Sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường: Cần có sự đồng hành của Chính phủ, Quốc hội và các tầng lớp trong xã hội
Chiều 11/11, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất rằng việc sửa đổi hai bộ luật cần có sự đồng hành của Chính phủ, Quốc hội và các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, theo Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 6/2020, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về hai bộ luật quan trọng thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường là Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường.
Để sửa đổi hai bộ luật này, Bộ TN&MT đã sơ kết đánh giá kết quả 5 năm thi hành, xác định các vấn đề mới đã được ban hành trong các Nghị quyết của Đảng, những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia để xác định các vấn đề trọng tâm, cốt lõi cần phải sửa đổi, bổ sung để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước trong giai đoạn tới.
Về chính sách đất đai, hiện nay, Bộ TN&MT đang xem xét giải quyết 4 nội dung cốt lõi về chuyển mục đích sử dụng đất; quy hoạch đất đai; vướng mắc và xung đột với các bộ luật; quản lý đất đai thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Từ các nội dung chủ lực đó đi vào những chính sách cụ thể và đề xuất những vấn đề mang tính định hướng chính sách.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nêu rõ, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất và quy hoạch đất đai; vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai; đảm bảo chống thất thu ngân sách Nhà nước trong định giá để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong thu hồi đất...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Luật phải đảm bảo thực hiện tốt dịch vụ công về đất đai để giải quyết thủ tục hành chính, phòng ngừa tham nhũng và tạo cơ chế quản lý minh bạch.
Bộ xác định trách nhiệm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là xem xét tiếp cận thực tiễn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, những chủ trương, chính sách mới về tiếp cận đất đai trong thời gian tới liên quan đến an ninh lương thực, giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh.