Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là một sự kiện chính trị pháp lý trọng đại, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý và toàn xã hội. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (viết tắt là dự thảo nghị quyết) không chỉ là điều chỉnh về kỹ thuật pháp lý, mà còn thể hiện sự đổi mới tư duy của cả hệ thống chính trị, với một số nội dung rất quan trọng như: Vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị; đổi mới, tái cấu trúc mô hình tổ chức chính quyền địa phương... Các ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân đều hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân tốt hơn, giải phóng mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

* Tiến sĩ Luật học Lê Xuân Thân - Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh:

Cần bảo đảm thống nhất nội dung diễn đạt từ ngữ của Hiến pháp

Tôi thống nhất rất cao về phạm vi sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 là tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy. Sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh gọn tổ chức bộ máy là yêu cầu cấp thiết và là cơ sở pháp lý vững chắc trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Tiến sĩ Lê Xuân Thân.

Tiến sĩ Lê Xuân Thân.

Tôi cũng thống nhất hoàn toàn với nội dung sửa đổi khoản 2 Điều 9 của Hiến pháp khi quy định Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam. Nghĩa là, tập hợp các đầu mối về MTTQ Việt Nam với tư cách là tổ chức liên minh chính trị, là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Bởi vậy, tôi cũng tán thành việc sửa đổi tại khoản 1 Điều 84 về quyền đề xuất sáng kiến lập pháp của MTTQ Việt Nam, không còn ở các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài 8 điều mà Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, qua nội dung trên, tôi đề xuất sửa đổi thêm khoản 8 Điều 96 của Hiến pháp, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, trong đó có đoạn: Chính phủ phối hợp với UBMTTQ Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình. Do đã tập trung đầu mối về MTTQ Việt Nam nên đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa khoản này để bảo đảm thống nhất nội dung diễn đạt của Hiến pháp, là “phối hợp với UBMTTQ Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”.

Về khoản 2 Điều 115, tôi tán thành ý kiến cần giữ lại quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp tỉnh. Lý do là khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ không còn HĐND cấp huyện, TAND khu vực và VKSND khu vực thuộc cấp tỉnh, nên trách nhiệm của Chánh án TAND cấp tỉnh và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh nặng nề hơn, bao quát hơn. Về kỹ thuật lập pháp, cụm từ “do luật định”, “theo luật định” đã xuất hiện trong nhiều điều khoản của Hiến pháp. Tôi đề nghị bổ sung cụm từ “theo luật định”; chất vấn Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh theo luật định. Các luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp như thế nào thì quyền chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh thực hiện theo đúng như vậy.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 9 ghi rất rõ Công đoàn Việt Nam và 4 tổ chức chính trị xã hội khác trực thuộc MTTQ Việt Nam, nhưng tại Điều 10, khi quy định về Công đoàn Việt Nam lại tiếp tục nhắc lại Công đoàn Việt Nam trực thuộc MTTQ Việt Nam. Theo tôi, nội dung này đã được nêu tại khoản 2 Điều 9 thì không nên quy định lặp lại ở Điều 10 của Hiến pháp.

T.M (Ghi)

* Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư tỉnh):

Phải bảo đảm cơ chế giám sát của nhân dân đối với quyền lực tư pháp thông qua quyền chất vấn của đại biểu HĐND

Khoản 2 Điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định, đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND. Dự thảo nghị quyết đã đề xuất bỏ nội dung này với lý do thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, sẽ không tổ chức TAND, VKSND cấp huyện, thay bằng TAND, VKSND khu vực, không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà.

Theo tôi, cần duy trì quyền chất vấn này, vì Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND đều có những quy định đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giám sát thẩm phán, kiểm sát viên... TAND, VKSND đều chịu sự giám sát của nhân dân, Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên theo quy định của pháp luật. Giám sát hoạt động của TAND, VKSND vừa để bảo đảm tuân thủ pháp luật, vừa để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND là một cơ chế giám sát hữu hiệu, được người dân tin tưởng gửi gắm cho đại biểu HĐND. Bỏ quy định này sẽ ảnh hưởng đến quyền giám sát của nhân dân, nhất là khi tiêu cực và tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp đang có xu hướng diễn biến phức tạp.

Nghị quyết số 66, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới cũng nêu rõ: Việc xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”. Dự thảo nghị quyết đề xuất bỏ quy định Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, hoặc không tổ chức cơ quan điều tra thuộc VKSND tối cao là không phù hợp với Hiến pháp và luật, chưa “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam". Hiến pháp cần đảm bảo cơ chế giám sát của nhân dân đối với quyền lực tư pháp thông qua quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với không chỉ Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND mà cả lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự... Quy định số 132, ngày 27-10-2023 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng đã nhận diện xử lý nghiêm 28 nhóm hành vi lợi dụng chức vụ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án.

N.V (Ghi)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/hien-phap-2013/202505/sua-doi-bo-sung-hien-phap-de-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-giai-doan-moi-22e4c7a/