Sửa đổi Luật các TCTD 2024: Kỳ vọng tạo bước ngoặt trong xử lý nợ xấu
Sau hơn 6 năm triển khai, Nghị quyết 42 đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc tháo gỡ các vướng mắc và tạo nền tảng pháp lý cho công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, kể từ khi nghị quyết này hết hiệu lực vào cuối năm 2023, hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gặp không ít trở ngại, đặc biệt do nhiều quy định quan trọng chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng hồ sơ pháp lý nhằm kế thừa và phát huy kết quả từ Nghị quyết 42. Dự thảo luật sửa đổi hiện đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.TS. Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đã có những chia sẻ thẳng thắn về các điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu hiện nay, kỳ vọng từ Luật TCTD sửa đôỉsẽ gỡ vướng pháp lý, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và an toàn hệ thống.
Thưa ông, Luật các TCTD 2024 tác động như thế nào đối với nền kinh tế nói chung, hệ thống các TCTD nói riêng đặc biệt trong việc nâng cao an toàn xử lý tài chính và nợ xấu?
Luật các TCTD 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sau khi được Quốc hội thông qua, với nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vướng mắc từ luật cũ. Chính phủ và NHNN đã kịp thời ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, giúp luật dần đi vào cuộc sống. Bước đầu, Luật đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một số quy định quan trọng từ Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu không được kế thừa trong luật mới, khiến công tác thu hồi nợ của các ngân hàng hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhìn nhận một cách tổng thể có thể thấy rằng, sau khi nghị quyết 42 ban hành, tín hiệu thu hồi nợ xấu rất tích cực tỷ lệ nợ xấu tăng từ 10% đưa về mặt bằng chung loại trừ nợ bán cho VAMC dưới 3%, nếu tính cả nợ VAMC khoảng 5%. Vấn đề đáng nói ở đây là ý thức trả nợ của khách hàng đã được nâng lên, trách nhiệm với khoản nợ tăng lên rõ rệt. Như vậy có thể thấy, qua 6 năm triển khai nghị quyết 42 thì đã có tác dụng rất tích cực, đưa tỷ nợ xấu về mức cho phép.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, ngành ngân hàng đã gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ xấu. Ý thức trả nợ của khách hàng có dấu hiệu suy giảm, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng dần: tính đến 31/12/2024 là 5,36%, và trong hai tháng đầu năm 2025 đã lên tới 5,47%, tương đương mức tăng 34 nghìn tỷ đồng. Mặc dù tốc độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng đang từng bước cải thiện, nhưng phương thức xử lý chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn dự phòng rủi ro (chiếm trên 48%), trong khi tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chỉ đạt khoảng 35%. Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản đảm bảo chỉ thu về được hơn 7 nghìn tỷ đồng, cho thấy hiệu quả thu hồi nợ đang chậm lại một cách rõ rệt. Trong bối cảnh này, việc sửa đổi, bổ sung Luật TCTD 2024, đặc biệt là các quy định liên quan đến xử lý nợ xấu, là hết sức cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại và nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng.
Thứ nhất, luật sẽ hỗ trợ các ngân hàng thu hồi nợ hiệu quả hơn, qua đó giảm tỷ lệ nợ xấu và giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho các tổ chức tín dụng mà còn tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Thứ hai, luật sẽ nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng, đặc biệt là với các khoản nợ xấu. Theo tinh thần của Luật Dân sự, khách hàng cần có trách nhiệm hoàn trả nợ hoặc chủ động bàn giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng xử lý khi không có khả năng thanh toán.
Thứ ba, việc xử lý nợ xấu hiệu quả sẽ giúp tăng tốc độ luân chuyển vốn trong hệ thống ngân hàng. Khi nguồn vốn được giải phóng và quay vòng nhanh hơn, các ngân hàng sẽ có thêm dư địa để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Cuối cùng, đối với các khoản nợ xấu mà ngân hàng xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro hiện nay với số lượng rất lớn trên 600 nghìn tỷ đồng. Nếu được xử lý hợp lý, nguồn vốn này có thể được đưa trở lại lưu thông, góp phần tăng cường nguồn lực tài chính cho nền kinh tế. Đồng thời, luật mới cũng sẽ giúp nâng cao hệ số an toàn vốn (hệ số CAR) của các tổ chức tín dụng. Từ đó, tăng cường an toàn cho cả hệ thống ngân hàng và từng tổ chức tín dụng riêng lẻ. Những cải cách này trong Luật các TCTD 2024 hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả tích cực toàn diện, từ việc xử lý nợ xấu đến nâng cao năng lực tài chính của toàn hệ thống ngân hàng.
NHNN đã đề xuất một số nhóm nội dung sửa đổi trọng tâm trong dự thảo như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản của bên phải thi hành án đang được làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, hoàn trả tài sản sản bảo đảm là vật chứng của vụ án. Quan điểm của ông về các nội dung sửa đổi này như thế nào?
Việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD năm 2024 về xử lý nợ xấu đã đề xuất ba nội dung quan trọng phù hợp với thực tế hiện nay. Trong đó có quy định cho phép các TCTD được kê biên, thu giữ tài sản đảm bảo khi khách hàng có nợ xấu mà không chịu hoàn trả.
Trước đây, Nghị định 163 từng cho phép thực hiện việc này, nhưng sau đó Luật Dân sự sửa đổi đã thu hẹp quyền của ngân hàng. Mặc dù Nghị quyết 42 tạm thời khôi phục quyền thu giữ tài sản đảm bảo, nhưng khi hết hiệu lực, các ngân hàng lại mất đi công cụ quan trọng này trong xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo. Quy định mới không chỉ giúp nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng mà còn hạn chế tình trạng tranh chấp kéo dài. Thực tế cho thấy nhiều khoản nợ xấu bị đình trệ 5-10 năm do quá trình tố tụng phức tạp, khiến việc thu giữ và phát mại tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tôi cho rằng quy định này sẽ giúp ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.
Ngoài ra, đối với kê biên tài sản đảm bảo thi hành án cần được đặc biệt quan tâm trong quá trình xử lý nợ xấu. Thực tế cho thấy nhiều tài sản đã được thế chấp cho ngân hàng nhưng sau đó lại bị kê biên do các vụ án khác, dẫn đến ngân hàng không thể thu hồi được cả gốc lẫn lãi từ các khoản nợ có tài sản đảm bảo. Trong bối cảnh này, việc sửa đổi Luật các TCTD 2024 cần quy định rõ ưu tiên phát mại tài sản đã thế chấp cho ngân hàng để xử lý nợ. Tuy nhiên, cần có cơ chế cân bằng giữa hai mục tiêu: vừa đảm bảo thi hành án, vừa bảo toàn giá trị tài sản đủ để trả nợ cho ngân hàng. Cụ thể, nên xác định tỷ lệ phân chia hợp lý giữa phần giá trị tài sản dùng để thi hành án và phần dành cho ngân hàng thu hồi nợ, đảm bảo không làm suy giảm nguồn lực tài chính của các tổ chức tín dụng. Giải pháp này sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả ngân hàng và cơ quan thi hành án, đồng thời duy trì tính minh bạch và hiệu quả trong xử lý nợ xấu.
Đối với việc hoàn trả vật chứng trong các vụ án hình sự và dân sự đóng vai trò quan trọng trong công tác xử lý nợ xấu của ngân hàng. Hiện nay, nhiều tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, xét xử thường bị giảm giá trị nghiêm trọng, thậm chí mất hết giá trị khi vụ án kết thúc. Điển hình như hàng hóa tồn kho nếu không được hoàn trả kịp thời sẽ dẫn đến hư hỏng, lỗi thời. Do đó, cần thiết lập cơ chế hoàn trả nhanh chóng các tài sản không liên quan đến vụ án cho ngân hàng để kịp thời phát mại, góp phần đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ xấu. Điều này không chỉ bảo vệ giá trị tài sản mà còn hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ. Để xử lý nợ xấu đồng bộ và hiệu quả, ngoài các quy định hiện tại, theo tôi cần sớm sửa đổi bổ sung các luật liên quan như Luật Đất đai nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất trong toàn bộ quy trình thu hồi và xử lý nợ xấu.
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự án Luật sửa đổi là việc NHNN có thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt với mức lãi suất 0% mỗi năm kể cả khi không có tài sản bảo đảm. Theo ông cơ chế này sẽ có tác động như thế nào về việc hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn?
Luật các TCTD sửa đổi 2024 đã có bước đột phá khi chuyển thẩm quyền phê duyệt các khoản vay đặc biệt từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất 0%/năm. Cơ chế này đặc biệt quan trọng đối với các ngân hàng yếu kém, tổ chức tín dụng đang tái cơ cấu hoặc đối mặt với tình trạng rút tiền ồ ạt. Thực tế cho thấy, việc giao quyền cho NHNN sẽ giúp xử lý nhanh chóng các tình huống khẩn cấp, tránh bỏ lỡ “thời điểm vàng” khi phải chờ trình tự phê duyệt phức tạp. Đáng chú ý, khoản vay này có thể áp dụng cả với trường hợp có hoặc không có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, Luật cũng bổ sung cơ chế cảnh báo sớm, theo đó khi hệ thống chuyển sang trạng thái cảnh báo đặc biệt, NHNN sẽ có quyền can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn rủi ro lan rộng.
Về thực tế triển khai thu hồi nợ xấu tại các TCTD, theo ông đâu là những điểm cần hoàn thiện thêm để các quy định mới đi vào cuộc sống đảm bảo công bằng, minh bạch, bảo về quyền lợi của các bên liên quan?
Các TCTD luôn mong muốn khách hàng chủ động trả nợ đúng hạn, thay vì phải áp dụng biện pháp phát mại tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy nhiều khách hàng còn thiếu ý thức trách nhiệm, cố tình trì hoãn việc trả nợ với tâm lý trông chờ vào việc giãn nợ, giảm lãi, thậm chí chờ đợi giá trị tài sản tăng lên để có lợi thế khi thanh toán. Điều này khiến việc xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, làm giảm hiệu quả thu hồi vốn của ngân hàng. Vì vậy cần có động thái để thu hồi nợ bằng việc sửa đổi bổ sung Luật các TCTD kỳ này ngân hàng được quyền thu giữ. Tuy nhiên không phải cứ có nợ xấu là thu giữ mà cần có lộ trình. Qua kinh nghiệm xử lý nợ xấu các TCTD cũng xác định khi tiến hành tổ chức thu giữ tài sản đảm bảo của khách hàng, ngân hàng sẽ làm việc hết sức thận trọng, minh bạch, khách quan để đảm bảo khi thu giữ, phát mại tài sản đảm bảo đảm thi hành đúng quy định của pháp luật. Theo tôi sửa đổi Luật TCTD năm 2024 kỳ này sẽ tạo điều kiện cho các TCTD triển khai theo lộ trình và có kế hoạch đồng thời các ngân hàng cũng có cá quy định nội bộ trong việc thu hồi nợ xấu để đảm bảo tính minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát huy tác dụng.
Ông kỳ vọng gì vào tiến trình thông qua Luật sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và những tác động tích cực mà luật có thể mang lại ngay sau khi được ban hành?
Theo tôi được biết Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua và trình Quốc hội. Tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ xem xét thông qua sửa đổi bổ sung một số điều Luật TCTD 2024. Đây là thời điểm và cơ hội để ngành Ngân hàng nâng cao vị thế vai trò vị thế của Ngành, tăng năng lực tài chính, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thu hồi nợ xấu cũng là một trong những biện pháp hết sức quan trọng để giảm những khoản vốn đang bị tồn đọng rất nhiều để đưa vào lưu thông. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng giảm chi phí cho hoạt động có điều kiện giảm lãi suất cho khách hàng.

Tôi mong các khách hàng vay vốn ngân hàng đồng thuận và ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD lần này. Nếu luật đi vào thực tiễn và giúp giảm tỷ lệ nợ xấu giảm xuống và xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng, thì chắc chắn tiềm lực tài chính của các tổ chức tín dụng sẽ được củng cố, chi phí giảm, lợi nhuận tăng, qua đó đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Quan trọng hơn, nguồn vốn sẽ được tập trung cho sản xuất – kinh doanh, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế trên 8% và tạo nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới từ năm 2026 trở đi.