau chiến thắng trước Phố Hiến trên sân nhà Quy Nhơn, Bình Định đã có cú nước rút ngoạn mục để đăng quang ngôi vô địch hạng nhất 2020 và chính thức trở lại V.League mùa tới, sau 12 năm đằng đẵng ngụp lặn ở giải hạng Nhất, hạng Nhì.

1. Hơn một thập kỷ thăng trầm trôi qua, sân Quy Nhơn mới lại thấy cảnh tượng hơn 15.000 khán giả lấp kín các khán đài để chứng kiến ngày lên hạng của đội bóng đất võ. Người hâm mộ bóng đá Bình Định cho thấy cơn khát bóng đá cháy bỏng và vẫn luôn chờ ngày đội bóng thân yêu trở lại với sân chơi cao nhất Việt Nam. Đã có lúc họ rất gần V.League, nhưng cũng có lúc suýt xuống hạng Nhì. Bước ngoặt đến với bóng đá Bình Định có lẽ là sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh.

Ban đầu đội bóng chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí để tham gia mùa giải 2019 khoảng 10 tỷ đồng cho đội lớn và năm tỷ đồng cho các tuyến trẻ, trước khi tìm được nhà tài trợ mới. Năm đó, Bình Định cán đích thứ 11/12 tại giải hạng Nhất nhưng nó lại làm cho mối lương duyên giữa Bình Định và Hưng Thịnh đơm hoa kết trái. Bình Định đã nhận được lệnh phải thăng hạng V.League 2021 và khoản tài trợ ước chừng 40 tỷ đồng đã giúp đội chủ sân Quy Nhơn “lột xác” tại sân chơi hạng Nhất. HLV Nguyễn Đức Thắng được đưa về, lực lượng được thay mới gần như toàn bộ. Dù gặp biến cố khi CLB HAGL gọi trở lại tám cầu thủ đang cho mượn tại CLB Bình Định. Nhưng chỉ trong hơn một tháng, HLV Đức Thắng đã gấp rút hỏi mượn bổ sung quân số chất lượng từ Viettel, Thanh Hóa, Hà Nội... và mời về nhiều cầu thủ từng thi đấu ở V.League.

Tuy nhiên, Bình Định lại nhập cuộc vô cùng tệ hại và đã có lúc họ cảm thấy mục tiêu vô địch xa tầm với và nghĩ đến chuyện gác lại đích nhắm lên V.League ở mùa giải tới. Nhưng trong nỗ lực không biết mệt mỏi cùng việc những đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Bà Rịa Vũng Tàu, Sanna Khánh Hòa hay Phố Hiến liên tiếp hụt bước ở những vòng đấu quyết định, Bình Định đã tận dụng thành công cơ hội để vươn lên và có chặng nước rút ấn tượng trước khi đăng quang ngoạn mục với chuỗi chín trận bất bại liên tục.

2. Trong quá khứ, bóng đá Bình Định từng tận hưởng những năm tháng ngọt ngào sau khi thăng hạng V.League 2001 - 2002. Bình Định từng có mặt trong tốp bốn mùa giải 2002, 2003; vô địch Cúp quốc gia 2004, 2005; từng đại diện Việt Nam dự AFC Champions League 2005, HCĐ V.League 2006, á quân Cúp quốc gia 2007... Nhưng khi nhà tài trợ rút lui thì bóng đá đất võ bắt đầu “gặp biến”. Kết thúc V.League 2008, Bình Định phải nhận vé xuống hạng Nhất và không dừng ở đó, họ còn “tuột dốc” xuống giải hạng Nhì 2015. Mất ba năm chơi ở hạng Nhì, Bình Định mới có thể lên chơi ở giải hạng Nhất 2018 và lúc này đã trở lại V.League 2021.

Để chuẩn bị cho mùa giải mới, Bình Định chắc chắn sẽ phải “thay máu” lực lượng. Đội bóng đất võ hiện tại không có nhiều cầu thủ hay trưởng thành từ lò đào tạo của địa phương, các tuyến trẻ đào tạo cũng không tốt. Nòng cốt là những cầu thủ đi mượn từ các đội bóng khác như Lê Thanh Bình, Nguyễn Hữu Thắng... với số lượng lên đến 10 người. Sau khi có kỷ niệm đẹp, họ có tiếp tục khoác áo Bình Định dự V.League 2021 hay không chưa thể nói trước. Ngay cả tương lai của HLV Nguyễn Đức Thắng vẫn còn bỏ ngỏ. Đội bóng sẽ phải làm lại rất nhiều việc từ khâu nhân sự đến cơ sở vật chất, đào tạo trẻ... để đáp ứng tiêu chí CLB chuyên nghiệp.

Đa số các CLB vừa thăng hạng V.League thường phải chật vật trụ hạng hoặc xuống hạng ngay mùa giải sau đó. Sau niềm vui, những bộn bề lo toan sẽ được tính toán cho mùa giải năm sau. Có lẽ điều mà Bình Định cần nhất bây giờ chính là sự hậu thuẫn, cam kết lâu dài của nhà tài trợ. Bởi khi lên V.League, chi phí để xây dựng đội hình, cơ sở vật chất sẽ không dừng lại ở con số 40 tỷ đồng như cho chiến dịch thăng hạng. CLB buộc phải “lột xác” một lần nữa cùng với sắm ít nhất ba ngoại binh và có thể là một cầu thủ nhập tịch để bảo đảm trụ lại V.League. Bóng đá Bình Định từng chứng kiến không ít nhà tài trợ đến rồi đi sau khi thỏa mãn các yêu cầu ngoài bóng đá. Ngựa ô “tung vó” tại V.League đã trở thành sự thật, nhưng làm sao để trụ lại cuộc đua đầy khốc liệt này là việc không hề dễ dàng.

Bóng đá Bình Định (áo cam) trở lại V.League với không ít thách thức. Ảnh: KHẢ HÒA, ĐỨC ĐỒNG

Bóng đá Bình Định (áo cam) trở lại V.League với không ít thách thức. Ảnh: KHẢ HÒA, ĐỨC ĐỒNG

ANH MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/the-thao-hangthang/su-tro-lai-cua-vo-ngua-binh-dinh-626213/