Sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn

Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra định hướng đối với sửa đổi Luật Điện lực, để đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian tới.

Thách thức thiếu điện

Tại phiên thảo luận tổ 12 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) diễn ra chiều 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến việc, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu điện.

Một số nhà đầu tư tính toán với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nên đã cân nhắc có đầu tư vào hay không.

Vì vậy, Tổng Bí thư lưu ý, bên cạnh kiến tạo môi trường đầu tư tốt giúp kinh doanh thuận lợi, cũng cần tính toán đến sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bài toán đặt ra hiện nay làm sao có đủ năng lượng phục vụ phát triển, do vậy sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực. Ảnh: Quochoi.vn

Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, cần chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tính toán quy hoạch điện, vận tải điện hài hòa giữa các vùng, miền trong cả nước.

Thực tế, có những tỉnh không sản xuất điện nhưng tiêu thụ điện lớn, có địa phương sản xuất được điện nhưng người dân chưa được dùng diện. Do đó, Chính phủ, Nhà nước cần làm tốt nhiệm vụ điều hòa điện.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, nhiều địa phương có tiềm năng lớn về phát triển điện sạch như điện gió, điện gió ngoài khơi, cần đặt ra mục tiêu cụ thể, nhận diện rõ khó khăn, thuận lợi của từng loại hình để có kế hoạch dài hạn trong việc cung ứng đủ nguồn điện.

Liên quan đến tính cấp bách trong sửa đổi Luật Điện lực (sửa đổi), Tổng Bí thư đề nghị làm rõ khó khăn, bất cập hiện nay, từ đó định hướng và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia.

Trong đó, lưu ý các quy định về phát triển điện, điều hòa điện, quy hoạch điện, đặc biệt có đủ nguồn điện để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư.

Tập trung cho an ninh năng lượng quốc gia

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đề nghị, việc sửa đổi Luật Điện lực cần bám sát các chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, bổ sung quy định về phát triển điện gió ngoài khơi, mở rộng, huy động tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực có công nghệ mới và khó này, nhưng vẫn đảm bảo an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, đánh giá kỹ tác động và bổ sung quy định rõ trách nhiệm trong phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là điều kiện chuyển nhượng dự án để đảm bảo tính thống nhất pháp luật, vì đây là lĩnh vực mới, liên quan đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền.

Ông Cường cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và phân bổ các nguồn lực cho năng lượng tái tạo góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đặc biệt, cần bổ sung nguyên tắc bảo vệ môi trường, xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng. Việc khảo sát và phát triển năng lượng cần được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với các luật liên quan.

Một số đại biểu cũng đề cập tới việc sửa đổi luật cần có chính sách khuyến khích mạnh hơn để phát triển gió, điện mặt trời ở vùng sâu, vùng xa.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), cơ quan soạn thảo đã quan tâm đến các địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật cho thấy, chính sách của Nhà nước thể hiện còn chung chung, khó triển khai và chủ yếu giao cho địa phương thực hiện.

Cùng ngày, phiên thảo luận tổ 3 gồm các đoàn Nghệ An, Bắc Giang và Quảng Ngãi, đã ghi nhận một số ý kiến về những phát sinh thực tiễn để bổ sung vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phạm vi sửa đổi Luật chưa nên sửa toàn diện mà chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Về thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch tại Điều 15, dự thảo luật, bà Hương đề nghị rà soát, làm rõ việc điều chỉnh “bổ sung dự án”, “thay thế dự án bị chậm tiến độ”, “thay đổi quy mô công suất các dự án điện”, điều chỉnh “tiến độ dự án trong thời kỳ quy hoạch” trong kế hoạch thực hiện quy hoạch được thực hiện theo cơ sở pháp lý nào để bảo đảm phù hợp với các quy định liên quan.

Về những vấn đề mới nêu trong dự thảo, đặc biệt các quy định liên quan đến các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị những quy định này cần được kiểm nghiệm thực tế, đánh giá hoàn thiện để đảm bảo khả thi và hiệu quả trong triển khai.

Còn theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (đoàn Nghệ An), các vấn đề cụ thể trong dự thảo luật còn chung chung, chưa rõ ràng, khó để thực hiện. Do đó, cần chuẩn bị chu đáo để khi luật được thông qua có thể thực thi một cách hiệu quả.

Đặc biệt, về hoạt động mua bán điện và thị trường điện cạnh tranh, bà Hiền đặt câu hỏi: điện Việt Nam đã thật sự cạnh tranh hay chưa, hay là độc quyền?

Dự thảo luật đã đề cập đến việc cạnh tranh trong các hoạt động mua bán, phát, truyền tải và bán buôn, bán lẻ điện. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, các quy định vẫn còn chung chung, nhất là tự phát điện, truyền tải điện, phân phối điện… rất khó thực thi.

Do đó, dự thảo luật cần đánh giá những phát sinh thực tiễn để bổ sung, ví dụ như yêu cầu với các bên liên quan khi tham gia thị trường điện.

Nguyễn Cảnh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/sua-doi-luat-dien-luc-can-co-tam-nhin-d37643.html