Sự vào cuộc nghiêm túc của Hà Nam trong ATVSTP
Rất dễ nhìn ra tại Hà Nam, công tác đảm bảo ATVSTP đã có sự vào cuộc nghiêm túc của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo tạo hành lang pháp lý thuận tiện cho các sở, ban, ngành, địa phương.
Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo liên ngành ATTP và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Công tác phối hợp liên ngành, công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP đã được đẩy mạnh hơn với nhiều hình thức. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành được tăng cường, xử phạt nghiêm đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Khen – chê công khai
Trong quá trình đưa ATVSTP vào đời sống, Sở Công Thương Hà Nam nhận thấy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức cho các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Sở Công Thương tổ chức thường xuyên, liên tục, đa dạng các hình thức.
Trên Cổng thông tin điện tử của Sở https://sct.hanam.gov.vn/ luôn cập nhật các quy định của pháp luật về ATTP và đưa các tin bài liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như việc hướng dẫn cho người tiêu dùng thông tin lựa chọn sản phẩm đảm bảo ATTP. Sở cũng cho treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên các tuyến, trục đường giao thông chính thuộc địa bàn tỉnh về công tác ATTP trong các đợt cao điểm về an toàn thực phẩm hàng năm và ngày quyền lợi người tiêu dùng 15/3.
Bên cạnh đó là phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam thực hiện giới thiệu, tuyên truyền về Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm và người dân trên địa bàn tỉnh… Tất cả những hoạt động này như kiến tha lâu đầy tổ, sẽ tác động, sẽ ngấm dần vào nhận thức và điều chỉnh hành vi của mỗi tập thể, cá nhân.
Bên cạnh việc xử phạt những hành vi vi phạm, Sở cũng biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm ATTP; đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về ATTP; thông tin danh sách, địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Từ năm 2016-2020, Sở Công Thương Hà Nam đã tổ chức 15 hội nghị tập huấn kiến thức ATTP, đào tạo, nâng cao năng lực áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000 với 1300 người tham dự; thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 91 cơ sở; kiểm tra, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 1327 người.
Triển khai rộng khắp trên mọi mặt trận
Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2101/QĐ-UBND ngày 04/12/2017 về việc phê duyệt Dự án xây dựng và tổ chức thực hiện "Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm" trên địa bàn tỉnh Hà Nam với kinh phí 250.000.000 đồng và nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Bầu, TP Phủ Lý với tổng kinh phí 288.300.000 đồng.
Việc triển khai mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đã giúp cho người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng khi mua hàng tại chợ, dẫn đến số lượng khách vào mua hàng tại chợ đông hơn, từ đó tăng thu nhập cho các hộ kinh doanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm của Ban quản lý chợ và các thương nhân kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thay đổi dần thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực.
Hàng năm vào các dịp cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu,...Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chủ trì (trong đó Sở Công Thương làm trưởng 01 đoàn kiểm tra và cử cán bộ tham gia 02 đoàn còn lại) phối hợp với MTTQ tỉnh kiểm tra, theo dõi việc việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; việc triển khai thực hiện Chương trình 90 tại các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương thường xuyên phối với với Sở Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn MTTQ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện Chương trình 90 tại tuyến huyện, xã và một số chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Trăn trở của Hà Nam
Để ATTP trở thành một vấn đề nhận được sự quan tâm hơn nữa của xã hội, Hà Nam cũng cho rằng cần nâng cao hoạt động hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan với cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp về an toàn thực phẩm các cấp; các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm.
Theo ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam, thì giai đoạn tới cần đặc biệt quan tâm tới vai trò của các địa phương, nhất là tuyến xã. Hiện nay tuyến xã chưa quan tâm đầu tư công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thiếu tính chủ động cho các hoạt động phối hợp, công tác kiểm tra giám sát cấp xã chưa thực sự hiệu quả, chưa có xử lý vi phạm.
Trong thời gian tới, Hà Nam đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho nhân rộng mô hình chợ bảo đảm an toàn thục phẩm.