Sửa chữa, nâng cao an toàn đập và hồ chứa nước Thung Bằng
Công trình hồ chứa nước Thung Bằng (xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy), là hồ lớn của huyện Cẩm Thủy với dung tích chứa 3,902 triệu m3 nước. Tuy nhiên, do công trình được đầu tư xây dựng đã lâu (từ năm 1986 và được nâng cấp vào năm 2008), hiện nay thực trạng hồ Thung Bằng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Công ty CP Xây dựng nông nghiệp Thanh Hóa thi công tràn xả lũ, hồ chứa nước Thung Bằng.
Thực tế cao độ đỉnh đập hiện trạng không đồng đều, dao động trong khoảng (49.07 ÷ 49.64) m. Mặt đập hiện tại bằng đất, chiều rộng mặt đập nhỏ. Mái thượng lưu được lát gia cố bằng đá hộc lát khan, trên có tường chắn sóng cao 80cm bị xô lệch và nhiều đoạn nứt gãy. Mái đá lát thượng lưu hiện trạng không bằng phẳng, hệ số mái không còn đảm bảo như thiết kế ban đầu, lún sụt ở nhiều vị trí. Công nhân quản lý thường xuyên phải bốc xếp, lát lại, rất vất vả cho công tác quản lý, vận hành và bảo trì công trình. Mái hạ lưu đập bố trí rãnh thoát nước dọc bằng đá xây hiện đã xuống cấp, một số đoạn bị bong tróc, sụt lún. Thiết bị thoát nước thân đập lăng trụ kết hợp áp mái thực tế hoạt động kém, nhiều đoạn bị sụt lún, hư hỏng nặng. Trên mái đập dưới cơ hạ lưu có một số vị trí xuất hiện hiện tượng thấm, đã được đơn vị quản lý khắc phục tạm thời bằng đá hộc lát khan. Tràn xả lũ được gia cố bằng bê tông, đã bị nứt gãy, hư hỏng nặng. Hiện tại, các vị trí khớp nối của tường ngưỡng tràn và tường bên tả có nhiều vị trí thấm chảy ra. Ở thời điểm mực nước hồ đạt (+46.6m) các hiện tượng thấm trên có phần tăng mạnh. Vị trí nước chảy vào cách mép mái giao giữa đập với cửa tràn 10m về phía giữa đập. Khi mực nước hồ trên mực nước dâng bình thường thì các vị trí nước thấm chảy ra thành vòi tại rất nhiều vị trí. Tuyến đường quản lý, cứu hộ nối từ đường nhựa vào đập, kết cấu đường là đường bê tông, mặt cắt nhỏ hẹp, nhiều chỗ xuống cấp, bị vỡ lún, không đảm bảo kết cấu, giao thông đi lại, phục vụ công tác ứng cứu khi xảy ra sự cố. Nhà quản lý đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình quản lý, khai thác vận hành.
Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Thanh Hóa, công trình hồ chứa nước Thung Bằng thuộc dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) do Ngân hàng Thế giới tài trợ và vốn đối ứng của tỉnh, đã được triển khai thi công từ ngày 15-10-2021 với tổng số vốn xây lắp hơn 15 tỷ đồng. Trong đó các hạng mục được đầu tư để nâng cấp sửa chữa, bao gồm: Làm mới tràn xả lũ, nhà quản lý và đường quản lý vận hành. Hạng mục cống lấy nước chỉ được sửa chữa bằng biện pháp luồn ống thép và đổ bê tông tự lèn để chèn ống. Hạng mục đập đất: sửa chữa lại đống đá thoát nước hạ lưu, sửa chữa gia cố mái hạ lưu bằng đá lát khan và đổ bê tông mặt đập. Riêng phần đá lát khan phía thượng lưu và tường chắn sóng đã mô tả phía trên không được sửa chữa, nâng cấp gây nguy cơ mất an toàn cao và khó khăn trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng đồng thời mất mỹ quan công trình do chưa được đầu tư sửa chữa đồng bộ.
Khảo sát tại hiện trường thi công, chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa) đã phối hợp với địa phương khẩn trương thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; giám sát chất lượng thi công, phối hợp với nhà thầu giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, thực hiện mục tiêu trong quá trình thi công hồ Thung Bằng vẫn đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhà thầu là Công ty CP Xây dựng nông nghiệp Thanh Hóa đã triển khai một số giải pháp phù hợp, ưu tiên huy động xe máy cơ giới, cán bộ, kỹ sư, công nhân, tập kết vật liệu lên công trường khắc phục khó khăn, tranh thủ thời điểm thuận lợi, tổ chức thi công đồng loạt các hạng mục công trình nên tiến độ một số hạng mục khá nhanh, kỹ thuật, mỹ thuật bảo đảm.
Kết quả, đến đầu tháng 3-2020, đơn vị thi công đã tổ chức thi công các hạng mục của hồ Thung Bằng như đập, tràn,... đạt khoảng 45% so với tổng khối lượng phải làm. Riêng đường quản lý, vận hành chưa thi công.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Chanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu, cho biết: Để bảo đảm an toàn đập và mỹ quan của công trình hồ chứa nước Thung Bằng, đề nghị tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn xây dựng một số phần việc như tường chắn sóng mới thay cho tường chắn sóng cũ hiện nay đã bị đứt gãy, nghiêng, bê tông lồi lõm, để lộ thép, gây mất ổn định. Bổ sung cho phần việc sửa chữa, lát bổ sung, chêm chèn tạo phẳng mái hoặc có biện pháp khắc phục bảo đảm ổn định và mỹ quan tổng thể công trình từ cao trình +43 trở lên đỉnh đập...
Theo kế hoạch, đến 30-6-2022, đơn vị thi công hoàn thành sửa chữa, nâng cao an toàn hồ Thung Bằng, đưa công trình vào sử dụng tích trữ nước, cấp nước tưới cho 410 ha đất nông nghiệp, điều tiết lũ trong mùa mưa, bão, cải tạo cảnh quan môi trường và là địa điểm tốt về du lịch sinh thái, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.