Sự ủng hộ, tham gia của người dân là yếu tố quyết định mọi thành công
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu vận động người dân cùng vào cuộc trong công tác giám sát, đóng góp ý kiến vào việc phòng chống lãng phí. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng tạo sự nhận thức chung trong thực hiện sắp xếp tinh gọn lại bộ máy hành chính theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.
Ngày 19/12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; tổng kết 15 năm triển khai phong trào thi đua dân vận khéo.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 15 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn Thủ đô đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Thành ủy, các cấp ủy trực thuộc đã kịp thời ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung phong trào thi đua được quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, phù hợp với nhiều đối tượng.
Từ năm 2009 đến nay, Thành ủy và các cấp ủy các cấp đã ban hành 15.295 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Ban Dân vận và các cơ quan tham mưu về công tác dân vận đã ban hành 2.038 văn bản để hướng dẫn triển khai, qua đó đưa “Dân vận khéo” trở thành một phong trào thi đua sâu rộng, nét đặc sắc trong công tác dân vận của Đảng bộ Thủ đô, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo, với tinh thần tự nguyện, tự giác của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá, biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được quan tâm, tiến hành thường xuyên, kịp thời động viên, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên 4 lĩnh vực: Kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị và theo 3 cấp: Thành phố; quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy; cấp cơ sở.
Từ năm 2009 đến nay, toàn Thành phố có 160.013 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai và phát huy hiệu quả tích cực, có sức lan tỏa, được các cấp biểu dương, khen thưởng và nhân rộng.
Cụ thể: Có 29.208 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực phát triển kinh tế; 89.971 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; 21.586 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; 27.248 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị… thông qua đó phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và Thành phố.
Đặc biệt, trong thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, trong những hoàn cảnh cam go, thử thách như: Thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với khủng hoảng kinh tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” càng được đẩy mạnh, qua đó, đã phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội, được nhân lên bằng những nghĩa cử cao đẹp và tinh thần tự nguyện; huy động nguồn lực to lớn từ sức mạnh và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá việc phát động phong trào “Dân vận khéo” là thực hiện chủ trương rất lớn của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt, với quan điểm “lấy Dân làm gốc” thì sự ủng hộ, tham gia của người dân là yếu tố quyết định cho mọi thành công.
Theo Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, 15 năm qua, nhiều việc khó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân nhờ làm tốt công tác dân vận, đặc biệt là dân vận khéo.
Thành phố đã có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2014 đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội tăng khoảng 40%. Thành phố đã dành nguồn lực để chăm lo an sinh xã hội, đầu tư, phát triển cho văn hóa, giáo dục, y tế… Có được kết quả đó là nhờ có những giải pháp sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, huy động được sự vào cuộc, tham gia, đóng góp của người dân. Mọi sự phát triển của Thành phố phải hướng đến mục tiêu cao nhất là hạnh phúc của nhân dân.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, trước hết cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của công tác dân vận, đặc biệt là công tác dân vận khéo, thể hiện trên hai quan điểm: Đó là quan điểm trọng dân, dựa vào dân và mọi kết quả, công việc của Đảng, của cả hệ thống chính trị đều nhằm mục nâng cao hạnh phúc người dân. Đây phải là việc phải làm thường xuyên, hàng ngày và thể hiện trong mọi công việc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu vận động người dân cùng vào cuộc trong công tác giám sát, đóng góp ý kiến vào việc phòng chống lãng phí. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng tạo sự nhận thức chung trong thực hiện sắp xếp tinh gọn lại bộ máy hành chính theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.
Công tác dân vận khéo trong tình hình mới cần hướng đến các việc cụ thể, gắn với từng cơ quan, địa phương, đơn vị và phải xuống đến tận cơ sở qua những việc làm cụ thể. Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, dân vận khéo cần tập trung vào vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường sống, không phải thực hiện theo phong trào mà phải biến thành công việc hàng ngày, thường xuyên, liên tục.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số, xác định đây là cuộc cách mạng, là cơ hội, thời cơ để có những bước đột phá, rút ngắn khoảng cách phát triển.