Sự trỗi dậy của phim kinh dị Việt và bài toán giữ chân khán giả
Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2025, ít nhất 9 phim kinh dị Việt đã được công chiếu, bao gồm: 'Đèn âm hồn', 'Quỷ nhập tràng', 'Dưới đáy hồ', 'Tìm xác', 'Âm dương lộ', 'Năm mười', 'Nhà gia tiên', 'Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu' và 'Út Lan: Oán linh giữ của'… Tuy số lượng áp đảo nhưng chất lượng lại không đồng đều.
Từ đầu năm 2024 đến giữa năm 2025, màn ảnh rộng Việt Nam chứng kiến làn sóng phim kinh dị bùng nổ với tần suất chưa từng có. Nếu trước đây thể loại này chỉ xuất hiện nhỏ giọt vào mùa lễ hoặc Halloween như một "gia vị lạ", thì hiện tại, phim kinh dị đang trở thành “xương sống” doanh thu của nhiều cụm rạp – dù đi kèm với nó là những tranh cãi không dứt về chất lượng và tính sáng tạo.
Khi phim kinh dị áp đảo phòng vé Việt năm 2025
Cột mốc đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của phim kinh dị Việt là thành công vang dội của “Quỷ cẩu” vào đầu năm 2024. Bộ phim không chỉ phá mốc 100 tỷ đồng – điều hiếm gặp với phim nội địa – mà còn kích hoạt làn sóng các dự án “ăn theo” thể loại tâm linh – giật gân liên tiếp ra rạp.

Phim "Dưới đáy hồ"
Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2025, ít nhất 9 phim kinh dị Việt đã được công chiếu, bao gồm: “Đèn âm hồn”, “Quỷ nhập tràng”, “Dưới đáy hồ”, “Tìm xác”, “Âm dương lộ”, “Năm mười”, “Nhà gia tiên”, “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” và “Út Lan: Oán linh giữ của”… Tuy số lượng áp đảo nhưng chất lượng lại không đồng đều.
Một số phim như “Đèn âm hồn” và “Quỷ nhập tràng” đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, nhưng vẫn vấp phải nhiều ý kiến chê bai về kịch bản rời rạc và diễn xuất hời hợt. “Dưới đáy hồ” được kỳ vọng bởi đề tài song trùng nhưng nhanh chóng gây thất vọng vì kỹ xảo sơ sài và câu chuyện thiếu chiều sâu. “Năm mười” và “Âm dương lộ”, dù mang màu sắc khác biệt – thiên về tâm lý hoặc hành trình – đều bị đánh giá là sa đà vào chiêu trò, không thuyết phục được người xem.
“Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” là trường hợp hiếm hoi vừa thành công thương mại với 239 tỷ đồng, vừa nhận được phản hồi tích cực nhờ yếu tố trinh thám – kinh dị được kết hợp mạch lạc, nhân vật có chiều sâu. Trong khi đó, “Út Lan: Oán linh giữ của” – dù còn gây tranh cãi về diễn xuất – lại ghi điểm nhờ không khí dân gian rùng rợn đặc trưng và thông điệp ẩn dụ, hiện đã thu về gần 90 tỷ đồng.

Phim "Út Lan: Oán linh giữ của"
Giai đoạn cuối năm 2025 hứa hẹn vẫn sẽ là “mùa phim kinh dị” với nhiều tựa phim được quảng bá rầm rộ: “Hoàng Tử Quỷ” (đạo diễn Trần Hữu Tấn, chuyển thể tiểu thuyết), “Làm giàu với ma 2” (tiếp nối phần một từng gây tiếng vang), “Heo năm móng” (thuộc vũ trụ linh dị của Võ Thanh Hòa), “Cô dâu ma” (hợp tác Việt – Thái, diễn viên chính Rima Thanh Vy và JJ Krissanapoom), “Nhà ma xó, Nhà ma Yeong Deok” (dự án hợp tác Việt – Hàn).
Dù phong phú về hình thức và thị trường, nhiều người xem vẫn đặt dấu hỏi về nội dung: liệu các phim mới có vượt thoát khỏi mô-típ cũ, hay tiếp tục đi vào “vết xe đổ” của các phim trước đó?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.Ảnh: VTV
Trước tình trạng "phát triển nóng", không ít khán giả bắt đầu tỏ ra hoài nghi. Một bộ phận công chúng cho rằng các nhà làm phim đang lạm dụng yếu tố tâm linh dân gian để câu khách, nhưng lại thiếu đầu tư vào nội dung và kỹ thuật, khiến phim dễ rơi vào lối mòn.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện tượng này là quy luật thị trường. Điện ảnh tư nhân phát triển theo quy luật này. Chỉ khi nào khán giả chán, không xem nữa thì các nhà sản xuất khắc ngừng lại”. Bà cũng lưu ý: “Vấn đề cần phải xem xét là các phim này có giá trị nhân văn nào không hay chỉ thuần túy giải trí?... Nếu thực như thế, thì chuyện giải quyết vấn đề lại thuộc về sự điều tiết của cơ quan chức năng”.
Về nguyên nhân khiến các nhà sản xuất “ưu ái” dòng phim này, bà Nhã cho rằng: “Việc cho nhập ồ ạt phim kinh dị (ma) của Thái Lan và Hàn Quốc là một cú mồi, khiến các nhà sản xuất và tác giả phim cho rằng đó là trào lưu lạ có thể hốt bạc... Cái gì quá cũng nhàm. Rồi chính khán giả sẽ là người điều tiết, thanh lọc quyết liệt nhất”.
Không ít nhà chuyên môn lo ngại việc chạy theo phong trào sẽ dẫn đến trùng lặp ý tưởng, mô-típ cũ, thiếu tính sáng tạo. Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thanh Nhã, điều này không đáng lo nếu người làm phim đủ hiểu sâu và có bản lĩnh: “Lịch sử Việt Nam, đất nước Việt Nam còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được khai thác... Nếu quan tâm đến những điều này, phim kinh dị Việt sẽ mang màu sắc tâm linh và xây dựng được những hình tượng chí khí ngất trời của người Việt chứ không chỉ… dọa ma”.
Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng: “Về cơ bản, các phim kinh dị của ta làm chưa đạt mức ‘dọa ma’ chứ chưa nói đến những giá trị nhân văn này khác”.
Doanh thu cao – liệu có đồng nghĩa với chất lượng?
Trong khi đó, nhà phê bình điện ảnh Nguyên Lê không phủ nhận số lượng phim kinh dị ra rạp là nhiều, nhưng anh chỉ xem các phim kinh dị là cách mà nhà rạp tạo sự đa dạng ngoài phòng vé thôi, chứ không cố ý làm khán giả phiền lòng hay tạo hiệu ứng bội thực.
Quãng thời gian tôi làm việc ở nước ngoài thì rạp phim đôi khi cũng “tràn ngập” phim kinh dị, hay đúng một thể loại phim thôi. Nhưng thường thì khán giả vẫn đón nhận do họ biết phim kinh dị A này sẽ khác với phim kinh dị B, và xuyên suốt hành trình của phim, từ công bố đến quảng bá đến ra mắt, thì ê-kíp luôn biết gây tò mò, không vội “khoe” hết. Việc các rạp nước ngoài có “mùa phim kinh dị” hay có các sự kiện “tuần lễ kinh dị” đều rất ư bình thường”, anh chia sẻ.

Phim "Quỷ nhập tràng"
Theo nhà phê bình Nguyên Lê, các ý tưởng thuộc thể loại này thường xuất phát từ ranh giới giữa cái thường nhật và cái phi thường – điều đó khiến chỉ cần nghe qua đã đủ tạo sự hiếu kỳ. Trong khi đó, với những thể loại khác, khán giả hoặc nhà đầu tư thường phải biết thêm nhiều yếu tố – như diễn viên chính là ai, bối cảnh ra sao, mức đầu tư thế nào – thì mới cảm thấy hứng thú.
Ngoài ra, yếu tố chi phí sản xuất cũng là một lợi thế. Anh nhận định: “Kinh dị là một thể loại khá ‘dễ chịu’, tức là không nhất thiết đòi hỏi con số phải ở một tầm nào đó thì mới có một tác phẩm đủ chất. Chúng ta vẫn sẽ có một phim kinh dị với số vốn bằng với “Paranormal Activity” phần 1 (gần 250 nghìn USD), hay bằng với “Crimson Peak” (gần 50 triệu USD)”. So với những thể loại cần mức đầu tư ở một điểm nhất định như thần thoại, hành động hay khoa học viễn tưởng, kinh dị rõ ràng là “mỏ vàng” dễ khai thác hơn – ít nhất là ở mặt thương mại và khả năng sinh lời.
Tuy nhiên, điều anh nghĩ cần được đặt câu hỏi và đào sâu hơn chính là chất lượng, chứ không chỉ đơn thuần là số lượng. Đội ngũ sáng tạo nên thật sự trả lời được những câu hỏi như: đề tài đã đủ khác biệt chưa? Lối kể đã tránh được vòng lặp chưa?...
Nguyên Lê cho rằng việc “phong trào hóa” thể loại kinh dị chưa hẳn là tiêu cực, miễn là nhà làm phim có định hướng rõ ràng và hiểu bản chất dự án của mình: “Cái chúng ta xem là ngập tràn sẽ không là thế nếu ê-kíp có định hướng rõ ràng hơn, và từ đó hiểu rõ những nhu cầu của dự án trong thể loại này hơn”.
Anh cũng chỉ ra điểm yếu cố hữu của dòng phim kinh dị Việt: thiếu đầu tư chiều sâu cho các khâu then chốt như âm thanh, hóa trang, và cách dựng phim. “Các phim và các dự án đều đang ghi điểm cao vì sẵn lòng đào sâu và tiếp cận văn hóa một cách thú vị... Tuy nhiên, nhiều yếu tố then chốt vẫn còn chờ giây phút được đầu tư đúng mức để phim kinh dị thực sự có chất kinh dị”, anh nói.

Nhà phê bình Nguyên Lê. Ảnh: NVCC
Nhiều bộ phim bị đánh giá kịch bản kém, kỹ xảo lỗi, diễn xuất yếu vẫn có thể đạt doanh thu hàng chục tỷ. Nguyên Lê cho rằng đó là nhờ tâm lý tò mò và niềm hy vọng: “Khán giả vẫn nuôi hy vọng được xem một phim kinh dị Việt Nam tốt - thậm chí có tiềm năng trình chiếu và tạo dấu ấn ở nước ngoài”.
Tuy nhiên, nếu chất lượng phim không cải thiện, sự kỳ vọng này có thể nhanh chóng biến thành thất vọng và quay lưng. Tình trạng “truyền thông mạnh – chất lượng yếu” đã xuất hiện nhiều lần, và nếu tiếp diễn, sẽ làm xói mòn niềm tin của công chúng vào thể loại này.
Trào lưu phim kinh dị là minh chứng cho sự vận động mạnh mẽ của thị trường điện ảnh Việt. Nhưng để dòng phim này phát triển bền vững, nhà làm phim cần bước ra khỏi “vùng an toàn” và đầu tư thật sự vào kịch bản, kỹ thuật, và triết lý kể chuyện.
Như lời nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: “Nếu quan tâm đến lịch sử, văn hóa, tâm linh một cách sâu sắc, phim kinh dị Việt có thể mang lại nhiều giá trị hơn là chỉ để dọa người”.
Còn nếu cứ tiếp tục chạy theo thị hiếu nhất thời, thì chính khán giả – với quyền lực chọn lựa của mình – sẽ là người thanh lọc quyết liệt nhất.