Tâm lý chuộng học đại học khiến trường cao đẳng không tuyển đủ chỉ tiêu

Phương thức tuyển sinh đại học đa dạng, dễ dàng cũng tạo ra nhiều khó khăn cho tuyển sinh hệ cao đẳng.

Ngày 16/5, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Giáo dục thường xuyên (GDTX).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong thời gian gần đây, hệ thống GDNN, GDTX đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhiều cơ sở GDTX đã tích cực chủ động tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Số lượng học sinh, sinh viên vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có xu hướng tăng; chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao.

Mạng lưới cơ sở GDNN, GDTX được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội…

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục cũng chỉ ra một số tồn tại và khó khăn trong công tác tuyển sinh GDNN, GDTX như nhận thức của xã hội về GDNN, GDTX chưa thực sự đúng đắn và đầy đủ. Nhiều học sinh, phụ huynh vẫn còn tâm lý coi trọng bằng cấp đại học.

Công tác tuyển sinh còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; chất lượng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo còn có sự chênh lệch. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động qua đào tạo, có kỹ năng nghề cao.

Báo cáo tại hội nghị cũng chỉ ra mặc dù nhận thức của toàn xã hội, của người dân, người học về vai trò, tầm quan trọng của GDNN đã được nâng lên, tuy nhiên tâm lý coi trọng bằng cấp và tư tưởng thích học đại học hơn học nghề, coi học nghề là con đường cuối cùng trong lựa chọn của học sinh vẫn còn nặng nề.

Cùng với việc tuyển sinh đại học với quy mô và số lượng lớn (luôn chiếm khoảng 50-70%% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm), phương thức tuyển sinh đại học đa dạng, dễ dàng cũng tạo ra nhiều khó khăn cho tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, tạo ra áp lực cho cơ sở GDNN trong công tác tuyển sinh. Một số cơ sở GDNN không tuyển đủ chỉ tiêu so với đăng ký hoạt động được cấp và năng lực đào tạo thực tế của nhà trường, thậm chí có những trường kết quả tuyển sinh đạt rất thấp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở GDNN, GDTX ở địa phương này được chú trọng thực hiện theo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN.

Định kỳ hàng năm, Sở GD&ĐT triển khai công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học đến tất cả các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Mặc dù vậy, tuyển sinh cho GDNN, GDTX vẫn đối mặt với những khó khăn như, tâm lý người dân vẫn còn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của GDNN, GDTX.

"Đa phần phụ huynh vẫn hướng con em vào đại học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa thực hiện hiệu quả, chưa đi sâu vào nhận thức của xã hội.

Cùng với đó, công tác tuyển sinh còn nhiều thay đổi, điểm chuẩn đầu vào thấp làm tăng tính cạnh tranh giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp", ông Nam cho biết.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM.

Bà Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Viễn Đông Tp..HCM cho biết, năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt lớn khi hệ thống các trường nghề được chuyển về Bộ GD&ĐT quản lý. Việc sáp nhập này giúp thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ phổ thông đến đại học đảm bảo lộ trình học tập, liên thông mạch lạc hơn cho người học;

Tạo điều kiện để chương trình đào tạo nghề được thiết kế linh hoạt, tiệm cận chuẩn đầu ra theo hướng học tập suốt đời; Thúc đẩy chuyển đổi số và chuẩn hóa quản lý, nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên.

"Đặc biệt các cơ sở GDNN được tham gia vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT rất thuận lợi", bà Thu nhấn mạnh.

Từ những thuận lợi đó, bà Thu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét ban hành sớm các văn bản quy định về phạm vi đào tạo của các trường cao đẳng. Đồng thời, có các chính sách mang tầm quốc gia, cấp tỉnh thành để giúp giảm tâm lý phân biệt và nâng tầm nhận thức xã hội về giá trị thực tiễn của giáo dục nghề nghiệp.

Theo bà Thu Luật Giáo dục có đề cập đến vấn đề phân luồng, tuy nhiên cần quy định cụ thể tỉ lệ phân luồng sau tốt nghiệp THPT. Tỉ lệ này có thể linh hoạt theo vùng miền và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động nhưng theo định hướng chỉ tiêu quốc gia.

Xây dựng chính sách truyền thông, ưu đãi đầu tư, cấp học bổng hoặc tín dụng học tập áp dụng cho người học ở cả trường công và trường tư, theo tiêu chí chất lượng, hiệu quả không theo mô hình sở hữu.

Cải thiện các quy trình, thủ tục trợ cấp học phí cho người học, tạo hành lang pháp lý linh hoạt để công nhận kết quả học tập các học phần do doanh nghiệp giảng dạy.

Theo Báo cáo tại hội nghị, tính đến 12/2024, cả nước có 1.886 cơ sở GDNN gồm: 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp.

Kết quả công tác tuyển sinh của các trường trung cấp, cao đẳng trên cả nước tuyển sinh được 2.430.000 người, đạt 100% kế hoạch đề ra, trong đó tuyển sinh các trình độ cao đẳng, trung cấp: 430.000 người (cao đẳng 220.000 người, trung cấp 310.000 người).

Kết quả tuyển sinh theo lĩnh vực ngành nghề:

Nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ chiếm 46% tổng số tuyển sinh, đặc biệt tập trung vào công nghệ ô tô, công nghệ điện, công nghệ thông tin.

Nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tuyển sinh đạt 12%, tăng 4% so với năm 2023 nhờ đẩy mạnh đào tạo nông nghiệp công nghệ cao.

Nhóm ngành y dược, chăm sóc sức khỏe tuyển sinh đạt 10%, nhu cầu tăng do xu hướng già hóa dân số, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tam-ly-chuong-hoc-dai-hoc-khien-truong-cao-dang-khong-tuyen-du-chi-tieu-204250516144805739.htm