'Sữa bột tổ yến' – Hóa ra chỉ là... bột gạo và đường trắng: Hành vi lừa đảo trắng trợn cần bị xử lý nghiêm

Trong khi người tiêu dùng đang đặt niềm tin vào những sản phẩm dinh dưỡng cao cấp dành cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người bệnh, thì một đường dây sản xuất sữa bột giả tinh vi đã bị triệt phá, gây chấn động dư luận. Doanh thu bất chính gần 500 tỷ đồng là con số không thể bỏ qua – và hơn hết, đây là lời cảnh tỉnh về sự cần thiết của việc bảo vệ người tiêu dùng và siết chặt chế tài pháp lý.

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội

Luật sư Hoàng Văn Hà – Giám đốc Công ty luật ARC Hà Nội, đưa ra một số quan điểm pháp lý liên quan đến hành vi sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả hàng giả như sau:

1. Hành vi sản xuất – buôn bán hàng giả là thực phẩm: Tội phạm hình sự nghiêm trọng

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, các đối tượng đã lập ra hai công ty và sản xuất hàng loạt sản phẩm sữa bột gắn mác “cao cấp” chứa chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, macca, óc chó… tuy nhiên kết quả giám định cho thấy thành phần thật chỉ là bột gạo, sữa, đường, và các vi chất ở mức rất thấp – dưới 70% so với công bố. Đây là căn cứ xác định hàng giả theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), hành vi sản xuất và buôn bán thực phẩm giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 2 năm đến 15 năm tù, tùy theo quy mô và hậu quả gây ra.

2. Vi phạm quy định về kế toán để che giấu doanh thu

Ngoài hành vi sản xuất hàng giả, nhóm đối tượng còn có dấu hiệu vi phạm quy định về kế toán, nhằm che giấu doanh thu khổng lồ.

Theo Điều 221 Bộ luật Hình sự, đây là tội danh có thể bị xử phạt tới 12 năm tù, cùng với hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc kinh doanh trong lĩnh vực liên quan.

3. Góc nhìn pháp lý và đề xuất xử lý

Hành vi trên không chỉ là gian lận thương mại đơn thuần mà đã cấu thành tội phạm gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai – những đối tượng nhạy cảm và cần được bảo vệ đặc biệt.

Do đó, từ góc độ pháp lý, Cơ quan tố tụng cần xử lý nghiêm, khởi tố toàn diện các hành vi vi phạm, không chỉ dừng lại ở sản xuất hàng giả mà còn ở các hành vi gian lận thuế, vi phạm luật kế toán và trốn tránh nghĩa vụ tài chính.

Buộc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng nếu có đủ căn cứ xác định thiệt hại về sức khỏe.

Mở rộng điều tra để làm rõ vai trò của các bên liên quan như hệ thống phân phối, kênh bán lẻ, các KOL quảng cáo… nếu có yếu tố đồng phạm hoặc tiếp tay.

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/sua-bot-to-yen-hoa-ra-chi-la-bot-gao-va-duong-trang-hanh-vi-lua-dao-trang-tron-can-bi-xu-ly-nghiem-14014.html