Sửa đổi Luật HTX cần tạo điều kiện thu hút thành viên
Phát triển thành viên đang là bài toán nan giải đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX. Việc Luật HTX năm 2012 với những quy định chưa phù hợp thực tiễn, chống chéo với các luật liên quan cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người chưa thấy hứng thú và chưa gắn bó lâu dài với HTX.
Theo thống kê, từ năm 2013-2021, số lượng thành viên HTX giảm dần qua các năm. Cụ thể là năm 2021, các HTX thu hút được 5,7 triệu thành viên, giảm 2,3 triệu thành viên so với năm 2013.
Cản trở thu hút thành viên
Nhưng đối với một số nước trên thế giới, việc người dân tham gia HTX chiếm tỷ lệ rất cao. Ngay như Cộng hòa Liên bang Đức, hầu hết nông dân đều tham gia HTX và họ tham gia sản xuất từ 30-90% sản lượng lương thực, thực phẩm của cả nước. Còn Hà Lan có 25,5 triệu thành viên HTX, gấp 1,5 lần dân số, đóng góp 18% GDP.
Nếu so sánh với các nước trên thế giới, tỷ lệ thành viên HTX trên dân số cả nước Việt Nam là khoảng 5,7%, thấp hơn trung bình của thế giới là 15%.
Có khoảng cách trên một phần là do hành lang phát triển HTX ở các nước trên thế giới rất thông thoáng, phù hợp với thực tế và khuyến khích được người dân tham gia HTX. Còn ở Việt Nam, các chính sách pháp luật chưa thực sự tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển. Ngay như trong Luật HTX năm 2012 hiện chưa có sự thống nhất với các luật liên quan.
Cụ thể là việc quy định thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần lợi tức được chia từ vốn góp của thành viên HTX đang không khuyến khích được các hộ cá thể tham gia HTX.
Phần lợi tức trên thực tế có thể không nhiều, chỉ khoảng 5%/thành viên (theo Thông tư 111/2013/TT-BTC) nhưng đối với những HTX quy mô toàn xã, số lượng thành viên lớn thì số tiền thuế thu nhập cá nhân là không nhỏ. Việc này khiến nhiều người dân, hộ cá thể có cái nhìn không thiện cảm về HTX. Thậm chí có những người đã làm thành viên HTX nhưng vẫn sẵn sàng rút vốn để tham gia các tổ chức khác mà họ cảm thấy có lợi hơn.
Khoản tiền thuế thu nhập cá nhân này cũng phụ thuộc một phần vào vốn góp nên nhiều thành viên HTX vì vậy cũng không mạnh dạn góp vốn mà chỉ góp vốn tối thiểu. Theo suy nghĩ của các thành viên HTX, ngay cả lợi tức sau khi góp vốn cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân thì không tạo điều kiện cho người dân liên kết phát triển sản xuất kinh doanh vì thực tế thu nhập sau khi chia của các thành viên có thể chưa đến ngưỡng phải nộp thuế.
Bên cạnh đó, việc vay vốn của các HTX hiện cũng không mấy thuận lợi vì hầu hết HTX không có tài sản thế chấp. Trong khi Luật tài chính kinh doanh hiện nay lại bắt buộc người vay tiền phải có tài sản thế chấp.
Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc HTX Rau VietGAP (Quảng Ninh), cho biết HTX cũng chỉ có nguồn vốn đối ứng nên muốn mở rộng xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến nông sản thì cần phải vay thêm nhưng rất khó tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng thương mại. Khi khó tiếp cận vốn, HTX cũng không hoạt động hiệu quả nên khó tạo thiện cảm với người dân và khó mở rộng được thành viên.
Hoàn thiện thể chế
Trong thực tế hiện nay, đa số HTX đang phân phối lợi nhuận theo vốn góp. Chính vì vậy, điều mà nhiều HTX quan tâm hiện nay là để tạo động lực cho thành viên và người dân gắn bó với HTX thì khi sửa Luật HTX 2012, các cơ quan quản lý cần có sự thống nhất với các luật khác liên quan để các HTX tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong đó, nhiều đại diện HTX cho rằng, trong lần sửa đổi Luật HTX năm 2012 lần này, cần quan tâm nhiều hơn đến việc miễn thuế thu nhập cá nhân thành viên HTX đối với phần lợi tức được chia từ vốn góp để thu hút người nông dân tham gia mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Đây cũng là điểm yếu tồn tại nhiều năm qua trong Luật HTX năm 2012. Chính vì vậy nếu có các quy định rõ ràng về miễn giảm thuế (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho HTX trong 3-5 năm, áp dụng phù hợp đối với từng loại hình HTX; không quy định thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần lợi tức được chia từ vốn góp của thành viên HTX) đối với nông dân, thành viên HTX thì sẽ khuyến khích họ khi tham HTX nhiều hơn.
Vì tham gia vào đây, các HTX sẽ có kế hoạch sản xuất cụ thể cho người nông dân, thành viên từ đó tránh được tình cảnh được mùa-mất giá. Cũng thông qua đây, tính cạnh tranh trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp sẽ được nâng lên, nền kinh tế sẽ có nhiều thuận lợi.
Bà Võ Thị Kim Sa, Phó Hiệu trưởng trường QLNN và PTNT 2 (Bộ NN&PTNT) cho rằng không một nền kinh tế nông nghiệp nào trên thế giới hoạt động hiệu quả mà không tổ chức nông dân dưới mô hình HTX. Tại nhiều nước đã chứng minh, trung bình cứ 60-80% nông dân của các nước đều tham gia HTX.
Trong khi đó, ở Việt Nam, Luật HTX năm 2012 chưa khuyến khích được nhiều người dân tham gia vì còn có những quy định làm hạn chế nguồn lực về tài chính, vốn góp. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa cụ thể, chồng chéo với các luật liên quan nên gây bất cập trong việc thực hiện Luật HTX cũng như thụ hưởng các chính sách về phát triển kinh tế tập thể.
Chính vì vậy, điều cần làm hiện nay là trong quá trình sửa đổi Luật HTX năm 2012, cần tách bạch rõ xem HTX khác doanh nghiệp như thế nào, vai trò nổi bật của mô hình kinh tế tập thể, HTX ra sao để người dân đưa ra quyết định tham gia vào HTX hay doanh nghiệp. Điều này cũng giúp công tác quản lý thuận lợi hơn.