Sự trưởng thành của nhân lực tay nghề cao Việt Nam tại Nhật Bản
Tính đến tháng 6/2024, khoảng 430.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, ngày càng cho thấy là nguồn nhân lực quan trọng cho sự vận hành của nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc. Điều đáng mừng là nhiều lao động Việt Nam nỗ lực phấn đấu để trở thành lao động tay nghề cao.
Tại xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Eikoh Seisakusho, trong số những lao động Việt Nam đang chăm chú thực hiện các thao tác trên dây chuyền, chúng tôi chú ý đến một phụ nữ trẻ đang chạy đi chạy lại liên tục trong xưởng.
Lúc thì em nhấc một chi tiết nhựa, lúc thì em chỉnh máy, lúc em lại thao tác trên máy tính. Em thực hiện các động tác nhanh thoăn thoắt, tự tin và điềm tĩnh. Giám đốc công ty, ông Tesshigawara Satoru tự hào giới thiệu đó là Nguyễn Thị Yến Nhi, một trong những kỹ sư chủ chốt của công ty.
Yến Nhi làm việc tại công ty này xuất phát từ chương trình thực tập đại học. Em được thực tập 3 tháng tại đây trước khi làm luận văn tốt nghiệp tại Việt Nam. Cảm nhận được một môi trường làm việc hiệu quả và lành mạnh tại Eikoh Seisakusho, sau khi tốt nghiệp, em quyết định trở lại làm việc với tư cách kỹ sư theo lời mời của Giám đốc công ty.
Yến Nhi hồ hởi khoe, em được công ty hỗ trợ rất nhiều, từ việc chi trả toàn bộ chi phí trong thời gian thực tập đến việc hoàn tất các thủ tục để được sang Nhật Bản làm việc. Hài lòng với công việc tại công ty, Yến Nhi bày tỏ mong muốn được gắn bó lâu dài. Vì vậy, không chỉ dừng lại trình độ như hiện nay, Yến Nhi nỗ lực học tập nâng tiếng Nhật lên mức cao nhất để giao tiếp tốt hơn, nhanh hơn với đồng nghiệp Nhật Bản.
Trái ngược với Yến Nhi làm việc trong một môi trường đa số là thanh niên trẻ, Phạm Ngọc Thùy, quê ở Vĩnh Long, là thực tập sinh trong ngành điều dưỡng, làm việc tại cơ sở chăm sóc người già Eikoh ở tỉnh Gunma. Công việc điều dưỡng về cơ bản là sống cùng với các cụ ông, cụ bà cao tuổi không thể tự chăm sóc bản thân.
Các điều dưỡng viên có nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ họ trong sinh hoạt hàng ngày và một điểm rất quan trọng trong nội dung công việc là giao tiếp cùng các cụ, vì thế các thực tập sinh Việt đều phải nỗ lực học thật tốt tiếng Nhật. Đến tháng 6/2024, Ngọc Thùy đã đạt trình độ tiếng Nhật N2, cấp độ cao thứ hai trong ngôn ngữ Nhật Bản. Em quyết tâm phải lấy được chứng chi N1, là cấp độ cao nhất của tiếng Nhật.
Khi nói về thực tập sinh Việt Nam tại nhà dưỡng lão Eikoh, một cụ bà nhỏ nhẹ chia sẻ: “Thực tình tôi thấy gần gũi như con gái của mình. Không hiểu sao nhiều lúc tôi cứ nhầm các em đang làm việc là con gái của mình”. Lời chia sẻ đã khiến cho Ngọc Thùy bật khóc. Em nói rằng em sẽ cố gắng để lấy được chứng chỉ “điều dưỡng viên” trong kỳ thi tay nghề quốc gia của Nhật Bản.
Với Ngọc Thùy, nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ tiếng Nhật không chỉ giúp em trở thành một lao động tay nghề cao, mà còn mở ra cơ hội được gắn bó lâu dài với nơi làm việc, nơi có những đồng nghiệp và những ông, bà người Nhật đã dành cho em sự yêu quý và trân trọng.
Nếu như Yến Nhi và Ngọc Thùy chỉ mới ở Nhật Bản được hai năm, thì Vũ Sĩ Luân làm việc tại nhà máy Sanshin Kogyo thực sự là một “con ong cần mẫn” với một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ kể từ năm 2010. Sĩ Luân sang làm việc tại Nhật Bản với tư cách thực tập sinh vào năm 2010. Quá trình phấn đấu của Luân là sự bền bỉ qua từng giai đoạn, từ lao động tay nghề thấp (thực tập sinh số 2, thực tập sinh số 3) rồi đến lao động tay nghề cao.
Cấp độ 2 là một trình độ khó kể cả đối với lao động Nhật Bản. Đối với người nước ngoài, việc đạt được chứng chỉ nghề N2 không chỉ đòi hỏi hỏi kỹ năng chuyên môn tốt, mà còn yêu cầu cao về tiếng Nhật.
Để đạt được trình độ này, ngoài giờ làm việc, Luân mượn sách chuyên ngành để học các từ chuyên môn về tiếng Nhật với khối lượng từ khá lớn. Vất vả là vậy, nhưng Luân không hề nản chí. Sau N2, Sĩ Luân tiếp tục vừa làm vừa học để đạt trình độ tay nghề cấp độ 1.
Vào đầu tháng 10 vừa qua, Luân đỗ chứng chỉ tay nghề cấp độ 1, cấp độ cao nhất. Với chứng chỉ N1, Luân đã đủ điều kiện về trình độ để đảm nhận vai trò quản đốc trong ngành đúc nhựa tại Nhật Bản. Luân đã được cấp tư cách lưu trú kỹ năng đặc định số 2 ngành nhựa, tư cách visa cao nhất dành cho lao động nước ngoài.
Với visa này, Luân được phép đưa gia đình sang cư trú lâu dài tại Nhật Bản. Qua 14 năm phấn đấu bền bỉ, Luân đã trở thành một lao động tay nghề cao, kết quả này đã mở ra cho Luân cơ hội ổn định công việc và được cùng gia đình sinh sống lâu dài tại Nhật Bản. Những nỗ lực của Luân, Nhi và Thùy đã được ghi nhận.
Cả 3 đã vinh dự được Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu trao tặng giấy khen là Lao động Việt Nam tiêu biểu trong Ngày lao động Việt Nam tại Nhật Bản 2024 được tổ chức vào ngày 8/12.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, bên cạnh 200.000 thực tập sinh kỹ năng đang làm việc, hiện nay, nhân lực Việt Nam tại Nhật Bản có tay nghề cao chiếm tỷ lệ không nhỏ, trong đó có 130.000 lao động theo diện kỹ năng đặc định và khoảng 100.000 người làm việc tại Nhật Bản theo diện Kỹ thuật, Trí thức nhân văn và Nghiệp vụ quốc tế.
Con số này cho thấy sự phát triển về chất trong lực lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản, với sự dịch chuyển cơ cấu từ nhóm lao động tay nghề thấp chiếm đa số, sang sự phân bố đồng đều hơn giữa tay nghề thấp với nhóm lao động tay nghề cao và các nhóm khác.
Thứ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Wanibuchi nhấn mạnh lao động Việt Nam là nguồn nhân lực ưu tú. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Komura Masahiro khẳng định Việt Nam đã trở thành một quốc gia vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản.