Lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết dự án cảng Bến Đình ở huyện đảo Lý Sơn đến nay đã cơ bản hoàn thành. Hồi cuối năm 2020, công trình hứng chịu 2 cơn bão số 9 và 13 nên nhiều hạng mục bị hư hỏng.
Cầu dẫn cảng Bến Đình bị bong lớp thảm nhựa. Ông Đỗ Vũ Bảo, Phó giám đốc Ban quản lý công trình đầu tư giao thông tỉnh Quảng Ngãi, cho hay cảng Bến Đình ở nơi đầu sóng, ngọn gió, được thiết kế chịu lực cấp gió 12. Khi bão giật cấp 13 trở lên như cuối năm vừa qua, nhiều hạng mục đã bị hỏng", ông Bảo lý giải.
Sau 2 cơn bão hồi cuối năm ngoái, chủ đầu tư phối hợp với các nhà thầu tập kết hàng trăm cục acrobot phá sóng để bảo vệ tạm thời cho cầu dẫn kết hợp với bến khách và cầu cập tàu cảng Bến Đình.
Những ngày này, chủ đầu tư phối hợp với các nhà thầu huy động phương tiện, nhân lực khắc phục các hạng mục hư hỏng. Trong ảnh, công nhân thay mới lan can cầu dẫn cảng Bến Đình sau khi bị sóng lớn đánh sập.
Ngoài ra, công nhân còn lát lại vỉa hè và lót lại tấm cao su ở khe co giãn trên cầu cảng.
"Công trình chưa được bàn giao nên các hạng mục hư hỏng chúng tôi có trách nhiệm xử lý dứt điểm trong tháng 4 để sớm đưa vào sử dụng", lãnh đạo Ban quản lý công trình đầu tư giao thông tỉnh Quảng Ngãi nói.
Theo chủ đầu tư, cơ quan chức năng Quảng Ngãi đang lập hồ sơ, thủ tục trình Cục Hàng Hải Việt Nam công bố cảng biển Bến Đình. Lãnh đạo Quảng Ngãi cũng đã thống nhất bổ sung kè chắn sóng, gió bảo vệ cảng Bến Đình vào danh mục công trình đầu tư trung hạn thời gian tới.
Cầu dẫn kết hợp bến khách dài 116,5 m, rộng 13,5 m; cầu chính cho cập tàu dài 87 m, rộng 14 m. TS Bùi Việt Đông, Chủ nhiệm đồ án thiết kế cảng Bến Đình, cho biết đơn vị đã điều tra các yếu tố thủy hải văn trên mô hình toán bằng phần mềm MIKE-21.
Kết quả cho thấy vị trí xây cảng chịu tác động chủ yếu của sóng hướng đông - nam vào các tháng mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 9) với chiều cao 0,6-0,9 m tại khu vực nước sâu. Khi lan truyền vào trong, cột sóng cao 0,5-0,7 m. Đây là hướng sóng có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cảng.
Cầu cảng chính có thể tiếp nhận cùng lúc 2 tàu trọng tải lớn 1.000-2.000 tấn chở hàng hóa và đón tàu khách công suất 400 ghế. Tiến sĩ Đông đề xuất cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng kè chắn sóng cho cảng Bến Đình thì mới đáp ứng 100% yêu cầu đề ra.
Vị chuyên gia này phân tích so với các cảng ở đảo thì mức độ khai thác chỉ đạt 60-70%, thậm chí 50% mỗi năm. Muốn tăng thời gian khai thác thì các ngành, địa phương phải đầu tư xây dựng kè, đê chắn sóng cho cảng, biến cảng hở trở thành cảng kín.
Tháng 11/2016, dự án cảng Bến Đình được khởi công xây dựng ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Công trình có tổng vốn 257 tỷ đồng do Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, sau đó chuyển cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông của tỉnh.
Dự án gồm các hạng mục: Bến cập tàu dài 87 m, cầu dẫn 153 m, kè bảo vệ bờ, khu lấn biển 4,8 ha, khu vực cảng rộng hơn 3 ha, nhà ga rộng 1.000 m2 và nhà làm việc 250 m2.
Minh Hoàng