Sửa đổi Luật Dầu khí cần tập trung điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh
Các ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần tập trung sửa đổi để khắc phục những tồn tại hiện hữu và phù hợp với các vấn đề mới phát sinh. Mặt khác, cần sửa đổi chi tiết, cụ thể về các hoạt động dầu khí, nhằm phân định rõ vai trò của đại diện nước chủ nhà và Tập đoàn Dầu khí trong thực hiện hợp đồng dầu khí.
Trong phiên thảo luận Tổ chiều 3.6, cùng với các ĐBQH tỉnh Phú Yên, Quảng Bình, Vĩnh Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tập trung đóng góp ý kiến liên quan đến Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Xem xét vai trò đại diện củaTập đoàn Dầu khí trong thực hiện hợp đồng
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cho rằng: Dầu khí là lĩnh vực có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quốc phòng - an ninh. Tuy vậy, Luật Dầu khi đã được xây dựng từ khá lâu (năm 1993), đến giai đoạn hiện nay, yêu cầu điều chỉnh Luật là hết sức cần thiết vì trữ lượng dầu hiện nay ngày càng ít đi; việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí cũng khó khăn hơn khi gần như 2 năm qua không có hợp đồng mới được ký kết.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát và có quy định chặt chẽ hơn về các nội dung liên quan. Đối với điều khoản chuyển tiếp, đề nghị bổ sung các định nghĩa dầu khí thu hồi tiềm năng; các định nghĩa về phát hiện thương mại, các tuyên bố về phát hiện thương mại, báo cáo tài nguyên trữ lượng dầu khí, báo cáo đại cương phát triển mỏ. Đồng thời, cần xem xét các nội dung này có thay thế báo cáo khả thi và tiền khả thi hay không.
Đối với quy định về Hợp đồng dầu khí tại Chương 3 vẫn đang quy định tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dầu khí ký kết hợp đồng dầu khí với nước chủ nhà Việt Nam và đại diện là Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam. Đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần phải xem xét lại vấn đề này. Vì, Tập đoàn không phải là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng lại thực hiện việc quản lý tài sản sở hữu toàn dân, tài nguyên rất lớn. Do vậy nên nghiên cứu chuyển về các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo đảm tính khách quan. Bên cạnh đó, cần có đánh giá kĩ về vấn đề phê duyệt hợp đồng dầu khí vì thực tế nếu do Thủ tướng quy định thì sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện.
Liên quan đến quy định về đấu thầu và chỉ định thầu, theo đại biểu, quy định tại Dự thảo là vẫn chưa rõ ràng. Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị, áp dụng các hình thức chào thầu cạnh tranh, chỉ định thầu, đề xuất phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, báo cáo Bộ Công thương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, sau khi đấu thầu nên giao cho nhà thầu đánh giá trữ lượng. Nếu trong trường hợp không khai thác đạt yêu cầu thì các nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm về việc đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án. Trong trường hợp khai thác được nhiều hơn thì nhà nước vẫn thu theo quy định như vậy sẽ phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại việc đánh giá trữ lương, xác định ngay từ đầu về chi phí trang thiết bị để khai thác các mỏ. Bởi, dự thảo Luật hiện đang quy định toàn bộ chi phí vận hành của các nhà đầu tư sẽ được khấu trừ hết. Do vậy, Dự thảo cần tập trung sửa đổi những tồn tại hiện nay và các vấn đề có liên quan chủ yếu là bảo đảm trữ lượng, xác định chi phí đầu tư… còn các nội dung dung khác không nên sửa trong luật Dầu khí mà sửa trong các luật khác sẽ phù hợp hơn. Đồng thời, phải có báo cáo đánh giá tác động để bảo đảm tính đồng bộ, đúng quy định của pháp luật.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Ngô Văn Tuấn cũng đề nghị, cần xác định chi tiết, cụ thể về vai trò của Tập đoàn Dầu khí và đại diện của nước chủ nhà trong thực hiện hợp đồng dầu khí.
Phải có tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện, các đại biểu băn khoăn về vấn đề phê duyệt tổng mức đầu tư việc đấu giá sẽ không bảo đảm tính công bằng. Do vậy, đề nghị làm rõ nội dung này để xem xét tính khả thi khi thực hiện.
Nhấn mạnh về nội dung cho phép doanh nghiệp quốc phòng - an ninh sử dụng tần số riêng để phục vụ quốc phòng an ninh và phục vụ hoạt động kinh tế, ĐBQH Ngô Văn Tuấn cho rằng, phải có đánh giá kĩ lưỡng, phương án cụ thể không ảnh hưởng đến nhiệm vụ an ninh - quốc phòng và việc khai thác kinh tế. Trước mắt, chưa rõ có thể thí điểm. Liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cần công khai minh bạch, quản lý tài nguyên đúng nghĩa vụ sẽ tốt hơn.
"Đối với chất lượng dịch vụ của các công ty cung cấp dịch vụ di động đối với khác hàng, phải có tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, nhất là có người kiểm tra, giám sát điều này. Bởi, hiện nay các điều kiện kiểm tra giám sát không có điều kiện cụ thể và không đứng về phía khách hàng" - ĐBQH Ngô Văn Tuấn đề nghị.