Sửa đổi Luật Đất đai: Xác định giá đất thế nào để tránh đầu cơ, sốt ảo?

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, sáng 14-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước ta phát triển có thu nhập cao.

Đồng thời, các đại biểu cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật phức tạp, có phạm vi tác động rộng và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Các đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện của pháp luật về đất đai.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Tính toán kỹ giá đất sát với giá thị trường

Góp ý vào dự thảo luật, tại phiên họp, việc dự thảo luật đã bỏ khung đất đai, khung giá đất, đề xuất việc xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận.

Đề cập đến nội dung này, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh đây là nội dung sửa đổi quan trọng, phù hợp với thực tiễn hiện nay; tuy nhiên việc xác định giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó.

Do đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh, việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ công tác công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng ổn định về giá thị trường; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai…

 Đại biểu Huỳnh Thanh Phương: Cần có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương: Cần có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nêu rõ thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua có một phần nguyên nhân là do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.

Nhấn mạnh tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể, nữ đại biểu đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hằng năm.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc: Cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất hằng năm.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc: Cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất hằng năm.

Chung mối quan tâm, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng, việc xác định định giá đất tiếp cận với giá thị trường là điều rất khó; cần phải quy định thể chế thật kỹ về tiêu chí, điều kiện, có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, cơ sở để tham khảo từ Hội đồng định giá để bảo đảm định giá sát với giá thị trường.

Làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng

Đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) quan tâm tới các trường hợp nhà nước thu hồi đất. Đại biểu cho rằng, đây là một trong những lĩnh vực có nhiều khiếu nại, nguyên nhân là do các quy định liên quan đến lĩnh vực này còn bất cập, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. Đồng thời, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương cũng nêu rõ tinh thần này.

Đại biểu cho rằng việc sửa đổi luật lần này cần khắc phục những bất cập đang có trong luật hiện hành, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất. Đại biểu chỉ rõ, Điều 86 của dự thảo luật có quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. So với luật hiện hành thì quy định có phạm vi mở rộng hơn, nhưng lại chưa rõ về mục đích, chưa nổi bật tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải thu hồi. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về nội dung này.

Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết của Trung ương, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cần làm rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy; làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để bảo đảm việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng.

Đại biểu Tô Văn Tám: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Đại biểu Tô Văn Tám: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) dẫn báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.

“Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của Nhà nước nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm”, đại biểu nói.

Do đó, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

“Tuy nhiên, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định; do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân”, đại biểu này tỏ băn khoăn.

Từ đó, đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng: Những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi; còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

NGUYỄN THẢO – CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/sua-doi-luat-dat-dai-xac-dinh-gia-dat-the-nao-de-tranh-dau-co-sot-ao-710965