SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: CHỈ THỂ CHẾ HÓA NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ CHÍN, ĐÃ RÕ
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ đây là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội đất nước và có tác động sâu sắc tới việc thực thi các chính sách, các quy định trong rất nhiều đạo luật khác.
Tổng thuật sáng 22/9: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Chỉ thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và Trung ương đã có kết luận
Luật Đất đai là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Không chỉ giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai mà đạo luật này còn tác động sâu sắc tới việc thực thi các chính sách, các quy định trong rất nhiều đạo luật khác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, có nhiều người giàu lên từ đất, nghèo đi cũng vì đất; mất tình đồng chí, tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa anh em, gia đình cũng vì đất; 70% khiếu kiện, khiếu nại cũng là do những vấn đề liên quan đến đất đai…
Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã tạo hành lang pháp lý để khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai, giao đất, cho thuê đất còn bất cập, vi phạm về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp; nhiều vụ việc nghiêm trọng phải xử lý hình sự, chưa đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, khiếu kiện về đất đai của nhiều phức tạp, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ.
Cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Quá trình xây dựng và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức, cơ quan hữu quan; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới. Năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật; cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện việc thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật.
Đây là lần đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật này, nhưng theo ghi nhận của Chủ tịch Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị công phu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong quá trình sửa đổi luật, phải bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, từ chủ trương thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết.
Chỉ ra một số chủ trương lớn cần tiếp tục cần thể chế hóa trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, chỉ thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và Trung ương đã có kết luận. Việc sửa đổi Luật Đất đai phải kế thừa các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, vận hành thông suốt. Sửa đổi, bổ sung các quy định để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài và tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Mọi đề xuất, quy định đưa vào dự án luật phải đánh giá rất kỹ lưỡng, trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của cộng đồng, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người dân, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Thực hiện tách bạch giữa quan hệ đất đai mang tính chất công với những quan hệ đất đai mang tính chất tư.
Bám sát, thể chế hóa đầy đủ, đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ cần nhận thức và xác định rõ về quan điểm sửa đổi Luật cũng như nêu bật được tính chất quan trọng của Luật Đất đai để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đây là đạo luật quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đối với hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế, từng người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu nói Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước thì Luật Đất đai chỉ đứng sau vị trí của Hiến pháp và giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách quy định trong nhiều đạo luật khác.
Đồng thời cần xác định việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này là một sự kiện chính trị pháp lý lớn của đất nước, là một đợt sinh hoạt chính trị để triển khai chủ trương của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết 18-NQ/TW, do đó phải bám sát và thể chế hóa đúng đắn, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối được nêu ở trong các văn kiện của Đảng. Nếu làm không kỹ, không thận trọng, không được cân nhắc kỹ lưỡng sẽ tác động tiếp đến tất cả những mối quan hệ pháp lý khác. Nếu giải quyết tốt được các vấn đề của Luật Đất đai sẽ có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết được nguyên nhân căn bản dẫn đến những tình trạng phức tạp trong khiếu nại, tố cáo hiện nay. Để làm được điều đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng phải làm thật kỹ, cách đặt vấn đề cần hết sức kỹ lưỡng, thận trọng và đánh giá toàn diện mọi mặt khi xây dựng và ban hành luật. Đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn tinh thần và đảm bảo tính hợp hiến của các nội dung quy định trong Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho rằng việc xây dựng dự án Luật cần bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài, tránh hợp thức hóa những vi phạm, các vấn đề phát sinh trong thực tiễn mang tính sự vụ, hiện tượng. Đồng thời cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan, nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Đồng tình với các quan điểm trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp rất quan tâm đến việc sửa đổi Luật lần này. Dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo vẫn chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai đã có những vấn đề bất cập, một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách để đảm bảo đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp 2013 vào dự thảo Luật. Tập trung rà soát các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, để tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính. Cùng với đó cần quy định rõ hơn việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai.
Để hồ sơ dự án Luật đảm bảo chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là 8 nội dung theo Nghị quyết 18-NQ/TW. Tập trung vào các vấn đề lớn, cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật, hoàn thiện các báo cáo đánh giá tác động để thuyết minh, thuyết phục các chính sách sửa đổi, bổ sung, thể hiện đầy đủ các nội dung được đánh giá và bất cập của luật hiện hành vào luật sửa đổi, rà soát để đảm bảo luật không trái với các hiệp định ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=68755