Sửa đổi Luật Giáo dục: Điều chỉnh hợp lý, sát thực tiễn

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với nhiều điểm mới.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có nhiều chính sách mới, quan trọng. Ảnh: Nguyễn Lâm

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có nhiều chính sách mới, quan trọng. Ảnh: Nguyễn Lâm

Trong đó, dự kiến những sửa đổi liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và Hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được nhiều ý kiến quan tâm, đồng tình.

Tháo gỡ vướng mắc về Hội đồng trường

Từ thực tiễn, ông Trần Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên) nhận thấy, quy định thành lập Hội đồng trường tuy mang ý nghĩa tích cực về mặt lý thuyết, nhưng khi triển khai thực tế lại phát sinh nhiều khó khăn.

Theo đó, để có Hội đồng trường đúng quy định, nhà trường phải huy động đủ đại diện giáo viên, phụ huynh, cộng đồng và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ở những trường vùng sâu xa, lực lượng xã hội khó huy động, nhiều thành viên không gắn bó hoặc thiếu hiểu biết về giáo dục, nên hoạt động kém hiệu quả.

“Như Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng tôi từng làm Hiệu trưởng, 10 lần họp Hội đồng, chính quyền xã đều xin nghỉ vì không hiểu chương trình, kế hoạch và không thấy được vai trò, trách nhiệm cao trong đó, chỉ tham gia dưới hình thức giám sát. Bên cạnh đó, qua tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra hành chính của ngành, tôi thấy hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức.

Nhiều Hội đồng trường chỉ hoạt động để “đủ quy trình”, tổ chức vài cuộc họp mỗi năm nhưng ít tác động đến các quyết sách quan trọng của nhà trường; trong khi việc lãnh đạo và chịu trách nhiệm thực tế vẫn hoàn toàn do hiệu trưởng và ban giám hiệu đảm nhiệm”, ông Trần Huy Hoàng cho hay.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT huyện Điện Biên, vai trò của Hội đồng trường còn có sự chồng chéo về quản lý. Nhà trường chịu sự chỉ đạo của nhiều cấp, như tỉnh, sở GD&ĐT, UBND huyện và có đảng ủy, chi ủy, công đoàn, đoàn thể... Nếu Hội đồng trường không rõ vai trò, lại dễ dẫn đến lúng túng trong phân cấp hoặc mâu thuẫn về quyền hạn.

Từ thực tiễn nêu trên, theo ông Trần Huy Hoàng, việc sửa đổi Luật theo hướng không bắt buộc thành lập Hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là phù hợp, cần thiết. “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Đây là bước điều chỉnh hợp lý, sát thực tiễn, tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dạy học, đồng thời đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai trong điều kiện phù hợp hơn”, ông Trần Huy Hoàng cho hay.

Cùng quan điểm, ông Phan Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Thạnh Phú, Bến Tre) cho biết: Theo quy định, Hội đồng trường có sự tham gia của chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và học sinh. Tuy nhiên, phần lớn các thành phần trên không am hiểu nhiều về tình hình của nhà trường, nhất là phương hướng chiến lược nên ít khi có ý kiến đóng góp.

Nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 5 năm, do sở GD&ĐT quyết định công nhận. Tuy nhiên hằng năm, Ban đại diện cha mẹ học sinh lại thay đổi, học sinh sau 3 năm học ra trường nên thành phần Hội đồng trường thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong kiện toàn nhân sự. Thực tiễn cho thấy, có vai trò lớn trong quyết định các vấn đề quan trọng của trường là hội đồng sư phạm, hoặc tập thể lãnh đạo trường, chi bộ (đảng bộ) trường.

Từ phân tích trên, ông Phan Văn Phúc cho rằng, không quy định việc thành lập Hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là phù hợp; giảm bớt các tổ chức không cần thiết trong cơ sở giáo dục công lập; giao quyền cho tập thể lãnh đạo, tập thể hội đồng sư phạm quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của nhà trường. Tuy nhiên, với cơ sở giáo dục ngoài công lập, vai trò Hội đồng trường vô cùng quan trọng.

 Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Lâm

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Lâm

Mở rộng cơ hội lựa chọn, phân luồng sau THCS

Nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, ông Nguyễn Thế Lực - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Hà Nội quan tâm đến nội dung về giáo dục nghề nghiệp với việc bổ sung trung học nghề; trong hệ thống văn bằng của người học có thêm bằng trung học nghề, không còn bằng trung cấp nghề.

Việc này kịp thời và đúng đắn, nhằm giải quyết tình trạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong đào tạo đối với đối tượng học sinh học hết lớp 9 theo học nghề (hệ 9+) và mở rộng cơ hội lựa chọn, phân luồng sau THCS; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập liên thông sau này.

Với việc sửa đổi như dự thảo Luật, học sinh lớp 9 sẽ có 3 lựa chọn: Vào THPT; học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp, học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề. Việc điều chỉnh này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước, mà còn dần tiệm cận với tiêu chuẩn phân loại chuẩn quốc tế về giáo dục (ISCED), UNESCO. Bên cạnh đó, quy định về mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp được sửa đổi nhằm đảm bảo phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thống nhất với Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Cũng quan tâm đến những sửa đổi liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị cho biết: Điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cấp học giáo dục nghề nghiệp gồm trung học nghề và cao đẳng nghề.

Trung học nghề dành cho học sinh sau THCS, tích hợp kiến thức văn hóa phổ thông nền tảng và kỹ năng nghề, hướng tới đạt trình độ sơ cấp hoặc trung cấp. Cao đẳng dành cho người học sau THPT hoặc tương đương, đào tạo ở trình độ cao đẳng. Quy định này đã đảm bảo cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân rõ cấp học, trình độ đào tạo.

Dự thảo Luật đồng thời quy định rõ bằng tốt nghiệp trung học nghề là một trong những văn bằng chính thống được cấp cho người học. Điều này phù hợp với mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nhân lực cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phát triển kỹ năng theo hướng ứng dụng, thực hành liên quan đến nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, sản xuất, dịch vụ và sinh kế.

Hướng tới thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và thị trường lao động, môi trường hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm, tự tạo việc làm hoặc học trình độ cao hơn.

“Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 54 về Nhà đầu tư. Những sửa đổi này tạo thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân tham gia vào hoạt động đào tạo nghề; vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, vừa phát huy được tính hiệu quả. Điều này đồng thời phát huy được tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới”. - Ông Lê Văn Hòa

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sua-doi-luat-giao-duc-dieu-chinh-hop-ly-sat-thuc-tien-post731373.html