Sự trỗi dậy của làn sóng mua sắm lén lút
Evan Elkowitz (ở Old Westbury, New York, Mỹ) đã nghĩ ra một kế hoạch hoàn hảo để mang quần áo, túi xách và giày dép mới mua về nhà mà không bị phát hiện. Cô vào nhà qua cửa sau, giấu các túi hàng sau tủ quần áo hoặc đặt chúng vào giỏ đựng đồ. Đêm đến, khi chồng và các con đã ngủ say, cô mới cất những món đồ mới mua vào tủ, làm như thể chúng đã ở đó từ lâu.
Giấu bạn đời về các khoản mua sắm
Elkowitz chi tiêu cho việc mua sắm bằng thu nhập từ công việc làm thiết kế và tạo mẫu. Dù có khả năng tài chính, cô vẫn cảm thấy áy náy khi chi quá nhiều tiền cho mua sắm quần áo.
Khách hàng của Elkowitz cũng hành động tương tự. Họ thường để lại những món đồ mới trong cốp xe hoặc gara thay vì mang vào nhà để tránh bị người thân chú ý. Một phụ nữ thậm chí còn thay đôi giày mới mua ở trong xe trước khi vào nhà, như thể đã mua chúng từ lâu.
Mỹ là quốc gia theo chủ nghĩa tiêu dùng. Nhưng bất đồng quan điểm về việc nên mua gì và nên chi bao nhiêu tiền cho việc mua sắm có thể dẫn đến xung đột giữa các cặp đôi. Một khảo sát thực hiện bởi Circuit, công ty sản xuất phần mềm lập kế hoạch tuyến đường cho dịch vụ giao hàng, vào tháng 10 năm ngoái ở hơn 1.000 người Mỹ, cho thấy gần 2/3 số người thừa nhận đã giấu bạn đời về các khoản mua sắm trong năm qua.
Chuyên gia tâm lý Cali Estes cho rằng, để quản lý chi tiêu hiệu quả, các cặp đôi nên phân bổ số tiền cố định mỗi tháng cho chi tiêu cá nhân mà không cần người kia đồng ý. Cách này giúp mua sắm trong một giới hạn nhất định mà không gây ra mâu thuẫn hoặc căng thẳng về tài chính.
Ngay cả những cặp đôi có tài chính tốt, những hành vi như che giấu các khoản mua sắm cũng có thể ảnh hưởng đến lòng tin về nhau. Estes giải thích rằng nếu một trong hai người nói dối về việc mua thứ gì đó như giày dép, thì người kia có thể sẽ nghi ngờ rằng, bạn đời của mình cũng có thể đã che giấu điều gì khác.
Không chỉ có ở phụ nữ…
Lén lút mua sắm là một chuyện nhưng khi hóa đơn thẻ tín dụng đến thì sao? Julia Mather, giám đốc một công ty bảo hiểm, cho biết cô thường mua sắm nhiều món đồ cùng thời điểm với các khoản thanh toán khác như hóa đơn thuế hoặc bảo hiểm. "Khi chồng tôi hỏi tại sao hóa đơn thẻ tín dụng lại cao như vậy, tôi sẽ nói: Chúng ta phải trả tiền bảo hiểm mà", người phụ nữ 49 tuổi cho biết.
Thậm chí, một số người đang sử dụng dịch vụ mua trước trả sau để che giấu những khoản chi lớn. Tại một cuộc họp của các giám đốc bán lẻ do công ty dịch vụ tài chính Affirm tổ chức cách đây vài năm, một nhà bán lẻ hàng xa xỉ cho biết, khách hàng đang chia nhỏ các giao dịch mua túi xách thành 12 đợt trả góp hàng tháng bằng nhau, thay vì thanh toán một lần bằng thẻ tín dụng. Điều này giúp tránh sự chú ý vào chi phí cao của các mặt hàng.
Mua sắm lén lút không chỉ có ở phụ nữ. Khi Joe Abruzzese là chủ tịch bộ phận bán hàng và tiếp thị tại một công ty truyền hình cáp, ông đã yêu cầu gửi những món đồ hàng hiệu mình đã mua đến văn phòng. Khi về nhà, vợ của Abruzzese hỏi những món đồ có phải mới mua không. Và câu trả lời của ông là "Không. Tôi đã mua lâu rồi mà".
Scott McGraw, đồng nghiệp của Abruzzese, thậm chí còn gửi cả tá áo sơ mi mới đến tiệm giặt ủi trước khi mặc. Khi ông mang áo được đóng gói và bọc giấy kính về nhà, vợ ông không nhận ra chúng là đồ mới. "Tôi cảm thấy ngại khi mua quá nhiều đồ một lúc. Tôi làm như vậy để không phải trả lời câu hỏi nào khi về nhà", McGraw nói.
Cả Abruzzese và McGraw hiện đã nghỉ hưu. Abruzzese, 76 tuổi, vẫn tiếp tục thói quen mua sắm của mình bằng cách đặt may áo sơ mi từ các tiệm may. Tuy nhiên, vì không còn văn phòng để giấu những món đồ mới nên ông phải thú nhận thói quen mua sắm của mình với vợ. "Tôi đã phải nói ra hết mọi chuyện", Abruzzese nói.
Nguồn: Wall Street Journal