Sự tức giận có hoàn toàn xấu?

Những cơn tức giận ngắn có tác động tiêu cực lên chức năng của mạch máu, mất ngủ, đau đầu, rối loạn cảm xúc... Tuy nhiên cơn tức giận cũng có mục đích quan trọng là thu hút sự chú ý đến những bất công và thúc đẩy mọi người giải quyết vấn đề.

Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua tình trạng này – lòng bàn tay đẫm mồ hôi, nghiến răng chặt, gần như hoàn toàn mất bình tĩnh. Tức giận không phải là cảm giác dễ chịu nên không ngạc nhiên khi nó có thể gây hại tới sức khỏe của bạn.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy ngay cả những cơn tức giận ngắn ngủi cũng có thể tạo ra những tác động tiêu cực.

Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu 208 thanh niên khỏe mạnh, họ lấy mẫu máu cùng với chỉ số huyết áp trước và sau khi người tham gia thực hiện các hành động: Đếm thành tiếng hoặc nhớ lại những ký ức liên quan tới cảm xúc tức giận, buồn bã hoặc lo âu.

Tức giận làm suy giảm chức năng của động mạch, điều này có liên quan đến nguy cơ mắc chứng đau tim trong tương lai. Ảnh minh họa

Tức giận làm suy giảm chức năng của động mạch, điều này có liên quan đến nguy cơ mắc chứng đau tim trong tương lai. Ảnh minh họa

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, so với những người tham gia ở các nhóm còn lại, mạch máu của những người nhớ lại những ký ức liên quan đến sự tức giận bị giảm đi khả năng giãn nở. Mạch máu không thể giãn ra sẽ phải sử dụng nhiều thời gian hơn để co thắt và thậm chí còn có thể gây căng thẳng cho tim mạch.

Tác giả chính của nghiên cứu, Daichi Shimbo, bác sĩ y khoa, bác sĩ tim mạch và đồng Giám đốc Trung tâm Tăng huyết áp tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia (Mỹ), cho biết: "Tức giận làm suy giảm chức năng của động mạch, điều này có liên quan đến nguy cơ mắc chứng đau tim trong tương lai".

Jacques Ambrose, bác sĩ y khoa, bác sĩ tâm thần và Giám đốc Y tế cấp cao tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia, nói rằng: "Nghiên cứu này không phải là nghiên cứu đầu tiên đề xuất mối liên hệ giữa sự tức giận và sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng sự tức giận khi không được giải quyết có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về đường tiêu hóa, mất ngủ, đau đầu và rối loạn cảm xúc... điều này cũng có thể dẫn tới suy yếu hệ thống miễn dịch và làm nặng thêm các bệnh sẵn có như viêm khớp."

Tuy nhiên, mặc dù sự tức giận có thể có những tác dụng phụ tiêu cực, nó giống như những cảm xúc tự nhiên khác, chẳng hạn như sợ hãi và vui mừng, tức giận cũng đem đến một số mục đích có giá trị. Vì vậy, liệu sự tức giận có phải hoàn toàn xấu?

Đây là những gì các chuyên gia nói về mặt trái của cảm xúc này.

Tức giận là một chất xúc tác tốt

Tiến sĩ Ryan Martin, tác giả và giáo sư tâm lý học tại Đại học Wisconsin-Green Bay, cho rằng việc tức giận có một chức năng quan trọng, ông cho rằng cảm giác tức giận sẽ thu hút sự chú ý đến những bất công trên thế giới và "khuyến khích chúng ta khẳng định bản thân khi bị đối xử tệ bạc".

Ông nói thêm, phản ứng sinh lý đi kèm với sự tức giận cũng có thể hữu ích.

Khi chúng ta nhận thấy sự bất công, "mối đe dọa" đó sẽ kích hoạt phản ứng "chống trả hay bỏ chạy" của hệ thống thần kinh giao cảm, gây ra các tác dụng như nhịp tim tăng vọt, cơ bắp căng cứng và má đỏ bừng. Phản ứng này cũng giúp tăng cường sự tập trung, tỉnh táo và năng lượng, từ đó có thể giúp bạn hành động và giải quyết vấn đề.

Một nghiên cứu gần đây còn phát hiện ra rằng những người hoàn thành một loạt nhiệm vụ đầy thử thách, chẳng hạn như giải câu đố hoặc chơi trò chơi điện tử, trong trạng thái tức giận sẽ thực hiện tốt hơn những người tham gia có những cảm xúc khác, chẳng hạn như buồn bã hoặc cảm thấy thích thú.

Khi sự tức giận trở nên không lành mạnh

Tiến sĩ Martin cho rằng mặc dù sự tức giận có thể mang tính xây dựng nhưng nó cũng có thể trở nên không lành mạnh trong một số trường hợp nhất định.

Điều này có thể xảy ra nếu cơn giận trở nên không cân xứng với sự kiện gây ra nó hoặc ai đó phải nén cơn giận trong một thời gian dài.

Bác sĩ Ambrose nói: "Khi mọi người ngẫm nghĩ về sự tức giận của mình, tái hiện lại sự kiện đó trong tâm trí và ôm nén sự oán giận, điều đó có thể dẫn đến tức giận mãn tính và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

Tiến sĩ Martin nói thêm, sự tức giận cũng đi quá giới hạn từ mang tính xây dựng đến mức không kiểm soát được khi nó dẫn tới hành vi hung hăng hoặc các hậu quả khác như ảnh hưởng tới đến các mối quan hệ.

Cơn tức giận cũng có mục đích quan trọng là thu hút sự chú ý đến những bất công và thúc đẩy mọi người giải quyết vấn đề. Ảnh minh họa

Cơn tức giận cũng có mục đích quan trọng là thu hút sự chú ý đến những bất công và thúc đẩy mọi người giải quyết vấn đề. Ảnh minh họa

Cách quản lý sự tức giận

Để ngăn chặn sự tức giận chuyển sang không lành mạnh, Tiến sĩ Martin cho biết điều quan trọng là mọi người phải "nhận ra các dấu hiệu của sự tức giận ngày càng gia tăng và áp dụng các phương pháp quản lý cơn giận hiệu quả để ngăn chặn quá trình chuyển đổi xảy ra".

May mắn thay, có nhiều cách để quản lý cơn giận.

Bác sĩ Ambrose khuyến khích các hoạt động giúp quản lý mức độ căng thẳng như tập thể dục và thiền chánh niệm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chúng có thể giúp giảm những suy nghĩ tiêu cực hoặc những phản ứng cảm xúc vô ích trong giai đoạn căng thẳng.

Bác sĩ Ambrose nói: "Đối với thiền chánh niệm, mục tiêu là nâng cao nhận thức về sự việc ở thời điểm hiện tại mà không đưa ra phán xét, điều này cho phép các cá nhân quan sát và thừa nhận cảm giác tức giận của họ mà không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chúng. Hãy hít thở sâu trong khi thiền hoặc thiết lập thói quen hít thở còn có thể mang lại nhiều lợi ích khác. Hít thở sâu tác động lên hệ thần kinh phó giao cảm, dẫn đến nhịp tim thấp hơn và khiến cơ thể bình tĩnh hơn".

Theo Bác sĩ Ambrose, một phương pháp khác như thư giãn cơ dần dần, cũng có thể "giải phóng sự căng thẳng về thể chất liên quan đến sự tức giận". Kỹ thuật này bao gồm việc làm căng và sau đó thư giãn các nhóm cơ khác nhau trong cơ thể, chẳng hạn như cổ, vai, bắp tay, cẳng tay và ngón tay.

"Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát cường độ hoặc thời gian tức giận, bạn có thể gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần. Họ sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề hoặc xác định tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như rối loạn cảm xúc lưỡng cực - có thể góp phần giảm cơn bùng phát của bạn" – bác sĩ Ambrose nói.

Hoàng Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-tuc-gian-co-hoan-toan-xau-169240726233812587.htm