Sự tự tin của các nữ doanh nhân Việt Nam
'Phụ nữ tự tin làm kinh tế' là một giải thưởng do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lập ra để khuyến khích chị em lập nghiệp.
“Tự tin” cũng là tiêu chí đứng đầu trong bốn phẩm chất đạo đức tiêu biểu: “tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” mà Hội đã lựa chọn để xây dựng hình ảnh người phụ nữ trong thời đại mới.
Những tín hiệu vui
Tỷ lệ tham gia lao động xã hội và vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế là những chỉ số quan trọng thể hiện nguồn vốn nhân lực của một quốc gia trong phát triển kinh tế. Còn bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế được coi là một trong bốn nhóm tiêu chí chính đo lường khoảng cách về giới ở một đất nước.
Hiện tại, phụ nữ chiếm 50,1% dân số Việt Nam và 46,7% lực lượng lao động cả nước.
Tại nước ta số cơ sở do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 20 - 24% trong tổng số gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo của Grant Thornton là một nghiên cứu quốc tế có uy tín được công bố hằng năm, cho biết tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp ở các nước trên thế giới (tổng giám đốc, giám đốc tài chính hay nhân sự…). Đây là chỉ dấu quan trọng thể hiện năng lực quản lý của doanh nhân nữ và bình đẳng giới trong môi trường làm việc của doanh nghiệp.
Báo cáo Grant Thorton năm 2023 cho biết: Vị trí lãnh đạo do phụ nữ nắm giữ nhiều nhất tại các doanh nghiệp ở Việt Nam là giám đốc nhân sự (chiếm 61%), giám đốc tài chính (chiếm 44%). Đây là mức cao so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.
Trong nhiều năm gần đây Việt Nam liên tục đứng trong top 10 của thế giới về tỷ lệ phụ nữ là lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp. Năm 2019, chỉ số này ở nước ta là 37%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực và thế giới; năm 2021 là 39%, xếp thứ 3 trên thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (sau Philippines); trong các năm 2022 - 2023 là 33% - 34%, vẫn cao hơn so với mức trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.
Có tới 68,6% nữ chủ doanh nghiệp ở Việt Nam đạt trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, trong khi ở nam mức này là 71,9%. Điều này chứng tỏ khoảng cách giới về học vấn và đào tạo đã được cải thiện đáng kể ở nước ta. Các doanh nhân nữ có đầy đủ năng lực trình độ để quản lý doanh nghiệp;
Rào cản về giới
Do những rào cản về văn hóa – xã hội, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam bị hạn chế về quy mô phát triển. Phần lớn đây là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc là các hộ kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức.
Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường tập trung ở các ngành sử dụng nhiều nhân công, tỷ lệ áp dụng công nghệ thấp dẫn đến lợi nhuận không cao và ít khả năng chống đỡ những biến động của nền kinh tế.
Vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về bình đẳng giới trong kinh tế cũng cho thấy những cải thiện về sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế ở nước ta trong thời gian qua phần lớn mới chỉ tập trung ở khía cạnh số lượng, ít biến đổi về chất lượng.
Ở nước ta phụ nữ bắt đầu khởi nghiệp thường gặp khó khăn hơn so với nam giới – khó khăn từ bản thân người phụ nữ và từ xã hội.
Về động cơ khởi nghiệp, phụ nữ chỉ tham gia kinh doanh do yêu cầu của cuộc sống hơn là sự chủ động để tận dung cơ hội và điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh sau này.
Đa số các hoạt động kinh doanh của phụ nữ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và phạm vi kinh doanh hẹp.
Các nữ doanh nhân có ít vốn và ít cả cơ hội tiếp cận các khoản vay, hỗ trợ tài chính. Rất ít phụ nữ khởi nghiệp có được tài sản hữu hình trong tay. Chị em thường không có sở hữu tài sản trên danh nghĩa chính họ để có thể đạt được thế chấp tài sản dùng làm khoản vay ngân hàng. Như vậy khả năng tiếp xúc với các khoản vay của họ bị hạn chế.
Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính cũng thiếu tin tưởng vào khả năng kinh doanh của phụ nữ và không khuyến khích phụ nữ vay. Theo một con số thống kê, chỉ có 37% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam do phụ nữ làm chủ tiếp cận được các khoản vay ngân hàng, so với 47% các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nam giới.
Nhiều chị em khi lập nghiệp thiếu kiến thức, kỹ năng trong kinh doanh như kiến thức quản trị doanh nghiệp, nhân sự, tài chính, marketing…
Họ thường chỉ tập trung vào các điều kiện thành lập doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp vào hoạt động ban đầu mà chưa tính tới các vấn đề phát sinh theo thời gian như quản trị, quản lý tài chính, truyền thông hay xúc tiến thương mại.
Gánh nặng gia đình cũng là một trong các yếu tố quan trọng gây khó khăn cho phụ nữ trong khởi nghiệp kinh doanh vì họ vẫn phải dành nhiều thời gian cho các thành viên trong gia đình và các thành viên phụ thuộc như người già, trẻ em.
Thiên tính của phụ nữ khiến họ thường tránh mạo hiểm trong kinh doanh nên các doanh nghiệp đạt tính ổn định cao nhưng lại thiếu linh hoạt, dễ bỏ qua các cơ hội.
Một yếu tố không thế không tính đến là sự thiếu tự tin của chính phụ nữ khi khởi nghiệp.
Để có được “sự tự tin bền vững”
Nhiều chính sách, luật pháp, chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh đã được Đảng và Nhà nước ban hành và đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, để nữ doanh nhân Việt đạt được sự tự tin thì thực tế đòi hỏi nhiều sự quan tâm cụ thể hơn nữa từ Chính phủ, các cơ quan chức năng và toàn xã hội cũng như sự thay đổi nhận thức từ chính chị em.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Tâm và Thạc sỹ Trịnh Thị Nhuần (Trường Đại học Thương mại) đề xuất các giải pháp như sau:
Chính phủ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ vốn tài chính và vốn phi tài chính để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển bền vững.
Vốn phi tài chính là năng lực nội tại, năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp nữ phát triển, quản trị hiệu quả để phá vỡ rào cản mà không phải trông chờ hỗ trợ từ bên ngoài.
Việc cải cách hành chính cần được tiếp tục để giảm thiểu tối đa các thủ tục, giấy tờ đối với sự khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.
Các nữ doanh nhân cần được thường xuyên tập huấn, đào tạo kiến thức, chẳng hạn như lập kế hoạch kinh doanh, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, quản lý điều hành, marketing, tiếp cận thị trường từ các chuyên gia kinh tế, những nhà kinh doanh thành đạt…
Các nữ doanh nhân cần đầu tư nghiên cứu, xác định kỹ các mục tiêu khởi nghiệp - một trong những yếu tố quyết định khởi nghiệp thành công.
Các nữ doanh nhân cần quản lý thời gian hiệu quả, đảm bảo sắp xếp hài hòa công việc kinh doanh và công việc gia đình.
Chính các nữ doanh nhân phải phát huy vai trò tiên phong trong việc cải thiện định kiến của xã hội về sự “liễu yếu đào tơ”.