Sửa đổi các luật lĩnh vực tài chính: Tăng tính linh hoạt trong sử dụng, phân bổ ngân sách

Sáng 7/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Nhất trí thông qua dự án luật tại 1 kỳ họp

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cấp thiết cần sửa đổi ngay trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Từ đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn lực ngoài Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kế toán, kiểm toán độc lập, quản lý thuế, quản lý thị trường chứng khoán.

Doanh nghiệp quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính

Dự thảo sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập bổ sung quy định bắt buộc doanh nghiệp quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính. Đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng cần làm rõ tiêu chí của doanh nghiệp lớn. Phó Thủ tướng đề nghị việc này giao cho Chính phủ quy định để phù hợp với từng giai đoạn, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến về phạm vi sửa đổi luật, việc thông qua dự án luật tại kỳ họp này; sự cần thiết, cấp bách phải sửa đổi một số điều khoản trong dự thảo luật, tính thống nhất của các điều khoản sửa đổi so với các luật khác để đảm bảo tính khả thi của các quy định, không gây ra xung đột pháp lý, không phát sinh vướng mắc, bất cập mới gây khó khăn, bất lợi cho người dân, doanh nghiệp và gây lãng phí, thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật và trình Quốc hội để ban hành.

Về những nội dung cụ thể, trong quá trình góp ý, một số đại biểu băn khoăn liệu sửa Luật NSNN này có xung đột với Luật Đầu tư công. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bàn rất kỹ để những sửa đổi tại Luật NSNN lần này phù hợp với Luật Đầu tư công cũng đang được sửa đổi.

Tại Luật NSNN, một trong những nội dung mới là bổ sung quy định về việc bố trí vốn cho các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) được phân bổ vốn theo pháp luật về NSNN.

Giải thích về quy định này, Phó Thủ tướng cho hay Luật Đầu tư công đã quy định về KHĐTCTH cân đối với kế hoạch tài chính 5 năm, tránh tình trạng không có nguồn vốn đầu tư, khiến xảy ra việc nợ nần và đồng thời tăng tính hiệu quả của các dự án.

Tuy nhiên, trong năm ngân sách có những khoản tăng thu, tiết kiệm chi được bố trí cho các dự án cần thiết phát sinh mà chưa có trong KHĐTCTH. Ví dụ, cầu Phong Châu bị sập, vì không có trong kế hoạch nên sẽ không được làm lại ngay theo luật cũ. Tuy nhiên, việc dùng nguồn dự phòng ngân sách hoặc nguồn tiết kiệm chi đầu tư đầu tư sẽ sớm hoàn thành công trình cho người dân đi lại. “Rõ ràng đây là vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa đảm bảo điều hành bền vững chính sách tài khóa, phát huy hiệu quả nguồn lực ngân sách của nhà nước” - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.

Cũng về Luật NSNN, có ý kiến đại biểu cho rằng dự toán đã được Quốc hội phân bổ, không nên giao Chính phủ điều hành khoản dự toán này. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề này đã nhiều lần được đề cập. Ví dụ 1 dự án 19 tỷ đồng cũng phải trình ra Quốc hội hay dự án viện trợ của nước ngoài 21 tỷ đồng cũng trình ra Quốc hội trong khi đó tổng dự toán Quốc hội đã phê duyệt và không thay đổi. Việc này tốn nhiều công sức, ảnh hưởng đến quá trình điều hành.

Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị khi Quốc hội đã quyết định dự toán tổng thể thì sau đó Chính phủ sẽ điều hành phân bổ từng khoản khi có đơn giá, định mức được phê duyệt. Điều này sẽ cá thể hóa trách nhiệm, Chính phủ phải chịu trách nhiệm điều hành.

Vi phạm trong kiểm toán độc lập: Xử phạt nặng để tăng tính răn đe

Về Luật Kiểm toán độc lập, tại phiên thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung có nêu ý kiến mức phạt mới về vi phạm trong kiểm toán độc lập quá cao, thời hiệu xử phạt quá dài.

Nội dung này được Phó Thủ tướng giải trình nêu rõ, nếu vi phạm về hình sự thì phải bị khởi tố hình sự. Nếu chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng hành vi đó nguy hiểm, gây thiệt hại, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội thì phải phạt ở mức cao để răn đe.

Thực tế cho thấy, các mức phạt như luật cũ không đủ tính răn đe. Do đó, với lĩnh vực đặc thù này, Chính phủ đề xuất với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, gian lận phát hành trái phiếu... mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự thì phải phạt nặng hơn trước và mở rộng thời hiệu xử phạt lên 5 năm.

Ở Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị quy định tài sản liên doanh liên kết ở đơn vị sự nghiệp công lập. Phó Thủ tướng cho hay nội dung này đã được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Riêng về đất đai thì thực hiện theo Luật Đất đai. Các đơn vị sự nghiệp công lập có quyền liên doanh liên kết để thực hiện các dịch vụ theo chức năng nhiệm vụ của mình nhưng không được làm mất tài sản công, mất đất.

Đối với Luật Chứng khoán, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung nội dung không quy định bắt buộc giảm vốn điều lệ khi doanh nghiệp mua lại cổ phần của người lao động trong doanh nghiệp. Cho rằng đây là đề xuất hợp lý, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp thu để quy định theo hướng cho phép cơ quan phát hành mua lại và bán cho chủ sở hữu, không giảm vốn điều lệ.

Về ý kiến đề nghị bổ sung là quy định phải có tài sản đảm bảo hoặc ngân hàng thương mại bảo lãnh khi phát hành trái phiếu ra công chúng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay cơ quan soạn thảo vốn đã đưa nội dung này vào dự thảo Luật.

Tuy nhiên sau nhiều lần tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ ngành, doanh nghiệp, Chính phủ đã họp và thống nhất không cần quy định phải bảo lãnh, tài sản đảm bảo vì nếu quy định như vậy sẽ thu hẹp, ảnh hưởng thị trường chứng khoán hiện nay. Do đó phải đánh giá theo thông lệ quốc tế là xếp hạng tín nhiệm để thực hiện phát hành ra công chúng, cùng với tăng cường thanh, kiểm tra để hạn chế rủi ro.

ĐẠI BIỂU ĐỖ ĐỨC HIỂN (ĐOÀN TP. HỒ CHÍ MINH): Quy định cụ thể về việc ngân hàng làm thành viên bù trừ, thanh toán

Khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán hiện hành về quyền của thành viên bù trừ chứng khoán Việt Nam là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh mà không thực hiện bù trừ, thanh toán cho giao dịch chứng khoán cơ sở. Việc sửa đổi bổ sung quy định này góp phần làm rõ hơn nội dung quy định của luật hiện hành theo hướng cho phép ngân hàng tham gia cơ chế đối tác bù trừ trung tâm với vai trò bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở.

Theo đại biểu, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm phù hợp với thông lệ quốc tế. Quy định này cũng đảm bảo ghi nhận quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật giữa các đối tượng được quyền làm thành viên bù trừ và không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với các ngân hàng; thống nhất với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2025, việc cho phép các ngân hàng được làm thành viên bù trừ của cơ chế đối tác bù trừ trung tâm theo thông lệ quốc tế là cấp thiết để Tổ chức xếp hạng xem xét, đánh giá trong kỳ xếp hạng gần nhất.

Đồng thời, để bảo đảm nội dung này được thực thi thuận lợi, tránh rủi ro, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước phối hợp chặt chẽ, sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế vận hành phù hợp.

ĐẠI BIỂU ĐỖ THỊ LAN (ĐOÀN QUẢNG NINH): Đề nghị mở rộng phạm vi sử dụng ngân sách địa phương

Đại biểu thống nhất với một số quy định của Luật NSNN sửa đổi một số điều hiện nay về nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách.

Luật hiện hành quy định không được dùng ngân sách của cấp này chi cho nhiệm vụ ngân sách của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Dự thảo luật mới đã bổ sung quy định "sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn và hỗ trợ các địa phương khác trong đầu tư các dự án".

Theo đại biểu quy định như vậy phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc về vốn đầu tư, sớm triển khai thực hiện được các dự án trong kế hoạch đầu tư công cũng như tạo động lực, điều kiện để phát triển kinh tế vùng, kinh tế liên vùng và cả nước.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định mở rộng hơn phạm vi sử dụng ngân sách địa phương chi cho nhiệm vụ chi thường xuyên, hỗ trợ cho cơ quan thuộc bộ, ngành quản lý đóng trên địa bàn, các nhiệm vụ giao địa phương thực hiện liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hỗ trợ cho các địa phương khác thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên như đảm bảo an ninh, trật tự, an sinh xã hội, giảm nghèo…

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-doi-cac-luat-linh-vuc-tai-chinh-tang-tinh-linh-hoat-trong-su-dung-phan-bo-ngan-sach-163512.html