Sự xấu xí phía sau 'những chuyến bay 10 phút' của giới siêu giàu
Thói quen đi lại xa xỉ bằng máy bay riêng của người giàu bị phản đối vì gây hại đến môi trường. Thực tế, nhóm này chỉ phải bỏ ra số tiền không tương xứng để hưởng đặc quyền.
Đều đặn 4-5 lần/năm, Stephen Prince, doanh nhân sống ở đảo St. Simons (bang Georgia, Mỹ), lại đưa bạn bè, khách hàng và đồng nghiệp đến khu bảo tồn chim trĩ ở tây bắc Nebraska để đi săn.
Nếu di chuyển bằng chuyến bay thương mại, anh có thể mất ít nhất 9 giờ qua 1-2 điểm nối chuyến, cộng với một tiếng lái xe đến sân bay gần nhất, chưa kể thời gian qua cửa an ninh, lên máy bay và nhiều thủ tục khác.
Tuy nhiên, là chủ doanh nghiệp in thẻ quà tặng, Prince rất giàu có. Anh mua chiếc máy bay riêng đầu tiên cách đây vài năm.
Chiếc máy bay phản lực hiện tại của Prince, Cessna Citation 650, có thể thực hiện chuyến đi tới Nebraska chỉ trong khoảng 3 giờ, có thể dừng dọc đường để tiếp nhiên liệu, từ sân bay nhỏ chỉ cách nhà anh vài phút.
Prince nói rằng bay riêng tư là trải nghiệm rất tuyệt. Anh có thể lái xe đến cạnh máy bay và nhảy lên đó. Các thành viên phi hành đoàn sẽ chất hành lý, dụng cụ săn bắn và giúp anh đỗ xe.
Nếu bay vào buổi chiều, Prince sẽ được chào đón bằng ly rượu scotch. Còn buổi sáng, thứ chờ đợi anh là ly cà phê nóng và một tờ báo.
Tuy nhiên, dù rất thích cách di chuyển này, Prince quyết định từ bỏ thói quen. Là phó chủ tịch của Các triệu phú yêu nước (PM), tổ chức quy tụ những người giàu có ủng hộ việc đánh thuế cao hơn đối với nhóm siêu giàu như họ, anh lập luận rằng việc bay riêng tư là quá đắt đỏ và không công bằng, theo The New York Times.
Nhóm của Prince không kêu gọi người giàu ngừng di chuyển bằng máy bay riêng của họ. Tuy nhiên, nếu tiếp tục duy trì thói quen đi lại xa hoa như vậy, ít nhất họ cũng nên bị đánh thuế vì đặc quyền này.
Không công bằng
Theo phân tích được công bố trong tháng 5 bởi PM và Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), những người sử dụng máy bay phản lực tư nhân hầu như không phải trả chi phí để duy trì các sân bay và không phận của Mỹ.
Trong khi đó, mỗi hành khách đi máy bay thương mại ở xứ cờ hoa phải chịu thuế 7,5% đối với giá vé nội địa, phí cơ sở vật chất lên tới 4,50 USD cho mỗi chặng bay (tối đa 18 USD/chuyến khứ hồi), các khoản phụ phí cho chuyến bay đến Alaska, Hawaii hoặc đi lại toàn cầu.
Các phi công tư nhân chỉ trả thuế phụ phí nhiên liệu khoảng 22 xu/gallon. Do đó, mặc dù chiếm khoảng 16% tổng số chuyến bay do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) quản lý, các chuyến đi bằng máy bay phản lực tư nhân chỉ đóng góp 2% thuế tạo nên quỹ ủy thác chủ yếu tài trợ cho FAA.
Thực tế, giá trị tài sản ròng trung bình của một chủ sở hữu máy bay phản lực tư nhân đầy đủ và một phần lần lượt là 190 triệu USD và 140 triệu USD. Nói cách khác, một số người giàu nhất thế giới đang được hưởng lợi.
Vấn đề đáng đề cập tới tiếp theo là biến đổi khí hậu. Vì thường chở rất ít hành khách trong mỗi hành trình, chuyến bay tư nhân gây hại cho môi trường hơn nhiều so với bay thương mại.
Theo báo cáo của Giao thông & Môi trường (T&E), nhóm ủng hộ phương tiện giao thông không phát thải ở châu Âu, máy bay tư nhân sử dụng nhiều carbon hơn trung bình 10 lần so với các chuyến bay thương mại.
Ed Bolen, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Hàng không Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NBAA), nhóm thương mại đại diện cho ngành du lịch hàng không tư nhân, thách thức một số tuyên bố của IPS.
Bolen cho biết máy bay tư nhân có thể di chuyển đến hàng nghìn sân bay trên khắp nước Mỹ mà các chuyến bay thương mại không phục vụ. Điều này cho phép các doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi địa lý rộng hơn so với khả năng.
Ông cũng lập luận rằng cơ sở hạ tầng du lịch hàng không được thiết kế phần lớn để phù hợp với nhu cầu của máy bay thương mại cỡ lớn. Do đó, việc các hãng hàng không thương mại phải chịu phần chi phí lớn hơn nhằm duy trì hệ thống là điều hợp lý.
Bolen nói thêm rằng NBAA cam kết đạt lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, Prince không bị thuyết phục.
“Đi du lịch bằng máy riêng có lẽ là một trong những điều tham lam, ích kỷ nhất mà tôi từng làm trong đời. Tôi không thể tiếp tục làm việc đó”, ông nói.
Rất nhiều phi công tư nhân khác dường như không phải lo lắng như vậy. Du lịch bằng máy bay riêng đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Nhiều nhà sản xuất và đơn vị khai thác báo cáo nhu cầu tăng cao.
Một phần của sự gia tăng này có thể do luật thuế thuận lợi cho việc sở hữu máy bay phản lực tư nhân. Chính sách cắt giảm thuế năm 2017 của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép các doanh nghiệp khấu trừ 100% chi phí máy bay khỏi hóa đơn thuế của họ ngay lập tức. Điều này khiến việc mua máy bay trở thành cách dễ chịu nhằm giảm thuế cho doanh nghiệp.
Như ProPublica báo cáo gần đây, những người giàu có dễ dàng sử dụng máy bay phản lực tư nhân để đi du lịch, giải trí. Luật cho phép họ giữ khoản khấu trừ, miễn là họ chủ yếu sử dụng máy bay để đi công tác.
Thói quen độc hại
Có lẽ điều tồi tệ nhất về máy bay phản lực tư nhân là sự hoang phí mà phương tiện này khuyến khích.
Bay là một trong những cách di chuyển tốn nhiều carbon nhất và gây hại cho môi trường. Một nghiên cứu được công bố năm 2020 cho thấy tỷ lệ người đi máy bay thường xuyên nhất, nhiều nhất là 1% dân số siêu giàu, có khả năng chiếm hơn một nửa tổng lượng khí thải từ việc đi lại bằng đường hàng không của hành khách.
Máy bay phản lực tư nhân càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Chúng khiến việc đi lại trở nên dễ dàng đối với giới siêu giàu đến nỗi một số dành lượng thời gian trên không trung không thể dung thứ.
Năm 2022, công ty tiếp thị Yard sử dụng dữ liệu từ @Celebjets, tài khoản Twitter theo dõi chuyến bay riêng của những người nổi tiếng để tính toán thời gian một số ngôi sao dành trên máy bay của họ.
Người nổi tiếng bay nhiều nhất theo thống kê của Yard là nữ ca sĩ Taylor Swift. Chỉ trong nửa đầu năm 2022, cô có chuyến bay phản lực gần 23.000 phút (khoảng 16 ngày), thải vào bầu khí quyển lượng carbon nhiều hơn 1.000 lần so với mức trung bình của một người trong một năm.
Đại diện của Taylor Swift bác bỏ các con số, giải thích rằng máy bay phản lực thường được cho người khác mượn.
Dữ liệu của @Celebjets tiết lộ hiện tượng khó chịu khác: chuyến đi bằng máy bay riêng rất ngắn, thể hiện đỉnh cao của sự vô trách nhiệm.
Năm 2022, võ sĩ quyền anh Floyd Mayweather thực hiện chuyến bay kéo dài 10 phút giữa Henderson (Nevada) và Las Vegas với khoảng cách 15 dặm (khoảng 24 km) mà anh chỉ mất khoảng 20 phút nếu đi ôtô.
“Hot girl số một Hollywood” Kylie Jenner có chuyến bay kéo dài 17 phút giữa hai vùng ngoại ô Nam California, mà chỉ mất chưa đầy một giờ lái xe.
IPS đề xuất một số ý tưởng có thể hạn chế phần nào sự thái quá này. Đó là khoản phụ phí trên các chuyến bay ngắn hơn 210 dặm (khoảng 338 km), gần bằng khoảng cách giữa sân bay Kennedy và sân bay quốc gia Reagan.
IPS cũng khuyến nghị đánh thuế đối với việc bán máy bay tư nhân (10% khi mua máy bay đã qua sử dụng, 5% đối với máy bay mới) và tăng gấp đôi thuế nhiên liệu đối với máy bay riêng.
Nhóm ước tính rằng tỷ phú Elon Musk, người có máy bay tư nhân thực hiện 171 chuyến vào năm 2022, theo Bloomberg, sẽ phải trả thêm khoảng 4 triệu USD tiền thuế theo các đề xuất.
Nhưng đối với ông chủ Tesla, điều đó không nhằm nhò gì với khối tài khoản khổng lồ của ông. Các đề xuất của IPS cũng khó có thể ngăn chặn sự bùng nổ máy bay riêng để hướng tới hệ thống giao thông công bằng hơn.
Chuck Collins, một trong số tác giả của báo cáo, chỉ ra vấn đề cuối cùng với máy bay phản lực tư nhân: cho phép những cá nhân giàu có nhất phớt lờ vấn đề mà phần còn lại của hành tinh phải chịu đựng.
Anh chỉ ra sự thất bại của hãng hàng không Southwest Airlines trong những ngày lễ: “Nếu hơn 100 tỷ phú không thể về nhà với gia đình vì giao thông hàng không gặp sự cố, có lẽ chúng ta sẽ có hệ thống tốt hơn”.