Sự trỗi dậy của tiểu thuyết thể thao

Sau thời kỳ nở rộ ban đầu hướng tới độc giả vị thành niên, tiểu thuyết thể thao một lần nữa được 'phục hưng', mở rộng thêm đối tượng độc giả là người trưởng thành, theo Esquire.

Trong phần lớn lịch sử của mình, tiểu thuyết thể thao phương Tây là những câu chuyện đầy cảm hứng dành cho các chàng trai, chứa đầy những lời dạy về đạo đức và những anh hùng không bao giờ thua.

Khởi nguồn từ chủ nghĩa ‘anh hùng siêu thực’

Nguyên mẫu của hình tượng này là câu chuyện về Frank Merriwell, một sinh viên Đại học Yale với thành tích vượt trội, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Tip Top Weekly từ năm 1896 đến năm 1914, và sau đó được xuất bản thành hàng trăm cuốn tiểu thuyết.

 Merriwell là nguyên mẫu của "siêu nhân thể thao" Mỹ. Ảnh: Wiki.

Merriwell là nguyên mẫu của "siêu nhân thể thao" Mỹ. Ảnh: Wiki.

Sống sạch sẽ và trung thực, Frank xuất sắc trong hầu hết môn thể thao. Sự nổi tiếng của các cuốn sách về Merriwell, do tác giả Gilbert Patten viết dưới bút danh Burt L. Standish, đã dẫn đến nhiều loạt truyện tương tự do Edward L. Stratemeyer, Zane Grey và Ralph

Theo Paul Aron, tác giả của The Lineup: Ten Books That Changed Baseball, “điểm chung của những cuốn sách này là chúng được viết cho nam giới tuổi vị thành niên và giàu tính truyền cảm hứng. Những người anh hùng của họ quá giỏi, cả về mặt thể thao và đạo đức. Sự hoàn hảo này dường như khó có được trong thực tế”.

Vị thế độc tôn của những câu chuyện trên dần thay đổi nhờ sự can thiệp của Ring Lardner, một nhà báo của tờ Chicago Tribune, người đã xuất bản một loạt câu chuyện hài hước trên tờ The Saturday Evening Post từ năm 1914. Những câu chuyện này được viết từ góc nhìn của Jack Keefe, một cầu thủ bóng chày trẻ tuổi, ngây thơ và tự cao khi viết thư cho một người bạn ở quê nhà Indiana. Trong khi Keefe không quá xấu xa, nhưng sự khoe khoang và buông thả bản thân khiến con đường đến với các giải đấu lớn của nhân vật này không thể thành công.

Tuy nhiên, dù những câu chuyện của Lardner rất phổ biến và có ảnh hưởng với độc giả, chúng không hoàn toàn được giới tác gia chú ý. Và đó là lý do câu hỏi: Làm thế nào để chuyển thể loại truyền thống dành cho những cậu bé tuổi vị thành niên thành một thể loại có thể nói lên cuộc sống của người lớn đương đại? vẫn là điều trăn trở của nhiều nhà văn viết tiểu thuyết thể thao.

Nhìn thực tại từ cánh cửa thể thao

Bernard Malamud cũng suy nghĩ về điều đó và đã có câu trả lời khi ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, The Natural, vào năm 1952. Theo đó, Malamud cho rằng: Để nâng cuốn sách vượt lên vai trò giải trí đơn thuần dành cho học sinh, một số yếu tố văn học “làm phong phú thêm chủ đề” cần được đưa vào.

 Cuốn sách được coi là một bước ngoặt trong tiểu thuyết thể thao. Ảnh: Esquire.

Cuốn sách được coi là một bước ngoặt trong tiểu thuyết thể thao. Ảnh: Esquire.

Ông đã làm điều đó rất thành công khi nhân vật chính Roy Hobbs trong The Natural không chỉ khắc họa một người anh hùng của đội bóng chày mà còn đặt ra những câu hỏi hóc búa về bản chất của chủ nghĩa anh hùng khi đối mặt với một xã hội nhiều điều xấu vào giữa thế kỷ 20.

Với cách tiếp cận này, The Natural là một bước ngoặt cho tiểu thuyết thể thao. Như Aron lưu ý, “Sau The Natural, các tiểu thuyết gia nghiêm túc không còn ngại khi viết về thể thao”. Năm 1953, cuốn tiểu thuyết thể thao giàu tính văn học hiện thực hơn của Mark Harris, The Southpaw, đã được ra mắt.

Bước vào những năm 1960-1970, tiểu thuyết thể thao dần ra mắt nhiều hơn và phản ánh rõ nét hơn sự biến động của xã hội Mỹ. Trong số những cuốn sách thể thao Mỹ nổi tiếng nhất thời kỳ đó có Ball Four của Jim Bouton năm 1970, đầy châm biếm nhưng đáng yêu về thế giới bóng chày hay lời tường thuật Out of their League của cựu ngôi sao bóng bầu dục Dave Meggyesy về quyết định rời giải NFL.

Và cả cuốn Semi-Tough năm 1972 của Dan Jenkins và cuốn North Dallas Forty năm 1973 của Peter Gent cũng đều mang đến cho độc giả một góc nhìn về việc sử dụng ma túy, bạo lực và sự sợ hãi hiện hữu trong một giải bóng bầu dục hàng đầu nước Mỹ.

Ở châu Âu, tiểu thuyết thể thao cũng phát triển mạnh trong khoảng thời gian gần như tương tự, chủ yếu thông qua các cuốn sách có chủ đề về chạy bộ như La Ligne Droite (1956) của Yves Gibeau, The Loneliness of the Long Distance Runner của Alan Sillitoe (1959), và The Olympian của Brian Glanville (1969).

Như nhà lý luận thể thao Allen Guttmann đã lưu ý, trong khi tiểu thuyết Mỹ có xu hướng tập trung vào các môn thể thao đồng đội, thì các nhân vật trong tiểu thuyết châu Âu “thường là các vận động viên cá nhân trong môn chạy bộ, đạp xe, vận động viên bơi lội hoặc chèo thuyền”.

Nếu tiểu thuyết Mỹ vẫn quan tâm đến những câu hỏi về cộng đồng và tập thể, dù chỉ ở khía cạnh tiêu cực, thì các nhà văn Anh và Pháp lại tập trung vào “những người đàn ông cô đơn bị ghẻ lạnh, những người quyết tâm chứng tỏ bản thân trước một thế giới thù địch”.

Sự trỗi dậy của tiểu thuyết thể thao

Sau sự nở rộ vào những năm 1960-1970 ở phương Tây, tiểu thuyết thể thao một lần nữa được quan tâm trong thập kỷ vừa qua, với nội dung ngày càng phong phú và đa dạng.

Bên cạnh những tiểu thuyết có cốt truyện truyền thống như The Art of Fielding của Chad Harbach hay The Damned UtdRed or Dead của David Peace, độc giả cũng nhận thấy nhiều tác phẩm có cách tiếp cận mới như Running, câu chuyện của tác giả người Pháp Jean Echenoz về cuộc đời được phóng đại của vận động viên chạy bộ người Séc Emil Zátopek và Thrown, tác phẩm phóng sự hư cấu đáng kinh ngạc của Kerry Howley về sự nghiệp của hai võ sĩ MMA.

 Tác phẩm ra mắt tháng 3 năm nay. Ảnh: Esquire.

Tác phẩm ra mắt tháng 3 năm nay. Ảnh: Esquire.

Hay gần đây, cũng có sự xuất hiện của nhiều cuốn tiểu thuyết về thể thao dành cho người khuyết tật hay các nhóm yếu thế trong thể thao.

Trong số những tác phẩm quan trọng nhất trong lĩnh vực này là cuốn tiểu thuyết The Throwback Special năm 2016 của Chris Bachelder với những phân tích về sức mạnh của nam vận động viên ở độ tuổi trung niên hay cuốn So Many Olympic Exertions năm 2017 của Anelise Chen kể về nỗi đau đằng sau những chiến thắng thể thao vang dội.

Từ tác phẩm của Chen và gần đây hơn là Headshot của Rita Bullwinkel, câu chuyện về thế giới tinh thần và động lực cố gắng trong thể thao ngày càng được quan tâm.

Trong khi thể thao vẫn tiếp tục phát triển, độc giả cũng có thể kỳ vọng các cuốn tiểu thuyết thể thao trong tương lai chạm đến nhiều vấn đề đương đại hơn nữa, như lượng vốn đầu tư khổng lồ tràn vào lĩnh vực này, sự hợp tác xuyên biên giới ngày càng được mở rộng hay cái giá con người phải trả cho các xu hướng mạnh mẽ như vậy.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/su-troi-day-cua-tieu-thuyet-the-thao-post1486231.html