Sửa đổi Hiến pháp, nâng tầm chính sách dân tộc, tôn giáo
Sửa đổi Hiến pháp là bước đi chiến lược nhằm hoàn thiện thể chế, sẽ nâng tầm chính sách dân tộc, tôn giáo, góp phần bảo đảm đoàn kết toàn dân tộc, phát triển bao trùm và bền vững.
Dân tộc, tôn giáo là nội dung hiến định quan trọng
Hiến pháp là đạo luật gốc, có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia, thể hiện tập trung ý chí, nguyện vọng và quyết tâm chính trị của toàn dân tộc. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp không chỉ là yêu cầu kỹ thuật pháp lý mà là một hành động chính trị sâu sắc, thể hiện rõ nguyên tắc "nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước".
Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới – với tầm nhìn đến năm 2030, 2045, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là minh chứng cho tinh thần cầu thị, dân chủ và vì dân của Quốc hội, khẳng định vai trò trung tâm của người dân trong quá trình hoạch định chính sách và xây dựng thể chế.
Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, cho đến các lần sửa đổi vào các năm 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo luôn là nội dung hiến định quan trọng, phản ánh tư tưởng nhất quán của Đảng và Nhà nước ta: Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và tương trợ giữa các dân tộc; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo – một trong những quyền con người cơ bản, được luật hóa và bảo vệ.
Hiến pháp 2013 quy định tại Điều 5, Điều 24 và nhiều điều khoản khác về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, quyền sử dụng ngôn ngữ dân tộc, và quyền tự do tín ngưỡng, không tín ngưỡng. Đây là những nội dung phản ánh nhận thức pháp lý tiến bộ, phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, sau hơn một thập niên triển khai Hiến pháp 2013, tình hình thực tiễn đã đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi phải được phản ánh rõ ràng, kịp thời và đầy đủ trong Hiến pháp sửa đổi.
Những biến động về kinh tế - xã hội, tác động của chuyển đổi số, yêu cầu phát triển bền vững và bao trùm, cũng như sự gia tăng tính đa dạng về tôn giáo, văn hóa, dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế… khiến các quy định hiện hành tuy còn giá trị, nhưng cần được điều chỉnh, nâng tầm và hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần được nhìn nhận như một cơ hội hiếm có để củng cố khung pháp lý vững chắc cho chính sách dân tộc và tôn giáo trong kỷ nguyên phát triển bền vững.

Nghi lễ thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Ảnh: Cao Quý
Định hình lại cách tiếp cận đối với các vấn đề dân tộc, tôn giáo
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp không đơn thuần là điều chỉnh câu chữ pháp lý, mà là cơ hội để định hình lại cách tiếp cận đối với các vấn đề dân tộc, tôn giáo trong bối cảnh mới. Chính sách dân tộc, tôn giáo không chỉ nhằm bảo đảm quyền bình đẳng và tự do, mà còn cần tạo điều kiện để các cộng đồng dân tộc thiểu số, chức sắc, tín đồ tôn giáo phát huy tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Việc bổ sung các nội dung về quyền phát triển, quyền tiếp cận dịch vụ công, quyền gìn giữ bản sắc, quyền đại diện chính trị của đồng bào dân tộc thiểu số, hay quyền tham gia vào tiến trình chính sách của các tổ chức tôn giáo… là cần thiết để đưa các cam kết về nhân quyền, công lý và bao trùm vào thực tế pháp lý, thể chế hóa bằng Hiến pháp – văn kiện pháp lý tối cao.
Hiến pháp sửa đổi cần khẳng định vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các nhóm yếu thế – trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, người có tín ngưỡng, tôn giáo thiểu số.
Một nền tảng hiến định vững chắc sẽ giúp các chính sách dân tộc, tôn giáo không chỉ mang tính hỗ trợ, đảm bảo tối thiểu, mà hướng đến trao quyền thực chất – quyền tiếp cận tri thức, hạ tầng, nguồn lực phát triển; quyền tham gia chính sách một cách bình đẳng và có tiếng nói.
Hiến pháp không chỉ là đạo luật, mà còn là một tuyên ngôn chính trị và đạo lý dân tộc. Sửa đổi Hiến pháp lần này là dịp để Nhà nước Việt Nam tái khẳng định cam kết xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh – nơi mà mọi người dân, dù là dân tộc thiểu số hay tín đồ tôn giáo, đều được bảo vệ phẩm giá, được phát triển, được cống hiến và được sống hạnh phúc.
Một bản Hiến pháp được sửa đổi thành công sẽ là lời khẳng định với quốc tế về sự trưởng thành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – không ngừng hoàn thiện thể chế vì con người, vì hạnh phúc của toàn dân tộc.