Sự ủng hộ của người dân là chìa khóa ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ
Khảo sát đánh giá của người dân về các biện pháp ứng phó của các cấp chính quyền trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư cho thấy, đa số người dân đánh giá cao mức độ hiệu quả trong công tác ứng phó của các cấp chính quyền. Tỉ lệ đánh giá tốt hoặc rất tốt đối với công tác ứng phó của Chính phủ là 84% và đối với chính quyền cấp tỉnh là 89%.
Đây là một số phát hiện chính của cuộc điều tra xã hội học: “Cảm nhận và trải nghiệm của người dân về một số biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 của các cấp chính quyền: Kết quả khảo sát qua điện thoại vòng 2, năm 2021”. Khảo sát được thực hiện bởi Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI), với sự hỗ trợ và đồng hành của Bộ Ngoại giao và thương mại Australia (DFAT).
Theo kết quả điều tra, so với năm 2020, tác động của đại dịch trong năm 2021 được đánh giá là nghiêm trọng hơn. Người dân lo lắng về tình hình sức khỏe cá nhân (68% số người được hỏi) và việc học tập của con em mình (76%). Năm 2021, tác động tiêu cực lên việc làm và thu nhập của COVID-19 rõ rệt hơn, với 77% người được hỏi cho biết thu nhập bị giảm, đặc biệt đối với những người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động tự do phi nông nghiệp, lao động không có tay nghề, lao động làm việc trong các ngành dịch vụ và những người sống sinh sống tại các khu vực có thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Về các biện pháp ứng phó của các cấp chính quyền trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, người dân thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với hầu hết các biện pháp phòng, chống dịch.
TS. Phùng Đức Tùng, Chủ tịch MDRI cho biết, đây là cuộc khảo sát rất kịp thời và quan trọng, cung cấp bức tranh rõ ràng về trải nghiệm, mối quan tâm chính của các hộ gia đình trong thời gian giãn cách xã hội và hiệu quả của các can thiệp và chính sách của Chính phủ. Kết quả khảo sát là hướng dẫn cho việc thiết kế những can thiệp và chính sách tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai.
Những vấn đề cần lưu ý, rút kinh nghiệm
Bên cạnh những kết quả tích cực, có những câu trả lời cho thấy, khả năng tiếp cận và hiệu quả của gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ còn thấp. Thông tin về gói hỗ trợ chưa được phổ biến, tuyên truyền một cách hiệu quả và đầy đủ tới các nhóm yếu thế. Người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại nông thôn, người nghèo ít nghe đến gói hỗ trợ hơn những nhóm còn lại. Những người đã nhận được tiền hỗ trợ đánh giá cao tính kịp thời và đúng như quy định. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thủ tục tiếp nhận chưa đơn giản.
Trong khi đó, các dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa được vận dụng trong đợt dịch thứ 4. Nhiều người phải nộp kết quả xét nghiệm COVID-19 mới được nhập viện khám, chữa bệnh. Một trong những vấn đề tồn tại mà Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đã chỉ ra trong thập kỷ qua là hiệu quả hoạt động chưa tối ưu của các bệnh viện công cấp huyện, là cấp trọng yếu trong công tác ứng phó với những khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Khảo sát cũng phản ánh lựa chọn và kỳ vọng của người dân trong ứng phó với COVID-19. Mặc dù phải chịu những tác động kinh tế tiêu cực, có tới 83% số người được hỏi đồng ý rằng “ưu tiên cao nhất của Nhà nước hiện nay là cứu người khỏi COVID-19 cho dù phải hy sinh phát triển kinh tế".
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen phân tích: Thực tiễn của Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy rằng lòng tin và sự tín nhiệm của người dân là chìa khóa thành công trong công tác ứng phó với đại dịch của Chính phủ.
Từ các kết quả khảo sát, các chuyên gia của UNDP đưa ra một số gợi ý cho thời gian tới:
Thứ nhất, cảm nhận và sự ủng hộ của người dân cần được các cấp chính quyền xem xét kỹ lưỡng khi thiết kế các chính sách, biện pháp ứng phó trong thời gian tới. Sự tin tưởng của người dân là động lực quan trọng quyết định mức độ hiệu quả trong việc ứng phó với đại dịch của các cấp chính quyền.
Thứ hai, cần tập trung hơn triển khai gói hỗ trợ cho nhóm người nghèo, lao động không có tay nghề, lao động thời vụ, và người làm việc trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Thứ ba, hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các nhóm/cá nhân từ thiện trong thời gian dịch bệnh hoặc các khủng hoảng tương tự cần được coi trọng và chính thức ghi nhận. Việc đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ sẽ giúp người dân nhận hỗ trợ kịp thời hơn.
Thứ tư, các dịch vụ công trực tuyến cần được đánh giá lại và cải thiện nhằm bảo đảm tính thân thiện với người dùng, qua đó, khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp không tiếp xúc trong quá trình làm việc với chính quyền.
Huy Thắng