Sự vô minh trong 'Vũ điệu quỷ Satan'
Dựng nên một quán rượu với sự sa đọa tuyệt đối, một 'Thượng đế fake' xuất hiện rao giảng đạo lý, Laszlo phơi bày sự vô minh của con người.
Krasznahorkai Laszlo là một trong những tiểu thuyết gia có ảnh hưởng nhất của văn chương Hungary đương đại, chủ nhân của gần hai mươi giải thưởng uy tín quốc tế, trong đó có giải Man Booker năm 2015.
Điệu tango kỳ lạ của tiểu thuyết hiện đại
Vài năm trước, người đọc Việt Nam từng làm quen với nhà văn này bằng bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết Chiến tranh và chiến tranh. Và giờ đây là bản dịch tác phẩm tiểu thuyết đầu tay của ông: Vũ điệu quỷ Satan (Satantango, Giáp Văn Chung dịch, Công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học, 2022) phát hành. Tác phẩm là một điệu tango kỳ lạ của tiểu thuyết châu Âu hiện đại.
Vũ điệu quỷ Satan mở đầu bằng một đoạn văn dài hai trang: “Một buổi sáng cuối tháng mười, không lâu trước khi những giọt mưa mùa thu dai dẳng rơi xuống mặt đất khô khốc, nứt nẻ bên sườn phía đông của khu trại... Nhưng chẳng có gì động đậy, và gã cũng không động đậy trên giường, cho tới khi những đồ vật xung quanh gã bỗng nhiên bắt đầu một cuộc đối thoại kỳ lạ nào đó”.
Đoạn văn này cũng chính là đoạn văn khép lại chương cuối cùng của tiểu thuyết, chương có tên “Vòng tròn khép lại”. Điều đặc biệt là, nếu đoạn văn mở đầu, và hầu như toàn bộ cuốn tiểu thuyết, được kể từ một người kể chuyện toàn năng nào đó, thì đoạn văn kết thúc cuốn tiểu thuyết lại được kể từ một nhân vật trong tác phẩm: ông bác sĩ, người chỉ lười nhác trùm chăn ngồi bên bàn hết ngày này sang ngày khác, vừa liên tục uống rượu hút thuốc vừa nhìn và ghi lại mọi động tĩnh từ cuộc sống xung quanh.
Đoạn văn kết thúc ấy do chính ông viết bác sĩ viết trong sổ tay của mình, và vì thế, rất có thể ông cũng chính là người viết nên toàn bộ văn bản của tiểu thuyết Vũ điệu quỷ Satan.
Sự mập mờ về người kể chuyện và sự lặp lại trong cấu trúc mở đầu/kết thúc của tác phẩm có lẽ đã khiến người đọc phải nhìn lại toàn bộ cái thế giới mà Krasznahorkai Laszlo mô tả, bằng những câu văn rất dài, nhiều trùng lặp cố ý, như một thế giới hỗn độn và đang dần dần tan rữa.
Chủ nghĩa nhân văn theo kiểu của Krasznahorkai Laszlo
Đó là một khu nông trang hoang vắng, biệt lập, với vài gia đình trên chục người sinh sống. Họ cứ bám lấy cái khu nông trang tàn tạ ấy mà ăn, ngủ, nốc rượu, cãi vã, ẩu đả, nhảy múa với nhau, yêu đương lẫn nhau, trong sự ngốc nghếch mê muội và trong một không gian ngập đầy những mưa sùi sụt, những đất hóa bùn nhão, những căn phòng ẩm mốc hôi thối, những chuột và nhện tự nhiên như thể chủ nhân sống trong nhà.
Tuy thế, những con người ấy vẫn ngóng trông vào sự thay đổi hoàn cảnh sống và số phận cuộc đời mình nhờ một nhân vật bí ẩn có tên Irimias.
Hắn như vị cứu tinh đối với họ, trong khi thực chất lại chỉ là một tên lừa đảo. Hắn dụ dỗ và xua họ ra khỏi một vùng đất bị lãng quên này, lang thang vô định trong mưa và trên bùn, chỉ để đến một vùng đất bị lãng quên khác, trong khi hắn nộp bản báo cáo mô tả tình trạng khốn khổ nhếch nhác của họ cho nhà chức trách...
Nhìn từ chuẩn mực của cách hành xử thông thường trong đời sống bình thường, các nhân vật trong Vũ điệu quỷ Satan dường như đã hợp thành một thế giới của những kẻ điên trong trại tâm thần.
Hai chương cực tả cái tính chất quái gở này của các nhân vật nằm ở cuối phần một của tiểu thuyết: chương V “Tan rữa”, và chương VI “Việc của nhện II”.
Chương V kể chuyện một bé gái mắc chứng thiểu năng trí tuệ, sống trong một gia đình tồi tệ quá gia đình Tenardie, với ông bố bỏ nhà ra đi, bà mẹ nát rượu, thằng anh lưu manh trộm cắp và hai đứa chị làm điếm.
Con bé, với đầu óc mộng mị, đã lấy trộm cái áo len vàng của mẹ nó để diện, lấy trộm gói thuốc chuột để giết con mèo mà nó coi như bạn, rồi tự nó uống nốt gói thuốc ấy để được lên thiên đàng. Trong đêm mưa rét, ngập chân xuống bùn lầy, nó đã đứng ở bên ngoài quán rượu để nghe tiếng ồn ào của những sự việc xảy ra trong quán rượu, tức là những sự việc được Krasznahorkai Laszlo miêu tả ở chương VI.
Đó quả thực là một khung cảnh của sự sa đọa tuyệt đối, với những con người ngu ngốc, trong đầu mờ mịt hơi men và trong người bừng bừng sắc dục. Không gì khác, quán rượu ấy chính là hình ảnh của địa ngục với những chủng loài ngạ quỷ. Và ngay sau chương này là phần hai, mở đầu với chương mà Imirias xuất hiện để cao giọng rao giảng về phẩm hạnh và đức lý trước đám người tối tăm ngu muội còn đang say mèm nọ. Một tiên tri giả. Một Thượng đế fake.
Krasznahorkai Laszlo từng nói: “Các nhân vật của tôi tìm kiếm không mệt mỏi và sẽ còn tìm kiếm trong một mê lộ, mê lộ đó không gì khác hơn là nơi họ mắc sai lầm và là nơi con người ta chỉ có thể có một mục đích duy nhất: hiểu ra sai lầm này và cấu trúc của nó”.
Khắc nghiệt, lạnh lùng trong sự phơi lộ những vô minh của con người, có thể nói, đó chính là chủ nghĩa nhân văn theo kiểu của Krasznahorkai Laszlo trong Vũ điệu quỷ Satan.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-vo-minh-trong-vu-dieu-quy-satan-post1376464.html