Sửa chính sách xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang dự thảo thông tư của Bộ Tài chính thay thế một loạt các thông tư để sửa đổi chính sách xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phù hợp với thực tiễn.
Ngành Tài chính: Cắt giảm tối đa các thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp WB hỗ trợ Bộ Tài chính Việt Nam xây dựng chính sách tài khóa xanh
Nhiều chính sách về xuất xứ hàng hóa đã được ban hành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Gia hạn nộp và cho phép chụp/quét
Vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính ban hành nhiều quy định nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng việc gia hạn thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); chấp nhận C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử hoặc bản chụp/bản quét C/O để nộp cơ quan hải quan.
Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn thương mại và các cam kết quốc tế trong các FTA (hiệp định thương mại) thế hệ mới, hiện nay Tổng cục Hải quan dự thảo thông tư thay thế Thông tư 38/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư 62/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2018/TT-BTC.
Dưới sự tham mưu của Tổng cục Hải quan, năm 2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch Covid-19.
Năm 2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BTC quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong FTA Việt Nam - EU.
Dự thảo cũng thay thế Thông tư 47/2020/TT-BTC quy định về thời điểm nộp C/O và hình thức C/O đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona và Thông tư 07/2021/TT-BTC quy định về thời điểm nộp C/O hàng hóa nhập khẩu trong FTA Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, dự thảo thông tư sẽ quy định cụ thể hồ sơ, kiểm tra xác định trước xuất xứ; khai và nộp C/O hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thủ tục, nội dung kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Chia sẻ về nguyên nhân, theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, khi Thông tư 38/2018/TT-BTC được ban hành, các FTA thế hệ mới (như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,...) chưa được ký kết để triển khai nên chưa có hướng dẫn tại thông tư này.
Để pháp lý hóa một số hướng dẫn của Bộ Tài chính như về thời điểm nộp C/O, trừ lùi C/O cho hàng hóa gửi kho ngoại quan đang ở dạng công văn hướng dẫn. Do đó, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính để ban hành thông tư hợp nhất các thông tư nêu trên.
Doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan hải quan trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhiều ý kiến đóng góp
Dự thảo đã được xin ý kiến rộng rãi và bắt đầu nhận về một số phản hồi. Cụ thể, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan hải quan trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn thương mại; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.
Về nội dung dự thảo, EuroCham đã đóng góp nhiều ý kiến về các quy định đối với C/O không ưu đãi; các trường hợp khác biệt nhỏ không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ; trường hợp được coi là vận tải trực tiếp... tại dự thảo thông tư thay thế các thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Dự thảo quy định các trường hợp khác biệt nhỏ không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Tuy nhiên, trên thực tế sẽ còn trường hợp có khác biệt về tên và số chuyến của phương tiện vận chuyển do thay đổi phương tiện vận chuyển. Do đó, EuroCham đề nghị bổ sung thêm trường hợp cơ quan hải quan có thể chấp nhận khác biệt trên chứng từ xuất xứ hàng hóa.
EuroCham cũng cho rằng dự thảo đang quy định các trường hợp được coi là vận tải trực tiếp, những chưa bao gồm trường hợp “Hàng hóa giữ nguyên chứng từ vận tải, cùng số vận đơn, số phương tiện vận tải, số seal của hãng vận chuyển”. Do đó, EuroCham đề nghị ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo.
Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu ý kiến, Hiệp định RCEP có ý nghĩa rất lớn với ngành dệt may, để được hưởng thuế suất ưu đãi thì việc cấp C/O hết sức quan trọng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều ý kiến của doanh nghiệp đã được ban soạn thảo tiếp thu. Tuy nhiên, trong nội dung của dự thảo thông tư dẫn chiếu nhiều lần đến Thông tư 38, vì đây là thông tư thay thế cần hạn chế dẫn chiếu các điều khoản cũ.
Bên cạnh đó, khi dự thảo thông tư được ban hành và có hiệu lực cần có sự thống nhất trong cách hiểu và cách thực thi của các cục hải quan tỉnh, thành phố để tránh phát sinh vướng mắc./.