Sự xấu xí của 'đám đông kết tội' trên mạng xã hội
Trong thời đại Internet phát triển, dường như bất cứ ai có thể bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội đều có quyền đưa người khác ra 'xét xử'.
Ngày 7/6, một phụ nữ trẻ ở thành phố Quảng Châu nghi ngờ người đàn ông trung niên quay lén cô trên tàu điện ngầm và yêu cầu kiểm tra điện thoại.
Dù người đàn ông chứng minh được mình vô tội, cô gái vẫn lên mạng xã hội mô tả ông là “lão già đáng sợ”, đồng thời tung ảnh và video liên quan.
Bài đăng được xóa đi ngay sau đó, nhưng hình ảnh đã kịp phát tán khắp nơi, theo Zaobao.
Ngay khi phát hiện, Deng, con trai của người đàn ông trung niên, trình báo vụ việc tại đồn cảnh sát quận Lujiang hôm 11/6 và yêu cầu người phụ nữ xin lỗi.
Tối cùng ngày, cô gái công khai xin lỗi gia đình Deng, bày tỏ sự hối hận về hành động mình gây ra. Tuy nhiên, cư dân mạng không sẵn sàng tha thứ và truy lùng thông tin cá nhân của cô.
Họ tìm ra người phụ nữ tốt nghiệp Đại học Tứ Xuyên, trước kia thường xuyên trốn học, có 80.000 người theo dõi trên mạng xã hội và là thực tập sinh tại công ty công nghệ lớn.
Trong khi Đại học Tứ Xuyên tuyên bố hợp tác điều tra với cảnh sát, nơi cô gái đang thực tập được cho là chấm dứt hợp đồng dưới áp lực dư luận.
Đám đông phẫn nộ
Làn sóng giận dữ của cư dân mạng Trung Quốc vẫn chưa lắng xuống.
Đầu tiên, cô gái bị chỉ trích vì phóng đại về hành vi nhìn lén chưa từng xảy ra và đưa ra lời buộc tội sai sự thật.
Tiếp đó, cô kiên quyết không nhận lỗi, nói rằng mình là sinh viên mới tốt nghiệp nên không cần ai dạy dỗ. Chỉ sau khi bị tố giác, cô mới vội vàng thay đổi thái độ. Cư dân mạng cho rằng lời xin lỗi không thành thật là không thể chấp nhận.
Thêm vào đó, “lão già đáng sợ” mà cô gái mô tả thực ra là công nhân nhập cư 56 tuổi, không rành về công nghệ. Cô bị chỉ trích là kẻ ích kỷ, bắt nạt người vô tội.
Cộng đồng mạng cũng lên trang web của Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu điều tra việc cô gái được “tiến cử học cao học” và lý do nhiều lần bỏ học mà không bị trừng phạt.
Luật sư Zhang Yonghui ở Chiết Giang cho biết việc tố cáo sai ai đó về hành vi quay lén không cấu thành tội buộc tội sai, mà phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi xâm phạm, cụ thể ở đây là bôi nhọ danh dự của người đàn ông.
Theo Bộ luật Dân sự, hành vi vi phạm phải được chấm dứt, loại bỏ tác động, xin lỗi và bồi thường. Do nữ sinh đã xóa video và xin lỗi công khai, nếu phía nạn nhân không đòi bồi thường, cô không cần phải đối mặt với hình phạt khác.
Cựu chuyên gia truyền thông Hu Xijin cũng nói rằng người trẻ nên có cơ hội sửa chữa sai lầm với hậu quả pháp lý được xác định theo luật.
“Phiên tòa online”
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các cá nhân chọn công khai sự việc trên mạng xã hội thay vì tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Cách tiếp cận này đôi khi có thể hiệu quả.
Ngày 13/6, nữ sinh Đại học Sư phạm Hàng Châu nói với cán bộ cố vấn rằng mình bị bạn cùng lớp quấy rối, nhưng không được quan tâm. Do đó, gia đình cô tung bằng chứng về sự việc để gây áp lực.
Gần đây, một chiếc “đầu chuột” được tìm thấy trong đồ ăn từ căng tin của Cao đẳng Bách khoa Công nghiệp Giang Tây, nhưng thực chất là đầu vịt. Bức ảnh gây hiểu lầm được đăng lên Internet, dẫn đến cuộc điều tra sau đó.
Trong những trường hợp như vậy, mọi người dựa vào sức mạnh của đám đông để đòi công lý cho mình. Ở thời đại Internet phát triển, dường như bất cứ ai có thể nói lên ý kiến trên mạng xã hội đều có quyền đưa người khác ra “xét xử”.
Nữ sinh viên liên quan đến vụ tố cáo sai đang học ngành báo chí. Phản ứng đầu tiên của cô là tận dụng sức mạnh của truyền thông và dư luận.
Tuy nhiên, khi công khai “xét xử” ông Deng mà không có bằng chứng chứng minh hành vi nhìn lén của ông, cô cuối cùng cũng trở thành nạn nhân của “phiên tòa online”.
Điều này cho thấy không nên khuyến khích xu hướng để cộng đồng mạng phán xét mọi chuyện. Nhờ thế, xã hội sẽ văn minh hơn nhiều.